Khi VFF “lật kèo”
Nói một cách chính xác với 14 đời HLV ngoại nhưng sự thật là VFF chỉ ký hợp đồng với 10 vị tướng: Edson Tavares (Brazil), Karl Heinz Weigang (Đức), Colin Murphy (Anh), Alfred Riedl (Áo), Dido (Brazil), Christian Letard (Pháp), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha), Falko Goetz (Đức), Toshiya Miura (Nhật Bản), Park Hang-seo (Hàn Quốc). Các ông Tavares, Riedl, Calisto được VFF mời quay lại dẫn dắt ĐTQG.
Huấn luyện viên Karl Heinz Weigang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam giành HCB tại SEA Games 1995, đánh dấu kỷ nguyên hội nhập và phát triển của bóng đá nước nhà tại khu vực. Thế nhưng sau Tiger Cup 1996 dù giành bộ HCĐ, chiến lược gia người Đức bị sa thải. Nguyên nhân xuất phát từ việc ông Weigang phản đối mạnh mẽ trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Juventus.
Huấn luyện viên Henrique Calisto dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đang ở thời kỳ khủng hoảng lực lượng giành bộ HCĐ Tiger Cup 2002. Thay vì ký mới, VFF bất ngờ “lật kèo” sa thải vị tướng Bồ Đào Nha chỉ vì ông này đòi tăng lương 1 USD cho hợp đồng mới. Thông tin hậu trường sau này tiết lộ VFF trảm ông Calisto vì quá cứng rắn, nhiều lần bật lại lãnh đạo.
Vụ “lật kèo” được xem là lịch sử của VFF là trường hợp HLV người Đức Falko Goetz. Sau thất bại tại SEA Games 26, liên đoàn bóng đá Việt Nam tuyên bố vẫn trọng dụng ông Goetz đến hết năm 2012. Thế nhưng bất ngờ diễn ra phút 89 khi VFF chấm dứt hợp đồng với ông Goetz. HLV Alfred Riedl được xem là công thần của bóng đá Việt Nam nhưng vẫn không tránh được việc bị VFF “trở cờ” khi nhận quyết định sa thải tại SEA Games 2007.
“Chơi dao có ngày bị đứt tay”
Hợp đồng giữa HLV người Pháp Christian Letard với liên đoàn bóng đá Việt Nam được xem là vụ bê bối chấn động nhất của tổ chức này. Sau khi không ký tiếp với ông Henrique Calisto, VFF chọn ông Letard lên nắm đội tuyển thông qua bức thư giới thiệu của Aime Jacquet, HLV trưởng đội tuyển Pháp vô địch World Cup 1998.
Chỉ sau 5 tháng nắm đội tuyển, những người làm chuyên môn phát hiện ra ông Letard không phù hợp với bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên, tổ chức này chẳng còn cách nào khác là chấm dứt hợp đồng sớm với HLV Letard.
Người ta nói “chơi dao có ngày bị đứt tay” và câu nói này đúng với VFF khi tổ chức này sa thải ông Letard. Có thể nói HLV Letard chưa thể hiện nhiều về chuyên môn nhưng bù lại là chuyên gia luật. Không chấp nhận mức đền bù của VFF, ông Letard kiện lên Tòa án trọng tài thể thao quốc CAS. Điều đáng nói là VFF chẳng hề quan tâm đến việc bị ông Letard đưa vụ việc ra CAS.
Hậu quả là VFF nhận “trái đắng” và phải đền bù 197.800 USD cho HLV Letard vì thiếu hiểu biết về luật. Tổng số tiền thua kiện ông Letard là 213.000 USD. Điều đáng nói là một vài quan chức VFF đã “ém” thông tin về vụ việc này đến khi mọi chuyện không còn cách cứu vãn mới bị truyền thông phanh phui.
Nhắc lại bài học từ các HLV ngoại để thấy rằng với khả năng quản lý, điều hành của VFF thì mọi khả năng đều có thể xảy ra. Người hâm mộ chỉ hy vọng VFF đã rút được “sợi dây” kinh nghiệm, những bài học đắt giá trong quá khứ và thuận lợi ký gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo.