Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam không phản đối việc nhập tịch nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến sự phát triển của các cầu thủ trẻ trong nước: "Liên đoàn luôn sẵn sàng hỗ trợ đội tuyển về mặt nhập tịch, nhưng việc cầu thủ sau khi nhập tịch có được gọi lên đội tuyển hay không là quyết định của HLV trưởng."
Ngoài ra, ông cũng nhắc đến chính sách nhập tịch "ồ ạt" của Indonesia, cho rằng điều này làm giảm cơ hội cho các cầu thủ bản địa và dẫn đến khó khăn trong việc triệu tập cầu thủ chủ chốt cho các giải đấu lớn. Ông nhấn mạnh: "Thế giới đang tập trung vào phát triển cầu thủ trẻ, và bóng đá Việt Nam không nên đi ngược lại xu hướng này."
Phát biểu của ông Trần Anh Tú nhanh chóng thu hút sự chú ý và nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng người hâm mộ Indonesia. Trên mạng xã hội, không ít cổ động viên Indonesia đã lên tiếng mỉa mai và chỉ trích quan điểm này.
Một người viết: "Người Việt Nam thật buồn cười, vì rõ ràng họ không có nguồn cầu thủ phong phú như Indonesia... Làm sao để 'ồ ạt' được đây... Ha ha ha!"
Một người khác bình luận: "Chúng tôi không nhập tịch cầu thủ, chúng tôi gọi các cầu thủ của mình... Những cầu thủ có quyền bình đẳng như các cầu thủ bản địa. Cùng nhau hướng đến World Cup."
Ý kiến thứ ba: "Chúc mừng Việt Nam, đừng quá hưng phấn mà bận tâm đến chúng tôi... Cảm ơn."
Việt Nam và Indonesia đang áp dụng hai chiến lược khác nhau trong việc sử dụng cầu thủ nhập tịch. Việt Nam ưu tiên phát triển cầu thủ trẻ và chỉ nhập tịch trong những trường hợp đặc biệt, khi cầu thủ thực sự tạo được giá trị. Trong khi đó, Indonesia chủ yếu tìm kiếm cầu thủ gốc Indonesia từ nước ngoài hoặc nhập tịch các tài năng để cải thiện chất lượng đội tuyển.
Kết quả về lâu dài sẽ cần sự trả lời của thời gian, nhưng gần nhất, Việt Nam đã lên ngôi vô địch AFF Cup, trong khi Indonesia bị loại từ vòng bảng.