Vừa qua, trận chung kết lượt đi của AFF Cup 2016 đã diễn ra giữa tuyển Indonesia và tuyển Thái Lan. Trận chung kết ấy xứng đáng được dùng những mỹ từ như: kịch tính và hấp dẫn. Dù từng là bại tướng trước người Thái ở vòng bảng nhưng đến chung kết, tuyển Indonesia đã thể hiện bộ mặt rất khác.
Đến nay, vẫn có nhiều người tỏ ý tiếc nuối về tuyển Việt Nam về một trận chung kết trong mơ trước người Thái ở giải đấu lần này. Thế nhưng, nếu theo dõi trận chung kết ấy, có lẽ, chúng ta đã hiểu được những thiết sót còn tồn đọng và nguyên nhân tại sao tuyển Việt Nam không thể đi đến trận đấu cuối cùng.
Đầu tiên, chúng ta cần thừa nhận rằng, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có thể đặt ngang hàng chứ đừng nói đến sự vượt trội trước người Thái. Quá khứ chỉ ra rằng, tuyển Việt Nam cũng đã từng thắng tuyển Thái Lan nhưng đó là mang tính khoảnh khắc hơn là một chu kỳ lịch sử. Điều đó cũng xảy ra tương tự với tuyển Indonesia.
Vì ở cửa dưới nên tuyển Indonesia đã chọn cho mình lối chơi cực kỳ hợp lý, cộng với yếu tố tinh thần cùng sân nhà đã khiến họ “tự nhiên mạnh”. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ tuyển Indonesia ở 3 trận đấu gần nhất gồm 2 trận bán kết với tuyển Việt Nam và chung kết lượt đi với tuyển Thái Lan sẽ thấy rằng, đội bóng xứ vạn đảo rất biết mình. Trước trận đấu, họ thu mình trên truyền thông, ẩn nhẫn với các mục tiêu và biết tung sức mạnh khi cần thiết.
Thứ 2, HLV Hữu Thắng là mục tiêu tốt nhất dành cho tuyển Việt Nam. Nhưng người đàn ông ấy có lẽ vẫn còn thiếu một điều, đó là động lực để mang đến sức mạnh cho đội tuyển. So với HLV Kiatisuk Senamuang và Alfred Riedl, HLV Hữu Thắng rõ ràng vẫn chưa thể sáng ngang về kinh nghiệm cũng như bản lĩnh. Vậy nên, trong tương lai gần, mà nhất là SEA Games sắp tới, HLV Hữu Thắng có lẽ cũng sẽ cố gắng khắc phục điều này để giúp đoàn quân của ông có một bộ mặt thật khác.
Thứ 3, bóng đá Việt Nam đang thiếu một niềm tin. Tuyển Thái Lan trong những năm qua kể từ ngày mà HLV Kiatisak chính thức nắm quyền đều có những trận đấu thắng thua khác nhau. Thế nhưng, LĐBĐ Thái Lan cùng người dân Thái luôn tỏ thái độ ủng hộ vị tướng trẻ trong mọi hoàn cảnh. Họ luôn cho rằng, trao quyền tuyệt đối cho HLV Kiatisak và đội tuyển của họ sẽ tốt dần lên. Thực tế cũng đã kịp trả lời mà không cần nhắc đến quá nhiều.
Còn bóng đá Việt Nam thì sao? Tuyển Việt Nam buộc phải dừng bước ở bán kết AFF Cup 2016, chúng ta đã đòi sa thải HLV Hữu Thắng. Vị HLV ấy không phải là ông bụt mà trong một thời gian ngắn để có thể đưa tuyển Việt Nam đi đến chung kết và vô địch. Hãy học người Thái trong câu chuyện này.
Để bóng đá Việt Nam lên ngôi ở khu vực và đi xa hơn ở châu lục, chúng ta còn cần làm rất nhiều thứ. Đó là cần xây dựng một kế hoạch lâu dài, chấp nhận thất bại, có trách nhiệm với các kế hoạch ấy và cùng đồng hành với nhau. Có như vậy thì bóng đá Việt Nam mới có thể phát triển và đi lên. Còn nếu mọi thứ vẫn diễn ra như hiện tại, chúng ta sẽ mãi thất bại và sẽ còn thốt lên: nếu như…