Bầu Đức trên lưng cọp vẫn ngủ ngon

16:06 Thứ bảy 13/07/2013

Ông Bầu Đoàn Nguyên Đức là một người đặc biệt của bóng đá Việt Nam, đồng thời cũng là người đặc biệt trong giới kinh doanh (được tờ Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á).

Sự đặc biệt ấy còn thể hiện ở việc bầu Đức rất giỏi trong việc sử dụng những triết lý bóng đá để giải quyết những vấn đề khủng hoảng trong kinh doanh.

Thương hiệu doanh nghiệp gắn với thương hiệu Quốc gia

Việc bầu Đức quyết định chi tiền để đặt biển quảng cáo trên sân Emirates mùa 2007-2008 là một bất ngờ lớn đối với giới doanh nhân Việt Nam. Đây là thương hiệu thứ 3 của ĐNÁ tấn công vào Ngoại hạng Anh, bên cạnh HAGL còn có beer Chang (Thái Lan), công ty cá cược Mansion (Singapore).

Thế nhưng người ta còn ngạc nhiên hơn khi tấm biển đắt giá ấy lại ghi mấy từ rất giản dị là “HOANG ANH GIA LAI VIET NAM” cùng logo doanh nghiệp. Tại sao có hai chữ Việt Nam bên cạnh? Điều này đã được chính bầu Đức lý giải: “Đó là cách khẳng định rằng Hoàng Anh Gia Lai ở Việt Nam, ở Việt Nam có Hoàng Anh Gia Lai. Nói cách khác, đó là cách mà tôi muốn tiếp thị, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với châu Âu, dù rằng đây không phải là thị trường xuất khẩu các mặt hàng của thương hiệu…”. Lời giải thích ấy rất thuyết phục bởi HAGL đã không đưa tên một ngành hàng cụ thể nào trong tấm biển quảng cáo của mình.

Bầu Đức đã mang Việt Nam đến Arsenal và ngược lại (Ảnh: Quang Minh)

Gắn liền với thương hiệu và quyền lợi Quốc gia cũng chính là mục tiêu của bầu Đức khi xây dựng và phát triển học viện HAGL-Arsenal. Dù dựa trên cơ sở là bài toán kinh doanh, có đầu tư, có thu hồi vốn thông qua sản phẩm là các cầu thủ chất lượng cao. Thế nhưng ít ai biết rằng, mục đích sâu xa để bầu Đức dốc túi đầu tư cho bóng đá không phải là để phục vụ cho HAGL, mà cao hơn, chính dàn cầu thủ của HAGL- Arsenal sẽ là trụ cột của ĐTQG sau này.

Chính bầu Đức đã thẳng thắng phát biểu: “Thực sự tôi bỏ tiền làm học viện bóng đá không phải để phục vụ cho CLB mà cho đội tuyển quốc gia. Tôi biết đấy là ước mơ của nhiều ông bầu chứ không phải mỗi mình tôi. Nói thẳng thắn cho những nhà làm bóng đá phải biết xấu hổ: SEA Games mình chưa vô địch, AFF Cup 2008 thì may mắn thôi. Tôi tự ái ghê gớm vì trước đây cứ mỗi lần tuyển Việt Nam gặp Thái Lan là sợ, sau đá với Malaysia cũng sợ. Đá banh mà yếu bóng vía, thiếu tự tin thì đá làm gì. Tôi tin lứa cầu thủ Học viện HA Gia Lai ra trường sẽ chiếm 2/3 đội tuyển quốc gia, có khi là lấy hết luôn”.

Chia sẻ với quan điểm này, tại lễ tổng kết mùa giải 2012 PCT VFF Lê Hùng Dũng đặt câu hỏi rất thẳng thắn: “Mấy ông có biết tương lai đội tuyển quốc gia ở đâu không?” rồi ông tự trả lời luôn: “Ở Học viện HA Gia Lai Arsenal của ông Đức chứ đâu!”.

Học viện HAGL- Arsenal JMG là tương lai của bóng đá Việt Nam (Ảnh: Hà Thành)

Trong kinh doanh, thương hiệu và quyền lợi Quốc gia cũng được bầu Đức coi là một triết lý.

Còn nhớ cách đây không lâu, trong một bài viết của mình, tiến sỹ Alan Phan đã đưa ra quan điểm: “"Hãy để cho nó (doanh nghiệp và thị trường bất động sản) chết đi". Chính ông Đoàn Nguyên Đức trong vai trò là một chủ doanh nghiệp đầu tư Bất động sản đã phản pháo: “Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường bất động sản, ông Alan Phan có dự án nào ở Việt Nam không? Câu trả lời là “không có”. Ông ấy có một công ty nào thành đạt không? Câu trả lời cũng là “không”. Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS.Ngô Bảo Châu”.

Điều này cũng cho thấy quan điểm của bầu Đức: tiếng nói của một người có giá trị khi người đó làm được những gì “cho đất nước Việt Nam”.

Trả lời trên Dân Việt mới đây, bầu Đức nhấn mạnh thông điệp của mình: "Tôi mới 50 tuổi, tôi còn nhiều việc để làm và chưa bao giờ có ý định nghỉ ngơi. Tôi có những mục tiêu táo bạo, những khao khát cháy bỏng và đặc biệt tôi chưa bao giờ nản chí. Nhiều người bảo phấn đấu làm gì, không theo kịp với thế giới đâu. Đấy là suy nghĩ tiêu cực. Tại sao các nước họ làm được mà mình không làm được? Tại sao nước người ta có tỷ phú đôla mà Việt Nam mình không có? Tôi muốn khẳng định người Việt Nam làm được những gì mà thế giới làm được. Tôi muốn chứng minh Việt Nam là một dân tộc lớn. Mình đánh giặc giỏi, thì làm kinh tế và làm khoa học cũng phải giỏi".

Thành công trong bóng đá thúc đẩy tư duy mạnh dạn trong kinh doanh

Bắt tay được với Arsenal là việc khó, cực khó mà bầu Đức đã làm được. Chính thành công này đã khiến bầu Đức mạnh dạn hơn trong quá trình đầu tư, mở rộng kinh doanh sản xuất ra ngoài thị trường Việt Nam.

Hay nói cách khác, bắt tay được với Arsenal, dùng cơm với Wenger, đặt biển quảng cáo trên sân Emirates thì việc vươn ra nước ngoài là… chuyện nhỏ.

Bầu Đức luôn bình thản trước bão (Ảnh: Quang Minh)

Theo một báo cáo mới đây thì bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 2007 ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến thời điểm này, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 800 triệu USD, trong đó nổi bật lên ba dự án trồng cao su, trồng mía đường với tổng diện tích lên đến 30.000 ha, giá trị đầu tư khoảng 210 triệu USD tại hai tỉnh Attapeu, Xê Kông.

Bên cạnh đó, HAGL hiện có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su và khai khoáng từ hai mỏ sắt với tổng đầu tư 234 triệu USD.

Song những dự án nổi nhất của bầu Đức lại nằm ở Myanmar với các dự án bất động sản ở Yangon có tổng vốn đầu tư lên tới 440 triệu USD.

Tính đến thời điểm này, tổng tài sản của HAGL lên tới 1,8 tỷ USD trong đó 80% là đầu tư nước ngoài. Sự mạnh dạn ấy có được xuất phát từ việc mạnh dạn nắm tay Arsenal năm nào.

Thắng- thua và đứng vững trong khủng hoảng

Bầu Đức định nghĩa đơn giản “Thương hiệu là cái tên được nhiều người biết đến” vậy nên khi làm bóng đá, ông nói với giới truyền thông là không cần khen, “chửi” cũng được miễn là cái tên HAGL được lên mặt báo.

Trên thực tế, gần đây chính HAGL cũng có những cơn khủng hoảng nhẹ khiến bầu Đức đau đầu. Đầu tiên là vòng xoáy bất động sản khiến bầu Đức phải tuyên bố “buông” bất động sản cũng như không mở rộng các dự án quặng sắt.

Cách đây không lâu, bầu Đức còn bị Global Witness, một tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường, cáo buộc HAGL phá rừng để trồng cao su khiến bầu Đức khá lao đao.

Mới nhất là thông tin bầu Đức dự tính bán tiếp các dự án thủy điện- sau nhiều năm đầu tư gần đến ngày hái quả- cũng như rộ lên thông tin HAGL đang cõng khoản nợ khổng lồ lên tới 21.000 tỷ đồng, riêng tiền lãi phải trả hàng năm cũng lên tới hơn 1600 tỷ đồng.

Trước những cơn sóng ấy, bầu Đức tỏ ra bình thản. Với bóng đá đã có lúc sự nghiệp của bầu Đức chao đảo bởi thông tin “lỳ xì” trọng tài cách đây gần chục năm, thậm chí có tin bị khởi tố nhưng đó cũng là lúc bầu Đức biết cách giữ vững thương hiệu cá nhân, thương hiệu của HAGL.

Còn bây giờ? “Ai đó nói tôi cưỡi trên lưng cọp nhưng tôi vẫn ngủ ngon vì biết mình trong khu vực an toàn”- ông Đức nói trong ĐHCĐ 2013.

Tài sản của HAGL

Tổng tài sản 2007 là 11.600 tỷ
Tổng tài sản năm 2008 là 6.100 tỷ
Tổng tài sản năm 2009 là 12.196 tỷ
Tổng tài sản 2010 là 18.700 tỷ
Tổng tài sản 2011: 17.869 tỷ
Tổng tài sản 2012 là 20.261 tỷ
Quý 1 năm 2013 là 20.818 tỷ

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục