Theo đó, trận thua muối mặt 0-10 trước Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hôm 3/9 như giọt nước tràn ly khiến người hâm mộ không thể ngồi yên. Để phản đối cách làm bóng đá thiếu hiệu quả của các quan chức FAM, một nhóm cổ động viên đã tụ tập, đột pháo sáng và quậy phá trên khán đài trong trận Malaysia gặp Saudi Arabia (8/9) .
![]() |
Tình trạng bạo loạn xảy ra trên khán đài Malaysia. Ảnh: Internet. |
Hình ảnh này trái ngược với những gì diễn ra cách đây vài năm trước khi bóng đá Malaysia còn đứng trên bục vinh quang của Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup 2010 và hai lần liên tiếp giành Huy chương Vàng SEA Games (2009 và 2011). Nhưng cũng từ đó, sự xuống dốc bắt đầu xảy ra khi Malaysia trắng tay ở các kỳ AFF Cup, SEA Games,… tiếp theo.
Trong bài phân tích trên báo Dailyexpress của Malaysia, có ý kiến cho rằng các quan chức FAM đã ngồi điều hành quá lâu và tới lúc cơ quan này cần một cuộc thay máu. Thậm chí, báo TheStar còn chỉ trích nặng nề người đứng đầu FAM vì không có được chiến lược phát triển bóng đá thích hợp.
Trong khi đó, thủ thành huyền thoại Wong Kam Fook lại tin rằng FAM cần chấn chỉnh chương trình phát triển bóng đá trẻ. "Hệ thống đào tạo trẻ hoàn toàn đi sai hướng. Từ những gì tôi thu thập từ bạn bè, có hơn 60% huấn luyện viên đào tạo trẻ không có kiến thức nền bóng đá. Như vậy, thử hỏi làm sao họ dạy đúng những kỹ thuật? Tại sao FAM không đặt niềm tin vào cựu binh để huấn luyện cầu thủ trẻ," Wong Kam Fook cho biết.
Còn báo New Straits Times Online nhận định, việc các đội bóng ở giải Vô địch quốc gia Malaysia trả lương rất hậu hĩnh cho cầu thủ không mang đến cú hích giúp họ phát triển. Mức lương cao nhất cho một cầu thủ tại Malaysia nhận hằng tháng lên tới 250.00 RM (Ringgit Malaysia hay còn gọi đồng Đôla Malaysia), trong khi thấp nhất là 10.000 RM và 15.000 RM. Dù vậy, tiền nhiều lại không mang đến một sự cam kết phục vụ đội nhà tận tụy khi lên tuyển của cầu thủ.
Để hiến kế cho FAM vực dậy bóng đá nước, ông Kelly Tham, người từng dẫn dắt một CLB giành FA Cup Malaysia, cho rằng trong thời gian tới cần có những kế hoạch phát triển bóng đá dài lâu được ra đời, đồng thời những học viện phải tạo ra chương trình huấn luyện cho đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Có như vậy, bóng đá Malaysia ít nhất mới qua được cơn bĩ cực.
Từ những gì bóng đá Malaysia đang trải qua, người hâm mộ thấy được nét gì đó giống với hình ảnh của làng túc cầu Việt Nam. Chúng ta đã từng vô địch AFF Cup vào năm 2008, nhưng thành tích sau đó thất vọng thế nào không nói cũng biết. Trận thua 0-3 trước Thái Lan hôm thứ Ba như hồi chuông báo động cho các nhà làm bóng đá nước nhà.
Cần sự thay đổi, cuộc cách mạng và thay máu từ cội rễ trước khi quá muộn. Nếu không, bóng đá Việt Nam hãy còn trượt dài!