
Manchester United thường phải chi tiêu nhiều hơn mức giá trị thực của các bản hợp đồng họ muốn đưa về sân Old Trafford.
Trong mười năm qua, Man Utd không ít lần trở thành bên thiệt thòi trong các thương vụ chuyển nhượng, dù chi tiêu rất mạnh tay. Khác với nhiều đội bóng lớn biết cách ép giá hợp lý, Quỷ đỏ thường bị động, dẫn đến mất nhiều tiền hơn mức đáng lẽ phải trả.
Ví dụ điển hình là Bryan Mbeumo. Sau gần hai tháng đàm phán, Man Utd cuối cùng cũng chiêu mộ được cầu thủ này từ Brentford, tuy nhiên họ lại phải trả tới 71 triệu bảng trong khi ban đầu chỉ là 65 triệu. Brentford từ chối hai lần rồi nâng giá khiến Man Utd chịu thiệt cả về thời gian lẫn chi phí.
Harry Maguire là một thương vụ đắt đỏ khác trong lịch sử. Năm 2019, sau khi hai lần ra giá 60 và 70 triệu bảng bị từ chối, Man Utd vẫn quyết định chi 80 triệu bảng - mức phí kỷ lục cho một trung vệ khi đó. Song, Maguire chưa từng đáp ứng được kỳ vọng của đội bóng.
Marouane Fellaini cũng là trường hợp tiêu tốn tài chính đáng chú ý. Khi còn điều khoản giải phóng hợp đồng 23,5 triệu bảng, Man Utd không hành động, để rồi chỉ một tháng sau phải trả 27,5 triệu bảng để có được anh.
Mason Mount là một thương vụ mà Man Utd trả giá cao dù chỉ còn một năm hợp đồng với Chelsea và cầu thủ này liên tục bị chấn thương. Mức phí 60 triệu bảng qua ba lần bị từ chối rồi tăng giá cho thấy sự lúng túng trên bàn đàm phán.
Phil Jones nhận được hợp đồng mới năm 2019 với lương 75.000 bảng mỗi tuần dù phong độ giảm sút nghiêm trọng do chấn thương. Kết quả là trong 4 mùa liên tiếp, anh chỉ thi đấu 6 trận ở Premier League nhưng vẫn nhận gần 4 triệu bảng mỗi năm.

Alexis Sanchez là thương vụ gây thất vọng bậc nhất của MU.
Alexis Sanchez từng phá vỡ cấu trúc lương của Man Utd khi nhận mức khởi điểm 350.000 bảng mỗi tuần có thể lên đến 560.000 với thưởng và bản quyền hình ảnh. Tuy nhiên, anh chỉ ra sân 45 trận và không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Donny van de Beek là trường hợp đầu tư thất bại khác khi tiêu tốn 40 triệu bảng để rồi chỉ có 6 lần đá chính trong 4 năm, trước khi bị bán cho Girona với giá rẻ.
Paul Pogba là câu chuyện bi hài với Man Utd khi được mua lại với giá kỷ lục 89 triệu bảng năm 2016 sau khi ra đi tự do năm 2012, nhưng đến 2022 lại rời đội mà không mang về lợi nhuận. Dù có những khoảnh khắc bùng nổ, đây vẫn là thương vụ lỗ lớn trong lịch sử CLB.
Memphis Depay được mua với giá 25 triệu bảng từ PSV năm 2015 nhưng chỉ sau 2 mùa thi đấu không thành công đã bị bán lỗ cho Lyon. Sau này, Depay hồi sinh mạnh mẽ và thành công ở Barcelona và Atletico Madrid.
Cuối cùng là Radamel Falcao, với phí mượn 6 triệu bảng và lương 265.000 bảng mỗi tuần cho một cầu thủ mới trở lại sau chấn thương nặng. Kết quả là anh ghi được 4 bàn sau 29 trận, và may mắn Man Utd không mua đứt với giá 43,5 triệu bảng.
Những ví dụ trên cho thấy Man Utd trong thập kỷ qua dù chi tiêu lớn nhưng không ít lần tự biến mình thành "bậc thầy đàm phán ngược" khi thường xuyên phải trả giá cao hơn giá trị thực và chịu thiệt thòi trong các thương vụ.