Vũ Bích Hường: Chồng mất, con bệnh, tai hoạ vẫn ập xuống

09:06 Thứ sáu 15/05/2015

Nói tới điền kinh Việt Nam, không thể không nhắc tới Vũ Bích Hường - VĐV đầu tiên giành HCV ở môn nữ hoàng tại đấu trường SEA Games danh giá. Một sự nghiệp oai hùng hiển hách, nhưng khi giải nghệ, Vũ Bích Hường lại chịu đựng quá nhiều nỗi bất hạnh...

Một thời để nhớ

Bước ngoặt trong sự nghiệp điền kinh của Hường là năm 1987 (18 tuổi), khi thiết lập KLQG ở nội dung 100m rào. Thế nhưng thành công bước đầu nhanh chóng bị lãng quên bởi thời gian đó, thành tích thể thao không mang lại “bữa cơm, manh áo” cho những VĐV như Hường. Hai năm sau chị lên xe hoa, bỏ lại sau lưng niềm đam mê của những bước chạy thần tốc.

Nhưng sau 2 năm ổn định cuộc sống gia đình, Bích Hường đã quay trở lại đường piste với khát khao cháy bỏng được chạy và được cống hiến. Nhưng mọi chuyện không mấy dễ dàng, lần hạ sinh cậu con trai đầu lòng cũng khiến sức khoẻ của chị giảm sút khá nhiều.

Vũ Bích Hường hạnh phúc khi giành tấm HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam. Ảnh: Internet.

Với nghị lực phi thường, Hường nhanh chóng tìm lại hình ảnh của mình. Chị đoạt ngay HCV 100m rào giải vô địch quốc gia 1992. Năm 1993, lần đầu tiên dự SEA Games tại Singapore, chị xuất sắc giành được một HCĐ.

Kỳ SEA Games 1995 mới là năm mà Bích Hường thật sự “bùng nổ”. Không một ai nghĩ chị có thể làm nên chuyện trước đối thủ Philippines Elma Muros, người được coi là “độc cô cầu bại” của ĐNA thời điểm đó. Cú nước rút ngoạn mục đã mang lại tấm HCV để đời cho Hường cũng như điền kinh Việt Nam kể từ khi tham gia sân chơi SEA Games.

Hình ảnh Vũ Bích Hường vừa khóc vì hạnh phúc vừa quỵ xuống vì kiệt sức được chọn làm biểu tượng cho các chương trình thể thao Việt Nam nhiều năm sau đó. Còn báo chí khu vực thì ca ngợi chiến tích của Hường là “sự kỳ diệu của bà mẹ một con”. Hai năm sau, cũng là những giọt nước mắt ấy nhưng là khóc vì thua tức tưởi trước VĐV người Mỹ Trecia Robert mới được Thái Lan nhập tịch trước SEA Games 19 để đối phó với Hường. Những kỳ SEA Games sau đó, Hường tiếp tục thua trước Trecia là điều dễ hiểu, và không có gì phải xấu hổ. Tuy nhiên, chiếc HCB tại SEA Games 22 vẫn đáng được gọi là thành công rực rỡ khi Vũ Bích Hường bước sang tuổi… 35.

Vũ Bích Hường vẫn chạy ở tuổi 40. Ảnh: Internet.

So với lần trở lại đường đua khi sinh hạ cậu con trai đầu lòng, sự trở lại của Bích Hường ở tuổi 40 tại giải VĐQG 2009 sau 3 năm vắng bóng vì sinh con lần thứ hai thực sự khiến nhiều người bị “sốc”.

Đã có lời ác ý bảo rằng chị ham hố, không lượng sức mình, già rồi mà vẫn còn tranh đua với lớp trẻ nhỏ hơn cả con mình. Gạt bỏ ngoài tai, Bích Hường cười: “Tôi trở lại không nhằm ý định tranh suất của thế hệ trẻ mà chỉ muốn được thử sức mình, được thoả mãn niềm đam mê. Có lẽ ở Việt Nam chỉ có mình tôi như thế, không có người thứ hai.”

Tại giải điền kinh tiền AIG 3 sau đó, ai cũng phải “lắc đầu lè lưỡi” bái phục khi Bích Hường cán đích ở vị trí thứ 2 giành HCB. Nếu không đam mê thì có lẽ không ai có thể lý giải nổi tại sao Bích Hường lại “sung” như thế, thậm chí đến bản thân chị cũng không thể hiểu nổi.

Điền kinh, loại hình thể thao mang đầy tính khắc nghiệt và không có chỗ cho những cựu binh khi thời gian đã tước mất của họ độ dẻo dai, sức rướn cùng sức bền tốc độ. Những bước chạy của lão tướng Vũ Bích Hường đã trở thành tấm gương rèn luyện được giới trẻ soi vào.

Đường chạy không như đường đời

Tung hoành trên đường chạy, nhưng Vũ Bích Hường lại quá bất hạnh trên đường đời. 6 năm trước, đứa con trai út của chị đang khoẻ mạnh bình thường, bỗng dưng mắc căn bệnh quái ác mà người ta hay gọi là "tăng xông”. Thương con, 2 vợ chồng chị đã phải bán cả nhà để chữa chạy. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm cơ cực.

Sự bất hạnh như thể bám chị không tha, khi chồng chị phải nhập viện K cấp cứu. Đau khổ đến tột cùng, nhưng chị không bao giờ khóc trước mặt chồng con. "Khóc cũng cạn nước mắt rồi, thôi mỗi nhà mỗi cảnh. Mình mà đổ gục lúc này thì nguy mất,” chị Hường nghẹn ngào.

Người phụ nữ này chịu biết bao nỗi bất hạnh, nhưng chị chưa bao giờ gục ngã. Ảnh: internet.

Chồng chị-anh Hòa cuối cùng đã không thể vượt qua được căn bệnh quái ác. Trước lúc anh nhắm mắt mà vẫn còn trăn trở: "Giờ tôi chỉ có một mong ước cuối cùng là được mua một căn nhà giá rẻ để mẹ con nó ở, còn mình có chỗ để hương khói. Chứ cứ như này, tôi không thấy yên tâm….”

Hết con lâm bệnh nặng, đến chồng qua đời vì bạo bệnh, chị Hường chỉ biết kêu trời sao mang bao nỗi bất hạnh đổ xuống gia đình chị như thế. Trong hoàn cảnh bất hạnh tưởng như không đứng dậy nổi, nếu chị Hường và các con không có nghị lực, chắc hẳn đã đổ gục từ lúc nào. Chị Hường chỉ biết động viên các con cố gắng học tập, tập luyện để một ngày nào đó trả ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của bố.

Ông trời cũng công bằng hơn với chị. Chồng mất vài tháng, bệnh tình thằng con trai út đỡ hẳn. Căn nhà bớt lạnh lẽo, nỗi buồn cũng vơi đi rất nhiều khi đứa con trai cả lấy vợ, còn thằng út biết phụ việc gia đình giúp mẹ. Thằng con trai lớn Nguyễn Ngọc Quang của chị đã dành tấm HCV giải vô địch quốc gia năm 2012 đúng ngày sinh nhật của bố. Tấm HCV VĐQG đầu tiên trong sự nghiệp đáng để ăn mừng, nhưng Quang và mẹ chỉ biết ôm nhau mà khóc.

Tai hoạ chưa buông tha

Hơn 2 năm trước, thấy gia đình chị Hường thuộc diện khó khăn, khi chồng mắc bệnh ung thư và qua đời, đứa con trai út thì bị chứng tự kỷ, cả nhà sống trong căn hộ chưa đầy 20m2 trong một con hẻm của đường Thụy Khê (Hà Nội), Sở VH, TT&DL Hà Nội đã làm hết sức mình để giúp đỡ gia đình chị Hường.

Vũ Bích Hường và con trai - người kế nghiệp ở đường chạy sở trường 110m vượt rào. Ảnh: Internet.

Cuối cùng thì chị Hường được mua một căn nhà thu nhập thấp ở ngoại thành Hà Nội. Đây cũng chính là tâm nguyện cuối cùng của người chồng quá cố.

Vượt qua những nỗi đau, cựu tuyển thủ Vũ Bích Hường ở tuổi 44 vẫn một mình nuôi hai con, cũng như miệt mài với nghiệp huấn luyện để đào tạo nên những tài năng cho điền kinh nước nhà.

Tưởng như nỗi bất hạnh đã ở lại sau lưng, nhưng một lần nữa ông trời lại thử thách người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ. Lần này thì chính chị là người gặp tai hoạ. Cuối năm 2014, trên đường đi làm, chị Hường đã bị tai nạn khiến đốt cột sống bị dập. Từ đó đến nay, một chân của Vũ Bích Hường cứ ngày một teo lại, đi lại rất khó khăn.

Thương cho số phận bất hạnh của chị, một thầy lang hàng ngày đã tới bấm huyệt, giờ cũng đỡ được vài phần. Nhưng lại đến đứa con trai út mỗi khi trái gió trở trời, bệnh cũ tái phát. Ngôi nhà mà chị mua trả góp 20% vẫn chưa trả nợ được đồng nào, giờ thêm tiền thuốc men cho 2 mẹ con, cuộc sống càng khó khăn chồng chất. May là chị Hường vẫn còn những người thân, đồng nghiệp và hàng xóm tốt bụng, thường xuyên tới thăm nom, giúp đỡ, nếu không chị chẳng biết bấu víu vào ai.

Đã hơn nửa đời người rồi mà Vũ Bích Hường vẫn quá long đong, bất hạnh. Từng là VĐV hàng đầu khu vực, một tượng đài của điền kinh Việt Nam, “linh dương đen” Vũ Bích Hường lại có quá nhiều sự trắc trở trên đường đời. Chị đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho điền kinh nước nhà, nhưng ông trời không mỉm cười với chị. Đó thật sự là một điều không công bằng, nhưng biết sao được, vì đó là số phận-Vũ Bích Hường vẫn tự mình an ủi như vậy!

Mong con có huy chương SEA Games

Gặp nhiều bất hạnh, nhưng Vũ Bích Hường đã được an ủi hơn khi chứng kiến sự trưởng thành của con trai đầu lòng Nguyễn Ngọc Quang. Năm nay, Quang tiếp tục được gọi vào ĐTQG, thi đấu ở đúng nội dung sở trường của chị Hường năm xưa, 110m vượt rào. Chị Hường tâm sự: “Giờ cả nhà hy vọng vào mỗi thằng Quang. Mong là nó có huy chương SEA Games, để có thêm tiền thưởng cũng như động lực cho cả gia đình.”

Song Ngư | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục