Câu chuyện bóng đá: Dormund - Từ tay trắng tới Wembley

10:47 Thứ năm 23/05/2013

Sau khi vượt qua gã khổng lồ Real Madrid ở vòng bán kết Champions League, Dortmund đã được đánh giá là một thế lực bóng đá mới của châu Âu. Tuy vậy, đằng sau sự phát triển thần kỳ của họ trong những năm vừa qua là một mảng tối mà ít ai biết đến.

Năm 2005, tức là chỉ 8 năm sau khi giành chức vô địch Champions League, Borussia Dortmund chìm xuống đáy sâu khủng hoảng. Nhà vô địch một thời đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Chủ tịch Gerd Niebaum và CEO Michael Meier đã khiến Die Borussen phải trả giá sau những tháng ngày ròng rã săn tìm vinh quang.

Suốt cả thập niên 90, Dortmund vung tiền để chiêu mộ những ngôi sao sáng giá, đưa về sân Westfalenstadion những cái tên như Andreas Moller, Stefan Reuter, Jurgen Kohler, Matthias Sammer, Karl-Heinz Riedle, Julio Cesar và Paulo Sousa. Dưới thời HLV huyền thoại Ottmar Hitzfeld, Dortmund vô địch Bundesliga 2 năm liên tiếp và cũng lên ngôi cao nhất ở châu Âu năm 1997. Sau đó là một quãng thời gian tụt dốc không phanh.

Vinh quang trong quá khứ

Hitzfeld phải rời ghế HLV để đảm nhận chức vụ giám đốc thể thao, và do những bất đồng với BLĐ đội bóng, năm 1998 ông bỏ sang Bayern để dẫn dắt Hùm xám đến những vinh quang tương lai. Người thay thế ông là Nevio Scala, với lời hứa sẽ đưa Dortmund thành “thế lực bóng đá lớn nhất thế giới.” Nhưng tất cả tan rã từ khi chưa bắt đầu.

Scala chỉ tại vị được đúng 1 năm và bị sa thải sau những kết quả bết bát. Chấn thương khiến cho BVB ngày càng suy yếu. Mattias Sammer, một trong những cầu thủ hay nhất châu Âu khi đó, chơi trận Bundesliga cuối cùng vào tháng 10 năm 1997. Ông chính thức giã từ sự nghiệp năm 1998 vì một chấn thương đầu gối nghiêm trọng.

Tiếp nối vinh quang Champions League là những mùa giải kém cỏi ở Bundesliga, cộng thêm vài bản hợp đồng hớ hênh như Victor Ikpeba, Fredi Bobic và Sunday Oliseh. Dortmund không được dự Champions League năm 1999 và một năm sau họ về thứ 4 ở Bundesliga nhưng không qua nổi vòng loại cúp C1. Kết quả, HLV Michael Skibbe bị sa thải, nhường ghế cho Bernd Krauss, người lập nên kỷ lục 8 trận không thắng trong lịch sử Dortmund.

Niebaum và Meier không bỏ cuộc. Họ mời Udo Lattek và Sammer làm HLV, và sẵn sàng đưa CLB vào thị trường chứng khoán. Tháng 10/2000, kế hoạch này thành công, mang về hơn 140 triệu euro. “Đây là ngày sinh thứ hai của đội bóng”, chủ tịch Niebaum phát biểu.

Với số tiền khổng lồ trong tay, Dortmund lại mua sắm điên cuồng. Họ chiêu mộ Tomas Rosicky, Jan Koller, Marcio Amoroso và Sebastian Kehl, cùng vài ngôi sao khác. Số tiền 25 triệu euro mà Dortmund bỏ ra để tậu Marcio Amoroso vẫn còn là một kỷ lục cho đến ngày nay.

Đúng thời điểm đó, Đức giành quyền đăng cai World Cup 2006, và bộ đội Niebaum – Meier lại tiếp tục ván cờ tài chính mù quáng của mình. SVĐ Westfalenstadion được nâng cấp lên thành 83.000 chỗ ngồi, nhưng ngay cả khi điều này giúp cho Dortmund được đăng cai một trận bán kết World Cup, cái giá phải trả là quá lớn. CLB phải bán cổ phần, thu về 75 triệu euro. Công ty Molsiris mua lại cổ phần, và cho phép Dortmund sở hữu SVĐ.

Đối mặt với khó khăn trong giai đoạn giữa thập niên 2000s

Tháng 8/2003, Dortmund thất bại ngay tại vòng loại Champions League trước Club Brugges, và vài tháng sau các báo ở Đức bắt đầu đưa tin về những khó khăn tài chính đe dọa tới sự tồn tại của đội bóng. Trong nỗ lực dập tắt những tin đồn có hại này, Niebaum và Meier đã dọa khởi kiện các nhà báo đã phanh phui vụ việc. Họ không điều đó. Tháng 2/2004, Dortmund công bố khoản lỗ 30 triệu euro chỉ trong 6 tháng.

Mùa hè năm 2004, Dortmund bán tên SVĐ cho công ty Signal Iduna, và đến giờ vẫn chưa mua lại được. Họ cũng phải bán bớt 5 cầu thủ, trong đó có Tomas Rosicky. Khủng hoảng vẫn không dừng lại. Tháng 10 năm đó, CLB công bố khoản lỗ gần 70 triệu euro, cùng 120 triệu euro tiền nợ. Niebaum buộc phải từ chức chủ tịch.

CĐV Dortmund xuống đường biểu tình, đe dọa tẩy chay Dortmund nếu BLĐ để cho đội bóng phá sản. Nhưng tình hình ngày càng tệ hại hơn khi CEO mới nhậm chức, ông Aki Watzke thừa nhận rằng Dortmund đang “ngấp nghé” bờ vực phá sản.

Thật may mắn, mọi chuyện bắt đầu khởi sáng từ tháng 3/2005. Công ty nắm cổ phần của Dortmund, Molsiris tự nguyện đứng ra “đỡ đầu” cho đội bóng, đưa ra nhiều khoản đầu tư hứa hẹn thay vì bắt họ phải tuyên bố phá sản. Chủ tịch Rienhard Rauball phát biểu trước báo giới: “Tôi không muốn sống những ngày tháng như thế này nữa. Đây đúng là cơn ác mộng lớn nhất đời tôi.”

Một năm sau, Dortmund bắt đầu công cuộc tái thiết, xây dựng lại đội bóng. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng. Nợ nần chồng chất, Die Borussen phải làm lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng. Năm 2007, họ suýt phải xuống hạng, và HLV Michael Zorc bị giới truyền thông địa phương vùi dập thẳng tay.

“Họ đã tống cổ tôi dù tôi đã cố gắng hết sức.” Zorc nhớ lại thời điểm được coi là chương thứ 3 trong công cuộc tái thiết của Dortmund. “Chương đầu tiên là sinh tồn, chương thứ hai là tái thiết. Chương thứ ba là đi tìm một triết lý bóng đá mới.” Aki Watzke giải thích trong một cuộc phỏng vấn.

Vinh quang châu lục đang chờ đón

Triết lý mới này được xây dựng với mục đích tìm lại vinh quang trong quá khứ của Dortmund. Nhưng quan trọng hơn, nó nhắm tới mục tiêu đem lại cho CĐV của Die Borussen những gì tốt đẹp nhất, những trận đấu cuồng nhiệt nhất. Những thứ mà người Đức luôn mong chờ.

Khi Jurgen Klopp gia nhập Dortmund từ đội bóng hạng hai Mainz, Dortmund đã bước sang chương thứ tư, đưa những triết lý bóng đá của mình vào sân cỏ. Ngay từ ngày đầu tiên, Dortmund đã chiếm được tình cảm của hơn 8 vạn CĐV trên sân Westfalenstadion. “Tôi tin chắc rằng chúng tôi đã tìm được một giải pháp ưu tú nhất.” Zorc kết luận. Dù bị “tống cổ”, ông vẫn giúp Dortmund lôi kéo Klopp về với đội bóng.

Mùa bóng tiếp theo, Dortmund suýt chút nữa giành quyền tham dự Europa League. Năm 2010, họ chính thức trở lại với đấu trường châu Âu, nhưng đã gạt nó sang một bên để tiếp tục công cuộc chinh phục Bundesliga của mình. 6 năm sau khi bắt đầu tái thiết, họ lên ngôi vô địch Bundesliga.

Mùa hè năm 2011, họ mất Nuri Sahin và mua về Ilkay Gundogan, người ban đầu gặp khá nhiều khó khăn trong nhiệm vụ thay thế Sahin. Tuy vậy, Shinji Kagawa, được đưa về Dortmund từ Nhật Bản chỉ với 300.000 euro đã kịp thời tỏa sáng, đưa Die Borussen trở lại ngôi vị số 1. Tuy vậy, năm đó Dortmund bị loại khỏi Champions League ngay từ vòng bảng.

Mùa bóng 2012-13 này, họ đã vượt qua vòng bảng và đi thẳng một mạch tới trận chung kết. Ở thời điểm hiện tại, phần lớn số nợ của Dortmund đã được thanh toán. “Chương thứ năm là phát triển ổn định,” Watzke nói.

Và tất nhiên, hàng vạn CĐV Dortmund sẽ hy vọng rằng chương thứ năm này sẽ kéo dài mãi mãi.
Quốc Thắng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục