Đào tạo trẻ là mục tiêu sống còn của Santos
Trên đường hội nhập, bóng đá thế giới đã xuất hiện rất nhiều lò đào tạo trẻ được xếp vào loại xuất sắc. Ở châu u, có thể kể tới cỗ máy sản xuất tài năng của lò La Masia, học viện đào tạo của Ajax hay các lò trẻ của Man Utd, Arsenal, Bayern Munich,... Còn ở Brazil, không ai không biết tới Santos, một trong những đội bóng lâu đời nhất xứ sở Samba.
![]() |
Pele - 1 trong những "viên ngọc" đầu tiên của lò Santos |
Kể từ những năm 50 của thế kỉ trước, Santos đã coi đào tạo trẻ là mục tiêu sống còn để duy trì và phát triển đội bóng. Nhiệm vụ đào tạo trẻ được Santos đưa ra sau khi đội bóng này gặp khó khăn về kinh tế. Ngay ở giai đoạn đầu tiên, Santos đã sản sinh ra hàng loạt tên tuổi sáng giá. Đó là thế hệ vàng của những Gilmar, Mauro Ramos, Mengálvio, Coutinho, Pepe hay Pelé.
Pele và 6 ngôi sao huyền thoại khác của Santos là những nhân tố chính mang về chức vô địch thế giới (World Cup) năm 1962 cho ĐT Brazil trên đất Chile. Ở giải đấu này, “vua bóng đá” Pele mới ở tuổi 21. 8 năm sau, Selecao lại giành chức vô địch thế giới (1970) và ở giải đấu năm nay, Santos vẫn đóng góp tới 5 cầu thủ.
Sau thế hệ vàng ấy, Santos tiếp tục cho ra lò hàng loạt tài năng xuất chúng khác như Pita, Juary, Elano, Alex, Diego, Robinho, Léo, Giovanni, Ganso, Neymar hay André. Do ngân sách hạn chế, Santos không thể giữ chân những sản phẩm “cây nhà lá vườn” của mình. Nhưng chưa bao giờ đội bóng này từ bỏ tham vọng sở hữu đội hình toàn Peixe.
Hiện tại, Santos đã mở rộng phạm vi đào tạo trẻ. Tính sơ bộ, đội bóng này đang sở hữu hơn 100 cầu thủ trẻ thuộc các lứa tuổi U-11, U-13, U-15, U-17 và U-20. Các tài năng nhí được tuyển chọn kĩ càng qua đội ngũ sát hạch nhiều kinh nghiệm ngay ở tuổi lên 5, lên 6.
![]() |
Neymar, Ganso là những học viên tài năng tiếp theo |
Ngoài các kĩ năng đào tạo bài bản trong học viện, Santos còn tạo dựng môi trường bóng đá đường phố giúp các tài năng trẻ phát huy tối đa chất ngẫu hứng trong lối chơi. Những ngôi sao tiềm năng được lựa chọn và tập luyện theo giáo án riêng, thậm chí được gửi sang châu u học hỏi.
Cái riêng của Santos là đội bóng này luôn tạo cơ hội thể hiện cho các tài năng trẻ. Trường hợp điển hình là Neymar. Ngay từ khi 17 tuổi, Neymar đã xuất hiện trong đội hình 1 của Santos. Sự tin tưởng của BHL là 1 trong những yếu tố giúp ngôi sao này phát huy tối đa khả năng chơi bóng.
HLV của Santos khi ấy, ông Vagner Mancini đã nói rằng “bóng đá đỉnh cao là môi trường rèn luyện kĩ năng tốt nhất cho các tài năng trẻ. Chúng ta không thể trúng độc đắc nếu không chơi xổ số. Chúng tôi biết khả năng của Neymar tới đâu nên đã để cậu ta sớm có cơ hội tiếp cận bóng đá đỉnh cao”.
Hiện tại, học viện trẻ của Santos nằm dưới quyền chỉ đạo của 4 danh thủ trong quá khứ là Chico Formiga, Abel Verônico, Rubens Salles và Urubatão Calvo Nunes.
Bài học cho bóng đá Việt
Trong chuyến du đấu Việt Nam lần này, Santos đã cử lực lượng bao gồm các cầu thủ ở lứa tuổi U23. Đây được xem là lứa thế hệ vàng sẽ tiếp nối thành công của Santos trong tương lai. Chẳng bởi thế mà ngay khi đến thành phố Hồ Chí Minh, HLV Emerson Ballio đã tuyên bố sẽ mang tới những bất ngờ tới NHM bóng đá Việt.
Chưa biết các cầu thủ U23 Santos sẽ thể hiện ra sao, chỉ biết rằng 18 cầu thủ này là những sản phẩm được đào tạo rất bài bản của học viện trẻ Santos. Chỉ cần nhìn vào hướng đi của Santos trong suốt hơn nửa thế kỉ qua, các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học về định hướng phát triển.
![]() |
Bóng đá Việt Nam cần hơn những lò đào tạo trẻ như Santos và HAGL |
Trong xu thế hội nhập, các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang ồ ạt tuyển mộ các cầu thủ ngoại quốc. Đó là hướng đi không tồi bởi nó sẽ mang lại sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ các đội bóng. Nhưng bên cạnh đó, định hướng này đang khiến các tài năng trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm suất đá chính và phát huy khả năng vốn không phải yếu kém.
HAGL là đội bóng đi tiên phong trong chiến dịch trẻ hóa và tận dụng nhân tài “cây nhà lá vườn”. Điển hình là ở V-League mùa giải vừa qua, bầu Đức đã mạnh dạn sung một lúc 2 tài năng trẻ của Học viện Arsenal-HAGL JMG. Đó là Lê Đức Lương và Nguyễn Văn Đại, cùng sinh năm 1994, thuộc khóa đầu tiên của học viện.
“Quan điểm của HAGL là phải tạo thật nhiều cơ hội cọ xát cho các cầu thủ trẻ, tất nhiên là phải trong khuôn khổ cho phép của đối tác Arsenal và JMG. Những cầu thủ có chất lượng tốt nhất sẽ được thử lửa vào dịp khác, số còn lại chúng tôi muốn rèn luyện thêm ở các giải trong nước, chẳng hạn V-League hay các giải trẻ”, Giám đốc điều hành của HAGL, ông Huỳnh Mau chia sẻ.
Thực tế, trong quá khứ, chỉ có SLNA dám đẩy các cầu thủ lứa tuổi 16-17 lên đội 1. Đó là trường hợp của Văn Quyến và Công Vinh. Quyết định táo bạo của đội bóng xứ Nghệ đã tạo ra 2 nhân tài lớn cho bóng đá Việt. Tiếc rằng thế hệ tài năng ấy vẫn thiếu hụt về số lượng. Một phần vì các CLB khác không đi theo định hướng ấy.
Nhìn vào cách đào tạo trẻ và trao cơ hội cho các sao nhí của Santos và hiện tại là HAGL, có thể thấy rằng hướng đi này đang phát huy sự hiệu quả một cách tích cực. Bằng chứng là ở giải U19 Đông Nam Á vừa qua, thế hệ đầu tiên của lò HAGL - Arsenal JMG đã làm nức lòng NHM bóng đá Việt dù không thể bước lên bục cao nhất.
Hi vọng U23 Santos sẽ có trận đấu ấn tượng ở sân Thống Nhất chiều mai. Khi ấy, đội bóng xứ sở Samba sẽ mang tới một bài học quý giá cho các nhà lãnh đạo của bóng đá Việt. Để phát triển và tiến tới các mục tiêu xa hơn, Việt Nam cần hơn những học viện trẻ như Santos và HAGL...