![]() |
Trong "bế tắc", một "cánh cửa" đã được mở ra đối với VĐV quốc gia gặp tai nạn, chấn thương trong tập luyện thi đấu. |
Những người bị lãng quên
Đã chấp nhận sẽ phải sống cả đời cùng chiếc xe lăn, song chí ít, giờ đây, Lê Thị Huệ cũng đã nhận được những sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt về nhiều mặt. Chị đã nhận được những khoản hỗ trợ thích đáng về vật chất từ các tổ chức, cá nhân để có thể lo cho cuộc sống thường ngày, và hướng đến tương lai lâu dài. Nữ đô vật xứ Thanh một thời lừng lẫy đã được đưa lên Bệnh viện Thể thao Việt Nam để khám và điều trị, với hy vọng có thể khôi phục 50% tình trạng thể lực và khả năng đi lại. Quan trọng hơn, người phụ nữ 34 tuổi từng bị vùi lấp trong bóng tối ấy đã tìm thấy động lực mới, để có thể tiếp tục chiến đấu vượt lên nghịch cảnh, cũng như có những niềm vui sống thiết thực mỗi ngày.
Rất mừng cho Huệ, nhưng trường hợp của chị cũng vẫn chỉ là cá biệt. Vẫn còn hàng loạt những VĐV bị tai nạn, chấn thương đã và đang phải chịu thiệt thòi, thậm chí bất công. Mười năm gắn liền với chiếc xe lăn không một lời thăm hỏi, bất chấp những cống hiến quan trọng cho thể thao nước nhà của Huệ là minh chứng tiêu biểu nhất cho rất nhiều bất cập.
Suốt cả chục năm phát triển bùng nổ về mặt số lượng, đã có hàng trăm lượt tuyển thủ của hàng chục môn "dính" chấn thương đủ loại, khi đang tập huấn, thi đấu vì nghĩa vụ quốc gia. Ba tuyển thủ đã thiệt mạng, cùng rất nhiều gương mặt phải giải nghệ, trở thành người tàn phế, cũng như hàng loạt trường hợp phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, về sức khỏe cũng như tinh thần.
Sau tai nạn ngay trước thềm SEA Games 2003, Lê Thị Huệ phải nương tựa vào mẹ già, dưới một mái nhà cấp bốn. Nguồn thu nhập chính hằng tháng của hai mẹ con là 580.000 đồng tiền trợ cấp tai nạn lao động của Huệ, cộng thêm 450.000 đồng tiền hỗ trợ chăm sóc, cho đến khi báo chí "vào cuộc". |
Một vấn đề "nhức nhối": mức kinh phí cho chữa trị chấn thương còn quá thấp, chỉ vài chục triệu đồng cho mọi loại chấn thương. Những "ca" khó, hiện tại ngành y tế thể thao vẫn chưa thể xử lý, bắt buộc phải đưa VĐV ra nước ngoài điều trị, lại đòi hỏi chi phí quá lớn. Trong khi đó, hằng năm, các tuyển thủ khi "lên tuyển" cũng chỉ được mua bảo hiểm y tế ở mức thấp nhất. Các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia không có nguồn riêng để mua bảo hiểm lâu dài, mức cao mà chỉ có thể mua bảo hiểm ngắn hạn và bèo bọt, bằng nguồn ít ỏi trích từ kinh phí thường xuyên.
Hiện tại, giữa ngành thể thao với các địa phương cũng chưa có sự phối hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng nên dẫn đến tình trạng "đùn đẩy". Tuyển thủ quốc gia bị chấn thương, khi thôi làm nhiệm vụ quốc gia, coi như ngành thể thao cũng hết trách nhiệm, phó mặc mọi chuyện cho bản thân VĐV cùng địa phương của họ. Dù thương tật trầm trọng đến đâu, về sau, họ cũng chỉ được trợ cấp theo dạng tai nạn lao động thông thường.
Một "cánh cửa" đã mở
Như phân trần rất thẳng thắn và thực tế của một vị lãnh đạo ngành thể thao, dù rất hiểu nỗi bức bách và những đòi hỏi chính đáng về chuyện chăm lo cho những VĐV không may mắn, ngành thể thao cũng chỉ có thể "giải quyết" từng trường hợp một cách hạn chế. Gốc rễ của vấn đề là do Nhà nước chưa có chế độ, chính sách riêng đối với đối tượng đặc thù này.
Trong "bế tắc", một "cánh cửa" đã được mở ra. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết đối với VĐV quốc gia. Trong đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Đối với các VĐV gặp tai nạn, chấn thương khi tập luyện, thi đấu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan trên cơ sở các quy định hiện hành, quan tâm đầy đủ và kịp thời, tiến hành và vận động các hình thức hỗ trợ VĐV và gia đình một cách hợp lý, hiệu quả; đề xuất ban hành các chính sách cần thiết đối với các VĐV này.
Như thế, ngành thể thao đã được giao trách nhiệm cũng như quyền chủ động, để có thể chăm lo tốt nhất cho những VĐV thiệt thòi. Đây cũng là cơ sở để tin tưởng rằng sẽ sớm có một hệ thống văn bản chính thức quy định chế độ, chính sách đối với họ.
Mọi chuyện bây giờ đều phụ thuộc vào ngành thể thao. Không còn lý do nào (thường là "đổ" hết cho "khách quan" như lâu nay) để biện hộ cho những cảnh ngộ hiu hắt trong lãng quên, như Lê Thị Huệ đã từng phải âm thầm chấp nhận...
|