Làm sao để tiến hành một vụ chuyển nhượng (Kỳ 1)

21:01 Thứ sáu 03/07/2015

(TinTheThao.com.vn) - Mỗi khi mùa Hè đến là báo hiệu cho một mùa mua sắm sôi động của các CLB trên khắp châu Âu, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, một vụ chuyển nhượng được diễn ra như thế nào?

Nếu là một tín đồ của tựa game quản lý bóng đá Football Manager, chắc hẳn bạn sẽ rất quen thuộc với những công việc của một HLV bóng đá, trong đó nổi bật là việc thực hiện các thương vụ mua bán cầu thủ. Trước hết chúng ta phải trinh sát cầu thủ mục tiêu, kiểm tra số liệu thống kê và thống nhất ngân sách. Sau đó là lắng nghe ý kiến từ nhân viên và BLĐ rồi cuối cùng thương lượng giá cả với CLB chủ quản cũng như điều khoản cá nhân với cầu thủ.

Mùa hè sẽ hứa hẹn những thương vụ chuyển nhượng bom tấn. Ảnh: Internet.

Mọi thứ diễn ra dường như khá dễ dàng nhưng trong thực tế, từ lúc nhắm đến một cầu thủ mục tiêu đến lúc bản hợp đồng chuyển nhượng được hoàn tất là cả một quá trình phức tạp và cân não gấp nhiều lần trong thế giới game.

Bước 1: Tuyển trạch cầu thủ (Scouting)

Tuyển trạch viên sẽ xem xét kỹ lưỡng một cầu thủ trước khi CLB tiến hành các bước chuyển nhượng tiếp theo. Ảnh: Internet.

Tuyển trạch cầu thủ tiềm năng là một công việc bí ẩn nhưng lại là nhân tố quan trọng của một thương vụ. Công việc mang tính do thám này giúp cho bạn đảm bảo về chất lượng cầu thủ cũng như tính khả thi cao của một bản hợp đồng mới.

Tuyển trạch viên bóng đá là một ngành công nghiệp khổng lồ. Những tuyển trạch viên truyền thống thường xuất hiện trong các trận đấu bóng đá cấp trường học, quan sát và đưa ra nhận định chủ quan từ khán đài, sau đó tổng hợp và gửi về cho CLB. Nhưng tuyển trạch viên kiểu cổ điển như thế này ngày càng ít đi vì áp lực công việc cao mà đồng lương của họ lại khá bèo bọt (4-10 bảng Anh/1 giờ làm việc).

Để thay thế dần sức người trong công tác tuyển trạch, trinh sát cầu thủ, ngày nay, người ta đã tạo ra những phần mềm máy tính để thu thập các số liệu phân tích, thống kê chi tiết về mỗi cầu thủ, và chương trình đang được nhiều CLB ưa thích hiện nay là Scout7. Sau mỗi trận đấu, những video quay lại chi tiết các tình huống trên sân sẽ được tải lên Scout7 trong vòng 2-5 phút, và các HLV, tuyển trạch viên, nhà quản lý có thể dễ dàng tải về cũng như xem các băng ghi hình ngay tại phòng làm việc hay nhà riêng.

Nhờ có những phần mềm như Scout7, các tuyển trạch viên tốn ít thời gian đến sân hơn và thay vào đó, họ tập trung thời gian để trò chuyện với đại diện của cầu thủ, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình của mục tiêu tiềm năng. Tất cả mọi việc cần phải được tiến hành một cách nhanh chóng, êm thấm, nếu không những cầu thủ trẻ sẽ dễ dàng bị các kình địch khác cuỗm đi.

Bước 2: Ra giá (Bid)

Khi một cầu thủ đã được xác định là mục tiêu thì công việc tiếp theo là đưa ra một lời đề nghị chuyển nhượng (hoặc cho mượn) đến CLB chủ quản của cầu thủ mục tiêu.

Cách đơn giản nhất để gửi đi một lời đề nghị là sử dụng máy fax, sau đó, đề nghị chuyển nhượng sẽ được CLB chủ quản xem xét và thương lượng. Mặc dù đây là phương pháp giao tiếp trực quan và dễ dàng nhất nhưng việc fax văn bản chỉ được các CLB sử dụng để liên lạc với những người đại diện hoặc môi giới cầu thủ. Sau đó, những người này sẽ thương lượng hợp đồng với bên bán trong tư cách đại diện của bên mua.

Những tay môi giới cầu thủ là những chuyên gia trong việc định giá và ra giá cho những thương vụ giữa các CLB. Họ chính là cầu nối quan trọng giữa bên mua và bên bán, là người thiết lập những vòng quay ổn định để các thương vụ có thể được tiến hành dễ dàng và ổn thỏa.

Bước 3: Tiếp cận cầu thủ (Tapping up)

Tại Premier League, người ta đặt ra một điều luật rằng “Nếu một cầu thủ đang thực hiện hợp đồng với một CLB thì không được quyền tiếp xúc với một CLB khác nếu chưa có sự đồng ý của CLB chủ quản.” Như vậy, về cơ bản, những hợp đồng chuyển nhượng luôn phải được thực hiện một cách tuần tự.

Nhưng trên thực tế, sự việc thường diễn ra ngược lại. Hiếm có một vụ chuyển nhượng nào mà những CLB muốn mua không liên lạc trước với đại diện của cầu thủ để dò hỏi ý kiến về việc mong muốn được ra đi và yêu cầu lương bổng cơ bản của thân chủ anh ta.

Dù chấp nhận hay phản đối, các CĐV cũng phải xem đây là thực tế và là một phần của trò chơi. Các thỏa thuận cá nhân giữa cầu thủ và CLB thường được thiết lập trước khi cả hai CLB chấp nhận mức giá chuyển nhượng và ký kết vào hợp đồng.

Bước 4: Đàm phán (Negotiations)

Đàm phán là bước quan trọng để xác định giá cuối cùng. Ảnh: Internet.

Cứ đến mỗi kỳ chuyển nhượng là trên các mặt báo lại ngập tràn những cụm từ như “các cuộc đàm phán sơ bộ”, “buổi thương thảo cao hơn”, “điều khoản cá nhân”,… Những cụm từ phức tạp mang đầy tính chuyên môn dễ làm cho người đọc hình dung đến hình ảnh một nhóm người quây quần quanh chiếc bàn tròn và bắt đầu một cuộc trả giá cân não. Nhưng những gì xảy ra trong thực tế lại một lần nữa khác xa những gì chúng ta nghĩ tới.

Những cuộc đàm phán về việc chuyển nhượng cầu thủ giữa các CLB thường diễn ra khá ngắn gọn và đơn giản, bắt đầu bằng việc người đại diện cầu thủ đưa ra những yêu cầu của thân chủ và sau đó, 2 CLB đưa ra những điểm thỏa thuận trong hợp đồng.

Các vấn đề thường phát sinh trong quá trình đàm phán bao gồm tiền lương, tiền thưởng của cầu thủ, các mức phụ phí cho CLB chủ quản.

Thông thường, các cầu thủ ít khi tham gia vào những buổi đàm phán chính thức, thay vào đó, họ giao tất cả quyền hạn vào tay người đại diện của mình. Tuy nhiên, trước các buổi đàm phán chính thức, thường sẽ có một cuộc gặp gỡ nhỏ giữa cầu thủ và HLV trưởng của đội bóng họ dự định chuyển đến nhằm làm rõ những khúc mắc về khả năng ra sân, mức độ phù hợp với chiến thuật của CLB mới. Nếu như cả hai bên không tìm được một tiếng nói chung, nhiều khả năng cuộc đàm phán sẽ đi đến bế tắc.

Bước 5: Sự cân nhắc của cầu thủ (Players’ dilemma)

Cầu thủ có quyền lựa chọn nơi thích hợp với bản thân. Ảnh: Internet.

Nếu như trong những thời kỳ trước, số phận của các cầu thủ phụ thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của CLB chủ quản thì ngày nay, họ lại chính là người nắm giữ chìa khóa của mỗi thương vụ chuyển nhượng.

Công bằng mà nói, khi đặt bút ký một bản hợp đồng với CLB mới, cầu thủ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn như rào cản ngôn ngữ (nếu cầu thủ ra nước ngoài thi đấu), hòa nhập cùng đồng đội mới, hệ thống chiến thuật mới và đôi khi là vị trí thi đấu mới,… Và trong số những yếu tố khiến cho các cầu thủ phải cân nhắc đó chính là tiền lương. Ai cũng biết sự nghiệp cầu thủ thường chỉ kéo dài khoảng 20 năm đổ lại nên họ cần có một sự ổn định và bảo đảm về tài chính. Mỗi quyết định sai lầm sẽ khiến các cầu thủ phải trả giá bằng cả sự nghiệp của mình.

(Bạn đọc: Nguyễn Chánh Tín)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục