Tương lai huấn luyện thể thao: Từ Đức nhìn về Việt Nam với ứng dụng AI và dữ liệu lớn

14:55 Thứ hai 21/07/2025

TinTheThao.com.vnPhó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Việt Bảo – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM, nhà khoa học thể thao Việt Nam tham dự và báo cáo tại FISU World Conference 2025 – Rhine‑Ruhr, CHLB Đức.

image001

  Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Việt Bảo tham dự hội nghị Thể thao Sinh viên Thế giới FISU 2025 tại Rhine‑Ruhr, Đức.

Phóng viên: Xin chào Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Việt Bảo. Được biết thầy vừa tham dự Hội nghị Thể thao Sinh viên Thế giới FISU 2025 tại Rhine‑Ruhr, Đức – một sự kiện có quy mô và tầm ảnh hưởng rất lớn trong giới học thuật thể thao và sinh viên toàn cầu. Thầy có thể chia sẻ ấn tượng của mình về sự kiện này?

PGS.TS Vũ Việt Bảo: Hội nghị FISU Rhine‑Ruhr 2025 là một diễn đàn học thuật đa chiều, đa dạng văn hóa, quy tụ chuyên gia, nhà khoa học, giáo dục và hoạch định chính sách thể thao toàn cầu. Chủ đề chính – “Competing for Change: Exploring Sustainability and (Mental) Health through Sports” – phản ánh xu hướng tích hợp thể thao với phát triển bền vững và sức khỏe tinh thần.

Điều làm tôi ấn tượng nhất là sự giao thoa giữa công nghệ, giáo dục và thể thao, đặc biệt qua các ứng dụng AI, dữ liệu lớn và công cụ đánh giá khoa học nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện thể thao và giáo dục thể chất.

Phóng viên: Bài báo cáo của thầy tại hội nghị – về độ tin cậy và giá trị của phiên bản tiếng Việt trong bộ công cụ đánh giá chất lượng giáo dục thể chất ISQPE – đã được lựa chọn trình bày tại hội nghị. Xin thầy cho biết thêm về nội dung và nhóm nghiên cứu?

PGS.TS Vũ Việt Bảo: Bài viết mang tính thực tiễn và khoa học: “Reliability and Validity of the Vietnamese Version of the International Study of Quality of Physical Education Questionnaire (ISQPE)”. Nghiên cứu trải qua các giai đoạn: dịch thuật, chuẩn hóa, kiểm định thống kê và thử nghiệm thực tế tại nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

image002

 

Nhóm nghiên cứu gồm: 1. PGS.TS Vũ Việt Bảo, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH TDTT TP.HCM 2. TS. Võ Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM 3. TS. Đào Văn Thâu, Viện trưởng Viện NCKH & CNTT Thể thao, ĐH TDTT TP.HCM 4. ThS. Nguyễn Ngọc Chơn Tâm, Trường Đại học Đồng Nai 5. GS.TS Walter King Yan Ho, Trường Đại học Gakugei Tokyo, Nhật Bản

Công cụ này cho phép chúng ta đánh giá chất lượng giáo dục thể chất một cách khách quan, làm căn cứ cho cải tiến chương trình, nội dung và phương pháp và các hoạt động thể chất khác, đồng thời đảm bảo tiệm cận chuẩn quốc tế.

Phóng viên: Trong thời gian tham dự hội nghị, thầy có những trải nghiệm đáng chú ý nào về ứng dụng công nghệ trong huấn luyện thể thao?

PGS.TS Vũ Việt Bảo: Một làn sóng công nghệ mới đang lan tỏa mạnh mẽ lĩnh vực thể thao toàn cầu. Tại các gian hàng và workshop của Đại học Thể thao Cologne Đức – đơn vị hàng đầu trong ứng dụng khoa học thể thao – tôi đã tiếp cận các hệ thống sử dụng AI để phân tích kỹ chiến thuật, theo dõi sức khỏe, tối ưu hóa huấn luyện về các mặt sinh lý, sinh hóa, dinh dưỡng, phòng ngừa chấn thương cũng như cá thể hóa huấn luyện theo đặc điểm cá nhân vận động viên cấp cao.

Ví dụ, có phần mềm có thể xử lý hàng nghìn dữ liệu chuyển động chỉ trong vài giây, phát hiện lỗi tư thế mà mắt thường không thể nhận ra. Những dữ liệu ấy không chỉ hữu ích cho huấn luyện viên mà còn là tư liệu khoa học quan trọng để đào tạo HLV và bác sĩ thể thao.

Phóng viên: Theo thầy, Việt Nam đang ở đâu trên lộ trình này, và cần làm gì để không bị tụt hậu?

PGS.TS Vũ Việt Bảo: Việt Nam đang ở đầu giai đoạn – có nhiều dư địa để khai thác. Để bắt kịp, cần:

1. Đầu tư thiết bị công nghệ tại các trung tâm huấn luyện trọng điểm.
2. Đào tạo nguồn nhân lực liên ngành (thể thao – công nghệ thông tin – y sinh học).
3. Kết nối quốc tế, mời chuyên gia về và đưa giảng viên, sinh viên đi học hỏi.
4. Xây dựng kho dữ liệu thể thao quốc gia để lưu trữ chỉ số VĐV, hồ sơ tập luyện và thành tích.
5. Thí điểm mô hình huấn luyện số tại đội tuyển trẻ hoặc trường thể thao nhằm kiểm chứng hiệu quả trước khi triển khai rộng.

image003

 

Phóng viên: Thầy kỳ vọng gì thêm khi ứng dụng AI trong thể thao Việt Nam?

PGS.TS Vũ Việt Bảo: Nếu triển khai đúng, AI sẽ giúp chúng ta:

• Nâng cao hiệu quả huấn luyện và dự báo thành tích thi đấu.
• Phòng ngừa chấn thương và góp phần duy trì sự nghiệp vận động viên thành tích cao.
• Hỗ trợ huấn luyện cá nhân hóa, thay vì theo phương pháp đại trà hiện nay.
• Tối ưu hóa ngân sách huấn luyện dựa trên dữ liệu thực nghiệm, không cảm tính.
• Hỗ trợ phát hiện tài năng thể thao sớm trên cơ sở dữ liệu khoa học.

Phóng viên: Cuối cùng, thầy có điều gì muốn nhắn gửi đến sinh viên và thế hệ trẻ đang theo đuổi ngành thể thao không?

PGS.TS Vũ Việt Bảo: Tôi mong các bạn trẻ thay đổi tư duy: thể thao hiện đại cần kết hợp sức khoa học huấn luyện và công nghệ, đăc biệt là AI. Các bạn hãy làm quen và ứng dụng AI một cách có lý trí song song với tập luyện thể thao. Vì những nhà huấn luyện giỏi tương lai sẽ là những “coach- data-tech -AI” CATD.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Việt Bảo và cả nhóm nghiên cứu vì những chia sẻ sâu sắc, thiết thực. Chúc thầy sức khỏe, và kính chúc ngành thể thao – khoa học Việt Nam sẽ nhanh chóng hội nhập và phát triển mạnh trong kỷ nguyên số!

Hoàng Triều | 14:00 08/08/2025
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục