Hồ Xuân Hương trong bài thơ “Kiếp lấy chồng chung” đã chua chát rằng: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.” Bóng đá nam và bóng đá nữ, có chung một đơn vị quản lý là VFF, phục vụ chung một đối tượng là người hâm mộ Việt Nam, khát khao chung một mục đích là đem về vinh quang cho lá cờ đỏ sao vàng. Chẳng phải tựa như kiếp lấy chồng chung còn gì.
Chuyện nghịch lý về chế độ đãi ngộ và sự quan tâm không mới chút nào. Nguyên nhân không hoàn toàn từ VFF, bởi một phần cũng từ chính người hâm mộ chúng ta.
Mức thưởng cho đội vô địch bóng đá nữ quốc gia năm nay là 300 triệu đồng, bằng đúng 1/10 mức thưởng giành cho đội vô địch V-League. Rõ ràng nó quá chênh lệch, nhưng đó là cả một sự cố gắng của ban tổ chức và VFF để làm động lực cho các cầu thủ nữ tham dự giải đấu. Trong bóng đá hiện đại là sự đan xen rất nhiều vào yếu tố kinh doanh, hình ảnh, tài trợ... nếu một đội bóng không có nhiều fan hâm mộ, tự khắc sẽ tiêu tan. Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia chưa bao giờ có được một sức hút đặc biệt, nên việc làm quảng cáo, thu hút khán giả đến sân và huy động tài trợ vô cùng khó khăn.
![]() |
Giải VĐQG nữ không nhận được sự quan tâm đúng mức từ NHM. Ảnh. Internet. |
Nói như vậy để thấy rằng, trong một giải đấu không thu hút được nhiều người hâm mộ, không được đánh giá cao, không ưu tiên marketting, truyền hình... việc giải thưởng thấp là lẽ đương nhiên.
Mùa giải năm nay có thêm 1 đội tham dự là Sơn La, nâng tổng số câu lạc bộ tham dự lên con số... 8. Bóng đá nữ tại Việt Nam chỉ có duy nhất giải vô địch quốc gia này, vừa là cao nhất vừa là duy nhất. Trong khi bóng đá nam có vài giải và hàng chục đội. Với một nền bóng đá mạnh, cái gốc để phát triển phải là giải vô địch quốc gia. Bóng đá nữ Việt Nam đã rất nỗ lực để ghi tên mình lên bản đồ bóng đá thế giới từ một giải vô địch quốc gia... cỏn con như vậy. Còn người hâm mộ thì muốn trông chờ thành tích của tuyển nữ phải cao, phải xa nhưng lại chẳng mấy quan tâm đến giải đấu này.
Trong các trận khai mạc giải nữ trước đây, khung cảnh đìu hiu trên các khán đài luôn thường trực. Rảnh rỗi, chắc hẳn người hâm mộ có thể đếm đủ số người có mặt trên sân mà không cần mất quá thời gian của một hiệp đấu. Thi đấu mà không có người hâm mộ ủng hộ đã là một sự chạnh lòng ghê gớm. Nhưng nó còn khiến cho các câu lạc bộ nữ không có bất cứ nguồn tài chính nào thu được từ sự ủng hộ của khán giả tới sân. Không tiền vé, không bán áo đấu... Chẳng thu được, biết chi bằng cách nào.
Chúng ta cứ hò hét mãi về nghịch lý giữa bóng đá nam và bóng đá nữ, trong khi chính chúng ta là người góp phần tạo ra nghịch lý đó. Chúng ta cứ mãi trông chờ vào ngọn của thành quả mà bóng đá nữ mang lại. Trong khi hoàn toàn lơ đễnh gốc rễ là giải vô địch quốc gia của những người phụ nữ theo nghiệp quần đùi áo số đầy thiệt thòi này.
Bóng đá sẽ không thể tồn tại nếu không có sự ủng hộ từ người hâm mộ, chúng ta có ủng hộ và cũng hiểu rõ nghịch lý đó, nhưng vẫn luôn ngần ngại thể hiện sự ủng hộ bóng đá nữ nước nhà theo một cách thiết thực hơn. Có thể làm được mà!
![]() |
Bóng đã nữ cần nhiều hơn những CĐV sẵn sàng thể hiện sự ủng hộ của mình. Ảnh: Quang Thịnh. |
Là thân con gái, đã trót theo nghiệp cầu thủ, ắt cũng là cái duyên mà họ có được. Sau ánh hào quang và sự tung hô nhất định của người hâm mộ cùng giới truyền thông. Những người con gái này lại trở về với sự lặng lẽ, cười xòa rồi âm thầm cống hiến hết mình thắp sáng ngọn lửa niềm tin của 90 triệu trái tim đồng bào.
Lại mượn hai câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh trong bài “Tự hát” để nhắc về những cống hiến bình dị của các cầu thủ nữ và mong mỏi sao một sự quan tâm khác đi mà người hâm mộ sẽ dành cho họ.
“Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn.”