Mười năm của bóng đá Đức là bài học vô giá

16:07 Thứ sáu 18/07/2014

(TinTheThao.com.vn) - Tuy lần gần nhất người Đức lên ngôi ở một giải đấu lớn là Euro 1996 hay xa hơn là World cup 1990, nhưng cuộc cách mạng trong bóng đá chỉ là trong vòng 10 năm nay và đến World Cup 2014 thì họ đã có thành quả.

Cuộc cách mạng đến sau khi đội tuyển nước này thất bại tại Euro 2004 dù trước đó họ đã vào tới chung kết World Cup 2002. Đức thất bại trong hình hài một đội tuyển không có nhiều ngôi sao nào đáng kể. Với một đất nước mà số cúp giành được có thể đứng nhất nhì thế giới thì đó là một nỗi đau. Và cuộc cách mạng bắt đầu.

Ở Đức, người ta xem trái bóng là công cụ lao động, đá bóng là một nghề để nuôi sống bản thân chứ không như người Nam Mỹ xem bóng đá là trình diễn. Khi có sự nghiêm túc đó, cùng với óc chiến lược của một nước tiên tiến hàng đầu thế giới, người Đức biết mình phải làm gì để tìm lại vị thế cho bóng đá Đức. Như một lối suy nghĩ giản đơn và thực tế là khi xây nhà phải xây từ nền móng, người Đức đã chú tâm vào đào tạo cầu thủ trẻ, cải tiến Bundesliga và từng bước nâng tầm giải đấu này.

Đội tuyển Đức lần thứ 4 vô địch World Cup

Với lợi thế về mặt kinh tế, những CLB lớn của Đức như Bayern Munich hay Dortmund có sức thu hút nhiều cầu thủ tài năng đến thi đấu tạo điều kiện cho người bản xứ học tập. Nhưng không vì thế mà cầu thủ Đức không có chỗ đứng. Bằng việc dành những đãi ngộ lớn khiến cho những tài năng người Đức chẳng cần ra nước ngoài thi đấu. Và Bundesliga đã có bước tiến lớn trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng đá Châu Âu khi họ vượt mặt Serie A và đe doạ Premier League của người Anh. Khi Bundesliga lớn mạnh, cầu thủ càng có điều kiện cọ xác với môi trường châu lục hơn để tích luỹ kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu.

Song song đó cuộc cách mạng trong đội tuyển Đức mới là đáng kể. Lần lượt Jürgen Klinsmann rồi Joachim Loew đến mang theo những tư tưởng mới, cách huấn luyện mới. Điều đáng khen ở người Đức dù trong suốt 10 năm qua họ dù họ không có danh hiệu nào nhưng họ vẫn kiên trì với con đường đang đi, kiên trì với tư duy bóng đá đã chọn.

Khác với Anh, Hà Lan hay Bồ Đào Nha thường xuyên thay đổi HLV dẫn đến thay đổi cách huấn luyện cùng phong cách chơi bóng. Ví dụ ở tuyển Anh, các đời HLV người thì chuộng kinh nghiệm, người thích tạo cơ hội cho người trẻ…nên các tuyển thủ không thể thuần thục một cách chơi bóng và thông hiểu nhau. Chính sự kiên trì đó mà một thế hệ cầu thủ Đức được chơi cạnh nhau suốt thời gian dài, được cọ xát thường xuyên nên hiểu ý gần như tuyệt đối.

Một điểm mới của Đức là ngày có càng nhiều cầu thủ những cầu thủ không phải là người Đức được vào đội tuyển, có thể là Ba Lan, Ghana…Đây cũng là một bộ phận sức mạnh mới của tuyển Đức, tạo nên sự đa dạng trong lối chơi.

Cốt lõi trong 10 năm cách mạng của bóng đá Đức là xây dựng một đội tuyển vừa mang tinh thần Đức vừa có phong cách chơi phù hợp với thời đại. Đức bây giờ vẫn là sự lạnh lùng, bền bĩ nhưng không khô khan, thực dụng mà tràn đầy sự đẹp đẽ. Đẹp nhưng không hoe hoè, đẹp nhưng hiệu quả. Chính sự chắt lọc tinh hoa, học hỏi và mạnh dạn xây dựng lối đi riêng đã mang đến thành công cho tuyển Đức tại World Cup.

Thành công của người Đức rất đáng để Anh hay Hà Lan suy ngẫm. Những quốc gia này không thiếu những tài năng trải dài qua bao thế hệ, nhưng danh hiệu dường như cứ lẫn tránh họ. Tuy nhiên không phải sự thành công nào cũng tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình biết lắng nghe, biết học hỏi, biết mạnh dạn thay đổi và kiên trì, nghiêm túc trong cách làm việc. Hà Lan hay Anh có đủ tiềm lực về kinh tế, khoa học và cả con người, cái họ thiếu chỉ là cách làm việc như người Đức mà thôi. Hà Lan chưa bao giờ vô địch World Cup, còn Anh đã 48 năm vẫn mòn mỏi tìm chiếc cúp thứ hai trong khi người Đức chỉ cần 10 năm thay đổi là đã có thành tựu. Đấy là bài học vô giá đối với các quốc gia khác.

Hoàng Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục