Đứng đâu giữa “ao làng“ Đông Nam Á?

14:18 Thứ hai 06/08/2012

Vẫn còn điền kinh, vật và taekwondo chưa bước vào thi đấu, nhưng thể thao Việt Nam (TTVN) hầu như không còn “cửa” giành huy chương tại Thế vận hội lần này.

Quốc Toàn thất bại khiến đoàn TTVN không thể đua tranh với ngay cả các nước trong khu vực. Ảnh. K.T

Đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi chiến lược đầu tư, nếu không muốn tiếp tục nhìn TTVN tụt hậu, thất bại không chỉ so với đẳng cấp thế giới mà cả với chính “ao làng” Đông Nam Á.

Bạn bè khu vực đã làm được những gì?

18 VĐV dự Olympic 2012 là số lượng kỷ lục mà đoàn TTVN từng đạt được. Nhưng nếu so sánh với Thái Lan, nước đến London cùng 37 VĐV, Malaysia (30 VĐV), Indonesia (22 VĐV) và Singapore (23), thì chúng ta cũng chỉ đứng hạng 5 trên bình diện khu vực ngay từ… vạch xuất phát. Điều ấy là một nghịch lý, song lại không hề gây ngạc nhiên qua thực tế nhiều kỳ ASIAD, Olympic những năm qua. TTVN cùng Thái Lan đang thống trị tại SEA Games. Có điều, không giống như nước bạn Thái, chúng ta thường thua kém cả Malaysia, Singapore, Indonesia hay thậm chí cả Philippines khi bước ra những sân chơi lớn.

Olympic 2012 tiếp tục chứng kiến bi kịch cũ lặp lại. Đến lúc này, Thái Lan chưa tái lập được thành tích ấn tượng của họ tại Bắc Kinh (2 HCV, 2 HCB), nhưng ít nhất thì họ cũng đã giành 1 tấm HCB môn cử tạ của Pimsiri Sirikaew (hạng 58kg nữ). Phía trước, Thái Lan vẫn còn nhiều môn thế mạnh như quyền Anh, taekwondo và thuyền buồm để hy vọng nâng cao thành tích của mình. Indonesia còn gây ấn tượng mạnh hơn khi giành liên tiếp 1 HCB, 1 HCĐ đều do công của các VĐV cử tạ. Malaysia, sau khi Lee Chong Wei lọt vào chung kết môn cầu lông coi như cầm chắc một tấm huy chương. Singapore không còn nhiều hy vọng cạnh tranh nữa ở phần cuối Olympic. Song ít nhất, họ có thể tự hào ra về với 1 tấm HCĐ giành được từ môn bóng bàn.

Đông Nam Á vốn đã bị coi là vùng trũng so với trình độ chung của thể thao quốc tế. Nhưng nếu nhìn vào những gì các nước bạn trong khu vực thể hiện, thì rõ ràng họ đã gặt hái thành công và có quyền tự hào. Giành được dù chỉ 1 tấm huy chương tại đấu trường khắc nghiệt với 11.000 VĐV tham dự không bao giờ là điều dễ dàng. Nó cho thấy sự hiệu quả từ chiến lược đầu tư trọng điểm, có mục tiêu rõ ràng và chiến thuật hợp lý cho từng VĐV tài năng, từng nội dung và từng môn thi đấu cụ thể. Đó là điều mà TTVN chưa làm được và việc chúng ta phải chạnh lòng nhìn bạn bè khu vực ăn mừng.

Thể thao Việt Nam còn gì, mất gì?

Trong một bài báo cách đây ít ngày, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn đã từng chia sẻ với GĐ&XH những nhận định của anh về thất bại đau đớn của lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn. Qua lời tâm huyết của người từng giành tấm HCB Olympic cách đây tròn 4 năm, người ta thấy tiếc nuối cho lực sỹ Đà Nẵng. Nhưng cũng ở đó, chúng ta nhìn nhận được sự sai lầm và yếu kém của nền thể thao nước nhà. Trần Lê Quốc Toàn, với thực lực của anh, chỉ có khả năng cạnh tranh tấm HCĐ Olympic. Song sự tính toán chiến thuật sai lầm của Ban huấn luyện, vô tình đã khiến anh thất bại. Toàn ra về trắng tay và cả đoàn TTVN cũng đứng trước nguy cơ cực lớn sẽ trắng tay. Bởi nói một cách thẳng thắn, thì Quốc Toàn là người duy nhất của đoàn TTVN tiệm cận trình độ cạnh tranh huy chương Olympic, trong khi những người còn lại, ở những môn thi đấu còn lại, rất khó để hy vọng vào một sự lột xác thần kỳ.

Thể thao đỉnh cao, muốn chiến thắng, cũng cần yếu tố may mắn. Nhưng tại những đấu trường khốc liệt như Olympic thì may mắn thường chỉ được tạo ra khi VĐV sở hữu trình độ vượt trội. Trong những ngày cuối cùng, đoàn TTVN còn Nguyễn Thị Lụa (vật), Huỳnh Châu, Diệu Linh (taekwondo) và Thanh Phúc, Việt Anh (điền kinh). Có điều, họ không mang lại nhiều hy vọng sáng sủa. Thanh Phúc, Việt Anh đến Olympic nhờ vượt chuẩn B và thực lực của họ còn kém nhóm VĐV hàng đầu thế giới quá xa. Huỳnh Châu, Diệu Linh nếu vào đến bán kết hạng cân của họ đã là quá thành công, chưa dám nói đến tranh chấp thứ hạng. Cả hai võ sỹ Việt Nam đều chỉ được đánh giá trình độ nằm trong nhóm hạng trung, nghĩa là không quá kém nhưng cũng chẳng có nhiều hy vọng cạnh tranh. Trong khi đó, Nguyễn Thị Lụa vẫn chỉ là “ẩn số” bởi cô quá non kinh nghiệm do mới lần đầu dự Olympic.

Sự thực, sau kỳ ASIAD 2010 thất bại, ngành thể thao VN đã có những thay đổi lớn trong nhận thức, hướng đầu tư vào các môn cơ bản. Với tư duy đó, từ tháng 1/2011, hơn 60 VĐV có khả năng cạnh tranh suất đến Olympic đã được lên danh sách và đầu tư bài bản hơn. 18 VĐV giành quyền đến London, một con số kỉ lục, có thể xem là kết quả từ những thay đổi đó. Nhưng để thực sự cạnh tranh huy chương và tránh được những thất bại bẽ bàng như tại Olympic lần này, thì chiến lược đầu tư cần những thay đổi quyết liệt, tập trung hơn nữa. Bằng không, Việt Nam chỉ mãi ca bài ca nhất nhì SEA Games, rồi ngậm ngùi thua kém cả Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore ở các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic.
Bảo Duy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục