Nếu nói về vị thế, Campuchia kém xa Việt Nam. Từ Sea Games đến Tiger Cup (AFF Cup) thì người anh em trên bán đảo Đông Dương chỉ là kẻ lót đường trong khi chúng ta ít nhất một lần lên ngôi tại AFF Cup 2008 và cũng đã có nhiều thành tích ấn tượng. Đó là chưa kể khoảng cách 30 bậc trên bảng xếp hạng của FIFA. Và tại AFF Cup 2016, Việt Nam vào bán kết sau 3 trận toàn thắng vòng bảng còn Campuchia thua cả 3 (có trận thua Việt Nam) và phải về nước sớm. Nhưng trong mắt người hâm mộ, Campuchia dù “về nước sớm” nhưng đã để lại một hình ảnh rất đẹp. Còn Việt Nam đã được (hay là bị) nhắc đến với tư cách là đội chặt chém nhất của giải đấu.
Trong một giải đấu, không phải kẻ loại sớm lúc nào cũng bị chê bai hết lời. Như ở AFF Cup năm nay, Campuchia với hai trận thua ngược trước Malaysia và Myanmar cũng như thua suýt soát trước Việt Nam thì những chàng trai trẻ này của HLV Lee Tae – Hoon nhận được thiện cảm của nhiều người. Trong đó ngôi sao Chan Vathanaka xứng đáng là đầu tàu cho một Campuchia trẻ trung, tiến bộ vượt bậc. Chẳng ai ngờ có một ngày Campuchia có thể chơi ngang ngửa Việt Nam và làm Malaysia, Myanmar toát mồ hôi.
Cách đây không lâu, Campuchia từng gây sốc với bạn bè quốc tế khi có hơn 50 ngàn khán giả đã đến lấp kín sân vận động quốc gia Olympic ở Phnôm Pênh trong một trận đấu… giao hữu. Nhắc lại để thấy được phần nào vì sao có được một đội tuyển Campuchia lột xác như tại AFF Cup. Campuchia ý thức được mình là một nền bóng đá kém phát triển của… vùng kém phát triển nên họ lấy tình yêu tạo nên sức mạnh. Cùng với đó là sự cầu thị, kiên trì khi HLV Lee Tae – Hoon được đặt niềm tin trong nhiều năm. Chính chiến lược gia người Hàn Quốc này đã xây dựng nên một đội tuyển Campuchia đầy hứa hẹn trong tương lai. Tại Sea Games sắp tới, ai dám xem thường Campuchia hay không?
Những gì đang diễn ra tại Campuchia khiến bóng đá Việt Nam… xấu hổ. Dù phần lớn trong 90 triệu dân Việt Nam là fan của của trái bóng tròn nhưng trong một trận giao hữu từ cấp U23 tới tuyển QG cũng chưa có tới 5 vạn khán giả đến sân. Ở các giải đấu trong nước, vài năm qua chúng ta được thế giới biết đến qua những tiêu cực bán độ, bỏ giải, hay những pha vào bóng thô bạo nhiều hơn. Dù có những điểm sáng của việc đội Futsal hay U19 được dự World Cup nhưng không vì thế mà bức tranh của bóng đá Việt Nam sáng sủa hơn.
Trở lại câu chuyện vị thế thì Việt Nam cũng là kẻ tự kiêu tại Đông Nam Á. Không phủ nhận rằng bóng đá Việt Nam từ Tiger Cup 1998 đến nay thỉnh thoảng vẫn tạo nên những tiếng vang. Nhưng tính đến giờ chúng ta chỉ có một chức vô địch AFF Cup ngang với Malaysia, trong khi Thái Lan và Singapore đều đã có 4 lần lên ngôi cao nhất. Đó là thước đo có giá trị đáng kể. Với việc thua Malaysia mùa AFF Cup trước hay Indonesia năm nay, chất lượng của bóng đá Việt Nam rõ ràng không tăng lên mà còn có dấu hiệu đi xuống. Một đặc điểm khác biệt nữa giữa bóng đá Campuchia và Việt Nam là trong khi Campuchia đặt niềm tin lâu dài với HLV Lee Tae – Hoon thì tại Việt Nam, cứ sau một giải đấu thất bại là thay HLV khiến cho đến bây giờ, chúng ta chẳng tạo ra được cái gọi là bản sắc. Điều mà Campuchia thể hiện rất rõ tại AFF Cup vừa rồi.
Bóng đá cũng như cuộc sống, nếu đứng ở vị trí thấp thì vẫn có ngày bước lên ở một vị trí cao hơn. Trong khi đó bóng đá Việt Nam không chịu nhận mình ở vị thế thấp như Campuchia hay Lào mà luôn nghĩ mình chỉ sau mỗi… Thái Lan nên cứ bị “giấc mơ Thái Lan” ám ảnh suốt bao năm qua và cứ mãi lơ lửng giữa ranh giới của sự tầm thường. Thậm chí có người bi quan cho rằng một ngày nào đó Campuchia sẽ vượt qua cả Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam hơn hẳn Campuchia, đó là sự thật. Nhưng nếu muốn đi lên một tầm cao mới, chúng ta nên đặt mình ngang Campuchia là tốt hơn.