Góc chiến thuật trận AC Milan 2-0 Barcelona: Không chỉ vì Milan hay...

11:51 Thứ sáu 22/02/2013

Rossoneri đã đả bại Barcelona trên sân nhà một cách đầy bất ngờ với hai bàn không gỡ. Hãy cùng nhìn lại những thành công và thất bại về chiến thuật của hai đội trong trận này.


Milan bị đặt ở thế “cửa dưới” hoàn toàn, không chỉ bởi họ đã mất đi những ngôi sao sáng nhất sau kỳ chuyển nhượng mùa hè, mà cũng bởi phong độ kém cỏi ở cả Serie A lẫn Champions League mùa giải năm nay. Có lẽ cũng vì thế mà sức ép lại có phần giảm đi cho đội bóng áo sọc đỏ-đen, và trên thực tế, màn trình diễn của họ vào rạng sáng 21/2 vừa qua đã thể hiện được một tinh thần rất thoải mái và chắc chắn chứ không hề cứng nhắc.

Milan đã trình diễn một lối chơi phòng thủ vô cùng khoa học và tận dụng khá tốt các cơ hội có được (thậm chí Rossoneri đã có thể có được nhiều hơn hai bàn nếu may mắn hơn). Nhưng không thể phủ nhận rằng, giống như chính Andres Iniesta trả lời phỏng vấn sau trận, Barcelona đã không thể hiện được hết những điểm mạnh của họ, mà vấn đề nằm ở một vài cá nhân nhất định.

Hãy cùng nhìn lại trận đấu một cách chi tiết hơn.

Mô hình chiến thuật của hai đội trong trận đấu này

Milan: Từ 4-3-3 cho tới 4-4-2 một cách... vô tình

Theo danh sách đăng ký đầu trận, Milan xuất phát với đội hình 4-3-3 với bộ ba tiền đạo gồm Stephan El Shaarawy, Giampaolo Pazzini và Kevin-Prince Boateng.

Tuy nhiên sau khoảng 10 phút đầu nhập cuộc chậm, Barcelona đã dần nắm thế trận. Boateng - một cầu thủ với nền tảng thể lực dồi dào đã liên tục lùi về rất sâu bên cánh phải để hỗ trợ cho hàng tiền vệ, dần dần anh đã thi đấu hẳn trong vai trò một tiền vệ và chỉ trở lại hàng công mỗi khi đội có bóng.

Sự đa năng của Boateng đã thể hiện ở các con số: Anh xếp thứ hai về số lần cắt bóng với 4 lần, sau Massimo Ambrosini (9 lần), nhưng cũng chính anh là người đã tung ra nhiều pha dứt điểm nhất bên phía Milan với 3 cú sút.

Công mạnh mẽ, thủ chuyên cần, không quá khi nói Boateng chính là cầu thủ chơi tốt nhất bên phía Milan trong trận này.

Milan khắc chế Barca và cuộc chiến cánh phải

Nhiều người đã thắc mắc rằng làm thế nào để Milan, với những cá nhân không quá xuất sắc, có thể kiềm tỏa được một Barcelona hùng mạnh? Câu trả lời đương nhiên là phòng ngự, nhưng phòng ngự ra sao cũng là một vấn đề lớn.

Để tránh sự quá tải thể lực cho các cầu thủ - vốn đang phải “cày ải” vì lịch thi đấu dày của tháng Hai – HLV Max Allegri không chọn phương pháp pressing toàn sân như Jose Mourinho thường làm khi đối đầu với Barca, mà ông vận dụng cách mà Inter Milan khuất phục chính đội bóng xứ Catalan tại vòng bán kết Champions League mùa 2009-2010: Phòng thủ khu vực.

Về cách vận hành chung, họ “bỏ” tất cả các đường bóng của Barca trên phần sân đối thủ. Chỉ khi Barca bắt đầu xâm nhập 2/5 sân của mình thì các cầu thủ chủ nhà mới áp sát bóng theo khu vực của mình. Họ đã thực hiện phương pháp này một cách cực kỳ kỷ luật (điều khiến cho Muntari phấn khích). Sự thực là Barca đã không thể xuyên thủng bức tường này. Lionel Messi đã có một ngày “đói” bóng, thể hiện qua việc anh phải dạt ra cánh phải để dễ dàng nhận bóng hơn trong khoảng giữa hiệp hai.

Về cá nhân, Muntari là cầu thủ duy nhất có thiên hướng rời khỏi vị trí để áp sát một cầu thủ bên đối phương - ở trường hợp này là Xavi. Một phần cũng vì Barca tập trung rất nhiều bóng vào cánh phải của Milan - vị trí của Iniesta. Điều này giúp cho Muntari có phần thoải mái hơn, tạo điều kiện để anh lên tham gia tấn công một cách thường xuyên hơn so với Ricardo Montolivo chơi đối diện.

Boateng và Muntari – hai cỗ máy không biết mệt mỏi

Như đã nói, trong một ngày mà bóng không thể tới chân Messi (anh thường bị vây bởi ba cầu thủ khác nhau) thì trọng tâm trong lối chơi của Barca, như thường lệ, được chuyển sang cho Iniesta dẫn dắt. Về lý thuyết, anh chơi ở vị trí tiền đạo lệch trái, nhưng vì Fabregas chọn vị trí không tốt (sẽ phân tích ở phần sau) nên Iniesta thường xuyên di chuyển vào trung lộ, nhưng khi ấy anh lại gặp phải một trung tuyến dày đặc bóng đỏ-đen. Khoảng trống bên cánh trái thường được Jordi Alba tận dụng để dâng cao. Chính Alba – Iniesta là hai cầu thủ trao đổi bóng nhiều nhất bên phía Barca với tổng cộng 41 đường chuyền. Việc Alba dâng cao cũng chính là lý do Boateng lùi về sâu bên cánh phải của Milan, và vô tình, anh trở thành điểm sáng lớn của Rossoneri.

Milan phản công

Khi đã lùi sâu về phòng thủ, cách duy nhất để đội chủ nhà tạo ra cơ hội là sử dụng tốc độ để phản công. Allegri đã đúng khi để Pazzini chơi xa vòng cấm, bởi số 11 bên phía Milan luôn kéo theo một trong hai trung vệ, tạo ra khoảng trống để El Shaarawy và Boateng xâm nhập vòng cấm địa đối thủ.

Cầu thủ người Ghana – Muntari trở thành một nhân tố tấn công hiệu quả không chỉ bởi khả năng sút xa, mà còn bởi Xavi đóng góp quá ít cho thế trận phòng ngự, còn Sergio Busquets không thể kèm nổi cả Boateng lẫn Muntari mỗi khi cả hai dâng lên.

Ngoài Muntari, một mũi tấn công đáng kể khác là Ignazio Abate. Bằng tốc độ tuyệt vời, Abate đã có ít nhất hai tình huống gây sóng gió bên phía cánh trái của Barca, nhất là khi Alba thường xuyên dâng quá cao.

Tuyệt vời các tiền vệ Milan!

Đó là lời duy nhất để nói về Muntari – Ambrosini – Montolivo – Boateng. Bốn cầu thủ này đã phối hợp hiệu quả để vô hiệu quá hầu hết các pha đan bóng của đối thủ cũng như hiệu quả trong hỗ trợ tấn công.

Ambrosini và các đồng đội đã có một trận đấu tuyệt vời

Ngoài Muntari và Boateng như hai con thoi thì nhiệm vụ của hai tiền vệ còn lại có phần phân chia rõ rệt hơn: Lão tướng Ambrosini trong vai trò đánh chặn, còn Montolivo trong vai trò tổ chức lối chơi. Cả hai đã có một màn trình diễn xuất sắc. Nếu như Ambrosini có tới 9 pha cắt bóng, 5 pha tranh chấp thành công thì Montolivo cũng 4 lần cắt bóng thành công, thực hiện thành công 9 đường chuyền dài, trong đó có tới 7 đường bóng mang tính phát động tấn công hiệu quả.

Họ đã góp phần giảm tải cho tuyến dưới, và cũng trực tiếp đóng góp ở khâu ghi bàn.

Những điểm tối của Barcelona

Có hai cái tên gây thất vọng nhiều nhất bên phía Barca mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy: Daniel Alves và đặc biệt là Cesc Fabregas.

Alves không thể lên tấn công quá thường xuyên, bởi El Shaarawy “cắm trại” ở vị trí giữa anh và Pique, nhưng mỗi khi dâng cao, cầu thủ người Brazil cũng tỏ ra rất thô cứng trong những pha xử lý. Phong độ đỉnh cao của anh xem ra còn lâu mới trở lại. Chính Alves đã mắc lỗi vị trí nghiêm trọng dẫn đến bàn thắng thứ hai của Milan.

Về Fabregas, có lẽ đây là một trận đấu đáng quên. Xuất phát với vai trò tiền vệ trung tâm nhưng Fabregas lại dâng quá cao. Anh thường xuyên nằm trong sự kiểm soát của tam giác Montolivo – Zapata – Ambrosini, khiến cho những đường chuyền của đồng đội gần như không thể tới chân. Việc anh giữ vị trí quá cao là lý do khiến cho hàng tiền vệ của Barca thiếu một mắt xích luân chuyển bóng một cách thường xuyên, và Iniesta đã liên tục phải di chuyển vào giữa để trám vào vị trí này. BHL Barca đã đúng khi đưa Alexis Sanchez vào thay Fabregas, đẩy Iniesta vào giữa, có điều đây là một quyết định muộn màng.

Kết luận

Đã có những tranh cãi về việc bàn thắng thứ nhất có chạm tay Zapata hay không, nhưng pha quay chậm đã cho thấy bóng chỉ chạm mặt của trung vệ Milan và đó là một bàn thắng đúng luật.

Barcelona đã tự đẩy mình vào thế khó khi không thể đưa ra những thay đổi chiến thuật phù hợp và mắc liền vào cái bẫy đối thủ đã giăng ra. Giờ đây, họ có một tảng núi cao để leo qua nếu muốn tiếp tục giấc mơ giành cú đúp.

Rất đáng khen cho Allegri và các học trò, họ đã thi đấu rất hoàn hảo để vượt qua đối thủ mạnh hơn. Đó chính là bản lĩnh - yếu tố cần thiết của một nhà vô địch.
Dũng Lê | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục