Sự phát triển của cộng đồng bowling Việt Nam

10:56 Thứ ba 04/11/2014

Từ một loại hình giải trí mới du nhập và còn mới lạ với cộng đồng, đến nay bowling ở Việt Nam đã được công nhận là một bộ môn thể thao xã hội hóa, hình thành cho mình một cộng đồng riêng, rộng khắp và đạt được những thành tích đáng nể trong những giải đấu lớn trong nước và quốc tế.

Một cộng đồng non trẻ nhưng đầy nhiệt huyết

Bowling là trò chơi giải trí mà mỗi người chơi ném một quả bóng nặng cho chạy trên một đường băng dài, phẳng để làm đổ những chai gỗ đứng ở cuối đường với mục đích làm sao chỉ ném ít lần nhất mà làm đổ tất cả chai gỗ.

Bowling cũng được xem là một môn thể thao mang tính vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe và ý chí của con người, đồng thời không bị ảnh hưởng điều kiện ngoài trời như thời gian, khí hậu và cũng không bị hạn chế bởi tuổi tác, dễ học và dễ tập, bởi vậy môn bowling đã trở thành môn thể thao đặc thù mà mọi người yêu thích.

Khi đã tham gia bộ môn bowling thì “tất cả người chơi đều là bạn”, không phân biệt lứa tuổi, học vấn, trình độ, sắc tộc, ngôn ngữ.. Tất cả đều vì một niềm đam mê chung. Ở trong cộng đồng Bowling bạn có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Mỗi năm Bowling đều có những giải đấu lớn tầm để người chơi được giao lưu, cọ xát thử sức mình, đây cũng chính là sự kết nối cộng đồng của những người đam mê bowling cả nước và trên thế giới.

Ở nước ta, bộ môn bowling đang ngày càng phát triển, vượt qua khỏi một loại hình giải trí thông thường và đang dần trở thành một môn thể thao đúng nghĩa. Với cộng đồng khá đông đảo, đã tạo được tiếng vang với những thành tích tốt ở những giải đấu lớn trong nước và quốc tế. Những VĐV Bowling được “sinh ra và lớn lên” trong những CLB Bowling cộng đồng như Đào Danh Hùng (người đoạt 3 HCV giải trẻ ở các giải Thái Lan, Malaysia, Indonesia mở rộng 2005), Phan Tấn Cường (người đứng thứ 5 giải vô địch Bowling mở rộng 2002), VĐV Nguyễn Thành Phố (đạt HCV đánh đôi trẻ ở giải vô địch Thái Lan mở rộng 2005), ngoài ra Thành Phố còn có thành tích vô địch bảng A giải Bowling Philippines vào tháng 4 năm 2014 và sau đó lọt vào vòng 2 Giải Bowling Thế Giới diễn ra tại Singapore vào tháng 6 năm 2014 trước sự ngỡ ngàng của các nước có nền bowling phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Đội tuyển bowling Việt Nam tham dự Asiad 17

Anh Thành Phố nhận định: “Theo tôi thì hiện tại TP. HCM vẫn là nơi có cộng đồng người chơi bowling lớn nhất vì đơn giản so với mặt bằng cả nước có khoảng 16 trung tâm bowling lớn nhỏ thì TP. HCM đã chiếm hết tám trung tâm. Nhưng nếu nói về phương diện thành tích thì Hà Nội luôn có những lứa VĐV xuất sắc với nhiều năm liền đứng đầu các giải trẻ cả nước, tiếp theo là đến Bình Dương và Hải Phòng. Nhưng những năm trở lại đây cộng đồng bowling Hà Nội lại gặp một số khó khăn nhất định nên đang mất dần vị thế của mình. Số lượng VĐV ở thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50%, kế đó là Hà Nội 15%, Hải Phỏng 5%, còn lại là các tỉnh khác. Tổng số người chơi bowling hiện tại theo tôi ước tính khoảng 200.000 người”.

Sự phát triển bộ môn Bowling còn nhiều hạn chế

“Nguyên nhân đầu tiên làm cho cộng đồng bowling chưa thực sự phát triển là về kinh phí, để có một trung tâm bowling đúng quy chuẩn phải đầu tư số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, chưa kể đến các chi phí phát sinh nên các trung tâm bowling chỉ được xây ở các thành phố, đô thị lớn nhằm thu hút được cộng đồng dân cư tập trung và tránh rủi ro.

Thứ hai tâm lý là các bậc cha mẹ, phụ huynh đều coi bowling là một môn giải trí đơn thuần chứ không phải là một môn thể thao đúng nghĩa, thậm chí có thể đại diện quốc gia đi thi đấu nên việc định hướng con cái đến với bowling hầu như không có, thậm chí là ngăn cấm…

Nguyên nhân thứ ba là ở nước ta Bowling lại bị xếp vào bộ môn xã hội hoá , để cho tự phát triển với sự giúp sức từ xã hội nên việc hỗ trợ về vật chất, phương tiện, con người rất hạn chế. Chưa nói đến các hạn chế trong các hoạt động nhằm thu hút cộng đồng như thiếu những giải đấu lớn trong nước, được tổ chức bài bản . Riêng việc tập luyện và đưa các VĐV là đại diện quốc gia ra thi đấu ở những đấu trường quốc tế lớn cũng không có được chính sách như các bộ môn khác. Dù bản thân bộ môn bowling không đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ về kinh phí đào tạo, vì đã có nguồn cơ sở vật chất, con người và số lượng VĐV nền tảng. Có thể nhìn thấy điều đó qua bảng thống kê các giải đấu lớn với chỉ 12 bộ huy chương mỗi nước cho 6 VĐV nam và 6 VĐV nữ.” VĐV Nguyễn Thành Phố chia sẻ, anh là một trong những người đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của Bowling Việt Nam, bản thân anh đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể đến với bộ môn bowling và đạt được những thành công như hiện nay.

Ở những sân chơi thể thao lớn như ASIAD, SEAGAMES… những VĐV Bowling như Nguyễn Thành Phố, Lê Anh Tuấn… khi muốn tham gia thi đấu nhằm học hỏi kinh nghiệm, đóng góp thành tích cho thể thao nước nhà thì phải tự bỏ tiền túi của mình đi thi đấu hoặc tự liên hệ tìm nhà tài trợ cho đủ kinh phí thì mới được nhà nước đồng ý làm thủ tục cho đi. Trong kỳ ASIAD 17 tổ chức tại Myanmar vừa rồi, Nguyễn Thành Phố, Lê Anh Tuấn và các vận động viện trong đoàn Bowling đã phải tự bỏ hoàn toàn 100% kinh phí để được tham dự thi đấu cùng đoàn thể thao Việt Nam, kinh phí dự tính mỗi VĐV phải bỏ ra cho việc đi lại, ăn uống và thuê chỗ nghỉ trong kỳ Asiad lên tới hơn 3000 USD.

VĐV Nguyễn Thành Phố và Lê Anh Tuấn ở Asiad 17

Nhìn các nước trong khu vực: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật…., họ rất quan tâm đến sự phát triển của bowling, coi đó là một môn thể thao đúng nghĩa, một môn thế mạnh và tạo điều kiện rất lớn về cơ sở vật chất, sinh hoạt để các VĐV có thể tập luyện tốt nhất. Còn tại Việt Nam, các VĐV tập bowling để tham dự Asiad như những hoạt động phong trào, thiếu sự đầu tư đúng mức, VĐV phải tự bỏ tất cả kinh phí nên dù VĐV có cố gắng rất lớn nhưng hố sâu khoảng cách giữa Bowling Việt Nam và quốc tế trong sân chơi tầm cỡ châu lục như ASIAD là điều không thể tránh khỏi.

Đỗ Bảo | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục