Nhưng thực sự, chúng ta có cần quá coi trọng Ballon d’Or hay không?
Danh hiệu Quả bóng Vàng được bầu lên bởi những huấn luyện viên, đội trưởng và phóng viên thể thao từ các quốc gia khác nhau thuộc FIFA. Đó là một cuộc bầu chọn của những cá nhân khác nhau, với những quan điểm khác nhau về “thế nào là cầu thủ hay”. Họ có những đánh giá khác nhau, khác cả với những fan hâm mộ bình thường như chúng ta nữa. Như vậy, rõ ràng cuộc bầu chọn này phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm cá nhân. Và vậy thì làm sao có “đúng” hay có “sai” được? Có thể xảy ra trường hợp gian lận với một số phiếu bầu, nhưng điều này vẫn không làm thay đổi bản chất của cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng là dựa hoàn toàn trên ý kiến cá nhân của những người được tham gia bầu chọn. Thế thì tại sao phải cãi nhau, mạt sát nhau, khi mỗi người có một quan điểm riêng?
![]() |
Chúng ta có cần quá coi trọng Ballon d’Or hay không? Ảnh: Internet |
Ballon d’Or là danh hiệu tặng cho các cá nhân. Phải, cho những cá nhân tham gia vào một trò chơi mang đậm tính tập thể. Đúng là những cá nhân luôn luôn nổi bật, và cá nhân có thể trợ giúp rất lớn cho cả đội. Tuy nhiên, chúng ta nên luôn nhớ rằng, bóng đá là một môn thể thao của tập thể. Chiến thắng được làm nên từ đấu pháp đúng đắn và từ việc thực hiện đấu pháp đó hiệu quả - đó là công sức của cả tập thể 11 người, chứ không phải là nỗ lực riêng lẻ của 11 người đem cộng lại. Cá nhân, dù xuất sắc tới đâu, cũng phải là một mảnh ghép hài hòa trong cả tập thể, chứ không thể đứng trên tập thể - điều đó sẽ không thể đem lại thành công lâu dài. Nhất là khi chúng ta đang nói về môn bóng đá, một bộ môn đòi hỏi tinh thần đồng đội và sức mạnh tập thể rất cao, do số lượng người chơi khá đông, sân đấu đơn giản và không có chướng ngại gì cả: một đội bóng sẽ phải làm việc cùng nhau một cách thống nhất để tổ chức tấn công, cùng nhau phối hợp để khai thác khoảng trống của đối phương nhằm ghi bàn cũng như bọc lót cho nhau, cùng thiết lập đội hình để hạn chế tối đa khoảng trống của mình, bảo vệ khung thành đội nhà.
Những giải thưởng cá nhân như Quả bóng Vàng lại kéo sự chú ý của chúng ta vào một và chỉ một cá nhân mà thôi. Anh ta được tự động kéo lên tầm cao hơn đội bóng, được coi là "kẻ gánh cả đội", và thắng hay bại của bất kì đội bóng nào anh ta chơi cho đều phụ thuộc vào anh ta cả. Như vậy là không đúng. Messi là một ví dụ: người ta cho rằng "Barca chẳng là gì khi không có Messi", "Messi chẳng là gì khi không có Barca, có giỏi thì..." Suy nghĩ như vậy là hết sức không chính xác, vì lối chơi tiki-taka của Barca là một lối chơi đặt tính tập thể lên hàng đầu: khi có bóng, các cầu thủ phải di chuyển liên tục, có quy luật để tạo các tam giác, các góc chuyền thuận lợi không chỉ nhằm giữ bóng mà còn kéo đối phương khỏi vị trí, tạo điều kiện cho đồng đội khai thác; và khi không có bóng thì phải di chuyển để giữ cự li, áp sát đối phương... Messi trở thành một cầu thủ xuất sắc không chỉ bởi vì kĩ năng cá nhân của anh là xuất sắc mà còn vì anh hòa nhập cùng với thể thống nhất ấy một cách hoàn hảo. Chứ đâu đơn giản là "Messi ghi nhiều bàn vì có Xavi và Iniesta chuyền cho" hay là "Messi ở tuyển Argentina phải chịu trách nhiệm vì không vực dậy được đội bóng".
Nhìn sang hai ứng cử viên còn lại: Ribery chơi cho Bayern Munich - một đội bóng có lối đá hiện đại, tổng lực, kiểm soát khá tương đồng với Barca; "gã mặt sẹo", cùng với những đồng đội khác xung quanh như Mandzukic, Robben, Schweinsteiger...làm nên thành công đáng kinh ngạc cho Hùm xám xứ Bavaria. Anh là một phần của một hệ thống. Và Ronaldo cũng vậy - cho dù người ta có nói anh cá nhân, kiêu ngạo...như thế nào, thì Ronaldo, dưới thời Mourinho chẳng hạn, vẫn là một phần vô cùng hiệu quả của bộ máy phòng ngự-phản công. Không thể tách một cá nhân khỏi một đội bóng được.
Và cuối cùng: một cầu thủ được đánh giá cho Quả bóng Vàng dựa trên cơ sở nào? Dựa trên thành tích của đội bóng? Có thể cầu thủ đó là người nổi bật trong đội, nhưng chẳng nhẽ thành công của cả đội chỉ do một mình anh ta gồng gánh? Ví dụ như Bayern Munich, liệu Robben, Mandzukic, Kroos, Schweinsteiger... có xứng đáng được nhắc tới tên? Và khi đội bóng chơi kém, chẳng nhẽ anh ta phải chịu trách nhiệm hết? Bởi vì đội tuyển Pháp không có một chiến lược thống nhất, không triển khai được bóng do tự cắt rời hàng tiền vệ với tiền đạo mà một mình Ribery phải chịu trách nhiệm cho thất bại của Pháp trước Ucraina? Còn nếu dựa trên thành tích cá nhân như số bàn thắng, kiến tạo...thì bản thân những con số đó không phản ánh được hết những đóng góp hay là lối chơi của cầu thủ đó trên sân. Số kiến tạo nhiều không có nghĩa cầu thủ đó là đầu tàu sáng tạo của cả đội, ghi nhiều bàn không có nghĩa là anh ta không thể là điểm yếu. Một lần nữa, ta lại quá đề cao cá nhân mà bỏ quên tập thể, bỏ quên những vai trò "thầm lặng" khác như trung vệ, thủ môn hay "regista".
Rõ ràng là không có một tiêu chuẩn chung nào cho bầu chọn Quả bóng Vàng. Đó là nơi tập hợp của những ý kiến cá nhân, bầu chọn ra hoàn toàn theo những tiêu chuẩn của cá nhân. Và dù gì thì nó cũng chỉ có giá trị tham khảo. Vậy thì tại sao chúng ta không ngồi xuống xem Lễ trao giải, thay vì cứ phải cãi nhau, đòi "công lí" và nghi ngờ rằng cả thế giới đang chống lại một ai đó?
(Bạn đọc: Bùi Nhật)
|
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam