Nhật Bản tái định hình bóng đá: Khi xuất khẩu cầu thủ trở thành chiến lược quốc gia

18:07 Thứ năm 10/07/2025

Nhật Bản đang chứng minh rằng muốn chinh phục đỉnh cao bóng đá thế giới, không thể chỉ trông chờ vào một vài cá nhân xuất chúng, mà phải đến từ một hệ thống đào tạo bài bản, một lộ trình hoạch định rõ ràng.

Nhật Bản từ lâu đã không la
ĐTQG Nhật Bản hưởng lợi nhờ chiến lược xuất khẩu cầu thủ bài bản.

Bóng đá Nhật Bản đang trải qua cuộc cách mạng âm thầm nhưng đầy sức nặng. Trước đây, chuyện cầu thủ Nhật tìm đường sang châu Âu thường diễn ra đơn lẻ, tự phát và đôi khi là canh bạc mạo hiểm.

Thế hệ đầu tiên của xứ sở mặt trời mọc ra đi mang theo hy vọng nhiều hơn là sự chuẩn bị. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi: việc xuất khẩu cầu thủ trở thành một phần trong kế hoạch dài hạn, được lên lộ trình rõ ràng bởi chính Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA).

Khác với những năm 90, khi những cái tên tiên phong như Hidetoshi Nakata hay Shunsuke Nakamura phải tự thích nghi và đối mặt nhiều rủi ro về chấn thương, rào cản ngôn ngữ và chiến thuật, giờ đây mỗi tài năng trẻ đều được nuôi dưỡng trong một quy trình khép kín: đào tạo bài bản, cọ xát đỉnh cao ở J-League và chỉ sang châu Âu khi họ đã sẵn sàng về mọi mặt.

Cầu nối chưa từng có : văn phòng JFA tại châu Âu

Điểm sáng mang tính chiến lược là sự xuất hiện của văn phòng thường trực mà JFA đặt tại châu Âu. Đây không chỉ là “trạm trung chuyển” cầu thủ, mà còn là đầu mối quan hệ với các CLB lớn. Văn phòng này đóng vai trò cầu nối, giám sát lộ trình phát triển, đảm bảo các cầu thủ Nhật Bản được đưa sang đúng thời điểm, vào đúng môi trường phù hợp với đặc điểm chơi bóng và tâm lý của họ.

JFA có hẳn một bộ phận hoạch định kế hoạch cho các cầu thủ trẻ ở nước ngoài
JFA có hẳn một bộ phận hoạch định kế hoạch cho các cầu thủ trẻ ở nước ngoài.

Chính sách này hạn chế tối đa những ca “xuất khẩu non”. Thay vì đẩy những tài năng 17-18 tuổi ra nước ngoài để hy vọng mò kim đáy bể, JFA tập trung phát triển toàn diện ngay từ cấp CLB và học viện. Khi kỹ năng, thể chất và bản lĩnh thi đấu đã đạt đến mức sẵn sàng, họ mới thực hiện bước nhảy sang những giải đấu hàng đầu như Bundesliga, Premier League hay Serie A.

Nhờ cách tiếp cận này, cầu thủ Nhật khi sang châu Âu không còn mang hình ảnh thần đồng học việc mà thực sự là những mắt xích có thể đóng góp ngay cho những đội bóng Châu Âu.

Wataru Endo: Từ Hiroshima đến Anfield

Tiền vệ Wataru Endo là minh chứng sống động cho thành công của mô hình này. Khởi đầu từ Hiroshima, tỏa sáng tại VfB Stuttgart ở Bundesliga, Endo cập bến Liverpool năm 2023 trong bối cảnh đội bóng vùng Merseyside cần một tấm khiên nơi tuyến giữa.

Anh không mất thời gian để làm quen với guồng quay của Premier League, mà ngay lập tức trở thành mắt xích đáng tin cậy nhờ nền tảng kỷ luật chiến thuật, khả năng đọc trận đấu và tinh thần thi đấu không mệt mỏi.

Endo nâng cao chức vô địch EPL trong màu áo Liverpool
Endo nâng cao chức vô địch EPL trong màu áo Liverpool.

Điều đáng nói là Endo không phải cá biệt. Trước anh, Kaoru Mitoma (Brighton) đã chinh phục khán giả Premier League bằng phong cách chơi bóng ngẫu hứng, kỹ thuật và tốc độ. Takehiro Tomiyasu (Arsenal) được xem là một trong những hậu vệ đa năng nhất của giải đấu, có thể chơi tốt cả trung vệ lẫn hậu vệ cánh, hay mới nhất là trung vệ Kota Takai gia nhập Tottenham. Ngoài ram Daichi Kamada tiếp tục khẳng định bản thân tại Serie A với lối chơi thông minh, kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật xuất sắc

Những gương mặt này phản ánh cách tiếp cận: cầu thủ Nhật không bị vắt kiệt để “trình làng” cho kịp trào lưu mà được đầu tư phát triển đủ lâu trong nước, để khi ra đi, họ mang theo sự tự tin và tinh thần sẵn sàng cống hiến ngay lập tức.

Urawa Red Diamonds bay cao

Một khía cạnh đáng chú ý khác là sự vươn mình của các CLB J-League. Urawa Red Diamonds, một trong những tên tuổi giàu truyền thống nhất Nhật Bản, đã giành chức vô địch AFC Champions League 2022, qua đó giành quyền tham dự FIFA Club World Cup 2025 phiên bản mới, với tư cách đại diện cho bóng đá châu Á.

U
Urawa Red Diamonds đối đầu với Inter Milan tại FIFA Club World Cup.

Việc Urawa góp mặt ở bảng đấu với những đội bóng tầm cỡ như Inter Milan hay River Plate không chỉ là danh dự cho CLB mà còn khẳng định vị thế của cả J-League. Người Nhật coi đây là cơ hội lý tưởng để các cầu thủ thi đấu trong môi trường đỉnh cao, dưới áp lực cực lớn, đối đầu với những trường phái bóng đá đa dạng, từ kỹ thuật Nam Mỹ đến sức mạnh châu Âu.

Đáng nói, Urawa Red Diamonds không chỉ mạnh trên sân cỏ. Họ còn được xem là “Man United của Nhật” khi sở hữu lượng fan đông đảo và bầu không khí sân đấu cuồng nhiệt. Sự ổn định về tài chính, định hướng phát triển đội bóng và bản sắc văn hóa CLB chính là nền tảng vững chắc giúp Urawa không chỉ duy trì vị thế ở J-League mà còn từng bước sánh vai với các tên tuổi lớn ngoài châu lục.

Tất cả vì một Samurai Blue bản lĩnh

Mục tiêu cao nhất của JFA đằng sau chiến lược xuất khẩu chính là phục vụ đội tuyển quốc gia. Mỗi cầu thủ ra đi đều được kỳ vọng trở về với tâm thế trưởng thành hơn, mang theo những kinh nghiệm quý báu để nâng tầm lối chơi tập thể.

Mục tiêu cuối cùng của Nhật Bản là củng cố tham vọng World Cup
Mục tiêu cuối cùng của Nhật Bản là củng cố tham vọng World Cup.

Ngày nay, Samurai Blue không còn chỉ là tập hợp của những cầu thủ chơi bóng thuần túy trong nước. Họ trở thành đội tuyển có thể trình diễn lối chơi hiện đại, giàu biến hóa. Những “chất liệu” châu Âu như tốc độ, sức mạnh, tính kỷ luật chiến thuật và khả năng chơi bóng dưới áp lực cao đang được các cầu thủ Nhật Bản hấp thụ và tái hiện lại khi khoác áo đội tuyển.

Điều này tạo nên đội hình có khả năng cạnh tranh thực sự tại World Cup, điều mà nhiều thế hệ trước từng mơ ước nhưng khó hiện thực hóa khi thiếu trải nghiệm thi đấu quốc tế thường xuyên.

Bài học cho cả châu Á

Nhìn sang khu vực, không nhiều nền bóng đá có hệ thống liên kết chặt chẽ như Nhật Bản. Một số nước cũng bắt đầu xuất khẩu cầu thủ, nhưng phần lớn vẫn mang tính tự phát, thiếu hạ tầng hỗ trợ và hệ sinh thái đồng bộ. Điều làm nên thành công của Nhật không chỉ là tài năng cá nhân mà còn là một bộ máy được vận hành đồng bộ từ cấp học viện, CLB, liên đoàn cho đến các mạng lưới kết nối quốc tế.

Đó cũng là triết lý “phát triển trước, xuất khẩu sau”. Tư duy này đang định hình lại cách nhìn về tiềm năng của bóng đá châu Á: không còn dừng ở mức “có cầu thủ ra nước ngoài” mà là “có cầu thủ đủ sức tạo ra giá trị thực sự cho CLB lớn”.

Con đường ngày càng rộng mở

Khi nhìn về tương lai, rõ ràng Nhật Bản không dừng lại ở vài cái tên thành công. Họ đang xây dựng thế hệ tiếp nối với chất lượng ngày càng cao, được tôi luyện cả về kỹ năng, thể lực, tư duy lẫn khả năng chịu áp lực. Văn phòng JFA tại châu Âu vẫn sẽ là mắt xích quan trọng để kết nối những học viện tại Hiroshima, Tokyo hay Yokohama với các lò đào tạo và CLB tại Đức, Anh, Pháp, Ý.

Chính sách đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục HLV, khoa học thể thao, quản trị chấn thương và tâm lý thi đấu, những thứ đôi khi bị coi nhẹ tại châu Á, đang trở thành phần không thể thiếu của lộ trình. Kết quả cuối cùng là các CLB như Urawa Red Diamonds tiếp tục giữ thế mạnh, còn các tài năng như Wataru Endo, Kaoru Mitoma sẽ mở đường cho thế hệ kế cận tiếp tục tỏa sáng.

Tổng hợp từ "Urban Pitch" và "isspf"

Piero | 18:07 10/07/2025
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục