Pole to Pole Việt Nam: Cảm xúc ngày về

09:48 Thứ năm 17/01/2013

Đêm 14 sáng 15/1, giấc ngủ của rất nhiều người dân TP. Cà Mau dường như không trọn vẹn bởi mới 4 giờ sáng, gần 40 thành viên đoàn marathon Nối liền một dải Việt Nam và hơn 15 CĐV chạy đồng hành đã rầm rộ khởi hành đi Năm Căn. Dẫu không muốn đánh thức bất kỳ ai khỏi giấc ngủ nhưng tâm trạng nôn nao về đích quá đỗi của toàn bộ thành viên trong đoàn khiến cho mỗi khúc đường họ chạy qua dậy lên những tiếng reo hò.

Pat Famer giao lưu với người dân Năm Căn. Ảnh: Thiện Trình

Như không muốn kéo dài lâu thêm thời gian về đích, đoàn marathon và Pat Farmer đã nhịn bữa ăn sáng và chạy một mạch về vùng đất mũi, nơi có hàng trăm người háo hức chờ đợi từ ngày hôm trước… Dự định chạy một mình thật nhanh để về đích sớm nhưng ngay từ lúc xuất phát, Pat Farmer được nhiều CĐV chạy đồng hành ngang tài ngang sức đến nỗi ông có cảm giác như đang trong một cuộc đua thực sự.

Dọc theo những khu rừng đước và các dãy nhà bằng ván lênh đênh trên sông, chúng tôi thu vào tầm nhìn một cuộc sống mộc mạc, dung dị và rất linh hoạt như chính những dòng nước hiền hòa của người miền Tây. Sự quảng giao và mến khách của người dân 2 bên đường khiến chúng tôi hình dung một lối sống hiền hòa và mềm mượt như một dải lụa.

Đúng 10 giờ kém 15 phút, đoàn marathon cán đích tại bờ sông Cửa Lớn của huyện Năm Căn, mảnh đất cuối cùng của đất nước Việt Nam có thể di chuyển bằng đường bộ. Hơn 500 người dân địa phương ở hầu hết mọi độ tuổi ôm trọn chúng tôi trong không khí phấn khích đến lạ thường. Giữa cái nắng gió đặc trưng của ngày giáp Tết, tất cả thành viên của đoàn đều xúc động đến nghẹn lời. Mọi người ôm chặt nhau như thể sẽ không bao giờ gặp lại nhau trong suốt cuộc đời còn lại.

Vậy là Năm Căn, địa danh rất đỗi xa vời trong tâm trí chúng tôi trong những ngày đầu của hành trình, đã hiện lên ngay trước mắt với bến phà, với tiếng tàu bè, ghe máy văng vẳng lúc xa lúc gần, với những con người kiên nhẫn chờ đợi và chào đón chúng tôi hết sức nồng nhiệt. Quả thật, giữa cái nắng nóng mang đầy hơi nước, hình ảnh những tà áo trắng tinh khôi của các em học sinh bay trong gió giữa nền sông nước mênh mang khiến từng thành viên chúng tôi xúc động đến xao lòng.

Tại lễ kết thúc chương trình, dù đang ướt đẫm mồ hôi và đói bụng đến sắp xỉu nhưng Pat Farmer vẫn háo hức bày tỏ tình cảm với người dân Việt Nam. Ông bảo: “Nếu không có tấm lòng nhiệt huyết của những nhà tổ chức, không có sự khích lệ đáng ngưỡng mộ của các CĐV, không có sự chăm sóc hết sức chu đáo của các nhân viên hậu cần, có lẽ tôi không đủ sức để hoàn tất cuộc chạy này”.

Vốn là người rất hoạt ngôn nhưng đạo diễn Lê Quý Dương cũng nghẹn ngào đến mức phải mất vài phút sau khi cán đích anh mới nói thành lời. “Thật sự tôi rất tự hào khi được chạy đến điểm cuối cùng của đất nước. Tôi rất hãnh diện về đất nước và con người Việt Nam. Quả như ông cha nói, một giang sơn gấm vóc với những tấm lòng không thể tử tế hơn được”, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.

Giám đốc chương trình Nguyễn Hoàng Tranh thì hào hứng cho biết: “Thật tuyệt vời! Một cảm giác vô tiền khoáng hậu”. Ôm chầm những thành viên trong đoàn, người quản lý dự án Tiffany Nguyễn cũng không giấu được nỗi xúc động. Cô bảo: “Tôi không thể tìm được từ ngữ nào thích hợp để diễn tả được cảm xúc của tôi lúc này. Tôi đang vỡ òa trong niềm hạnh phúc, vui mừng xen lẫn luyến tiếc”.

Đứng trước sông Cửa Lớn, nhìn dòng nước mênh mông, từng hình ảnh của 30 vùng miền khác nhau lần lượt hiện ra trong tâm trí chúng tôi như một thước phim quay chậm. Nào là những vạt than ở Quảng Ninh, những bãi biển trong xanh ở Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, những cánh rừng cao su ở Đồng Nai, những con đường nhộn nhịp ở TP.HCM… tất cả hãy còn nguyên vẹn như mới hôm qua. Di chuyển liên tục nhưng đủ chậm để cảm nhận hết cái tình nồng ấm của người dân đất Việt và vẻ đẹp tự nhiên ở mỗi địa phương, chúng tôi thấy mình lớn lên qua từng ngày và biết mở lòng hơn với cuộc sống xung quanh như đúng với tinh thần của hành trình Nối liền một dải Việt Nam.

Để thắt chặt mối thâm tình với người dân địa phương, đoàn marathon đã tổ chức một buổi giao lưu với đội văn nghệ của thị trấn Năm Căn. Nhân dịp này, anh Hoàng Kim Thành, đại diện Bộ Công an đã trao 53 phần quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Về phần mình, BTC tặng toàn bộ hệ thống sân khấu và bàn ghế cho địa phương.

Kết thúc hành trình, hôm qua (16/1) và hôm nay (17/1), Pat sẽ lái xe máy nước (xe Jestki) từ bến sông Năm Căn vượt hàng trăm km đường sông về TP.Cần Thơ và kết thúc ở bến Nhà Rồng (TP.HCM) để chuẩn bị cho cuộc họp báo vào sáng mai (18/1) tại đây.

Pat Farmer vừa marathon vừa... ăn

Có dõi theo Pat trong hành trình marathon, từ Bắc Cực tới Nam Cực, rồi từ km0, thị trấn Sa Vỹ (Móng Cái) tới Năm Căn (Cà Mau) sẽ có cảm nhận rằng dường như con người này sinh ra là để chạy, mặc dù thể lực của ông cũng chỉ ở dạng trung bình.

Thân hình rắn rỏi, hơi khắc khổ, lưng hơi còng còng, nhưng đó là một khối sắt về ý chí. Thường xuất phát từ lúc 7h sáng hàng ngày (nhưng hôm cuối cùng ,15/1 thì ông chạy từ lúc… 4h giờ sáng), rồi cứ thế chạy, chạy liền tù tì, hầu như không ngừng nghỉ (hôm trước kết thúc cuộc hành trình ở vị trí nào, thì ông đánh dấu vị trí đó, hôm sau lại ra đó chạy tiếp về phía Nam, quyết không bỏ sót một bước chân nào).

Ngay cách "tiếp tế" thức ăn trên đường marathon của Pat thôi đã là một chuyện ly kỳ. Cứ khoảng mỗi 5km, một thành viên trong đoàn sẽ đuổi theo Pat để cung cấp nước uống (ông rất thích nước chanh), mỗi 10km cần tiếp thức ăn nhẹ, mỗi 20 km thì tiếp thức ăn mặn, đến 40km thì ăn cơm trưa. Ông hầu như cứ vừa chạy…vừa ăn. Hôm nào mệt lắm, lại cần chỗ nghỉ đi vệ sinh, ông mới chịu dừng lại ở một cây xăng hay một bóng râm ven đường để ăn trưa và tranh thủ "giải quyết nỗi buồn". Bữa cơm chính của ông cũng không có gì đặc biệt, có gì ăn nấy.

Người ngoài nhìn vào cứ tưởng ông… hành xác vì thành tích. Nhưng không phải. Đơn giản là Pat có thể sống bình thường trong "trạng thái" marathon: ông không chỉ ăn uống trên đường chạy, mà còn quan sát, ngẫm ngợi về cuộc sống của người dân xung quanh và… trêu đùa với các thành viên trong đoàn. "Có lần thấy tiếng lạch bạch đằng sau của bạn tiếp tế thức ăn, tôi bèn cố ý tăng tốc, cốt cho bạn ấy phải bở hơi tai chạy theo", Pat hóm hỉnh kể.

40 ngày marathon liên tục là một khoảng thời gian không hề ngắn, thậm chí nó đã ăn sâu vào thành… thói quen (như Pat kể, cứ khoảng 6h sáng, còn đang mơ màng ngủ là ông lại nghe thấy điệp khúc đầy kiên nhẫn của nhân viên hậu cần ghé sát bên tai: "Pat, dậy đi, Pat").

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục