Bóng đá và giáo dục: Mô hình phát triển độc đáo của Nhật Bản

23:41 Thứ tư 23/07/2025

Bóng đá Nhật Bản đã vươn lên mạnh mẽ nhờ hệ thống đào tạo bài bản, đặc biệt là bóng đá học đường và đại học, nơi nuôi dưỡng nhiều tài năng lớn như Keisuke Honda và Kaoru Mitoma.

Nhật Bản cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trên đấu trường quốc tế
Nhật Bản cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trên đấu trường quốc tế.

Trong hơn hai thập kỷ qua, sự vươn lên mạnh mẽ của bóng đá Nhật Bản trở nên đặc biệt ấn tượng nếu so sánh với giai đoạn mờ nhạt trước đó. Trước khi đội tuyển quốc gia ra mắt tại World Cup vào năm 1998, Nhật Bản chỉ được xem là đội bóng trung bình tại Châu Á và hoàn toàn lép vế so với các cường quốc bóng đá đến từ châu Âu hoặc Nam Mỹ.

Nhưng hiện nay, Nhật Bản đã khẳng định được vị thế tại các kỳ World Cup. Trong 7 lần tham dự liên tiếp, họ không chỉ để lại dấu ấn với sự ổn định mà còn tạo nên những chiến thắng ấn tượng trước Đức và Tây Ban Nha tại vòng bảng World Cup 2022. Trên bình diện bóng đá nữ, tuyển Nhật Bản cũng từng đăng quang World Cup 2011 và gây ấn tượng mạnh tại Australia và New Zealand năm 2023.

Gần nhất, ở Vòng loại thứ 3 khu vực châu Á cho World Cup 2026, Nhật Bản đứng đầu bảng C, đánh đấu lần thứ 8 liên tiếp tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Phía sau những thành công ấy là một hệ thống đào tạo bài bản, trong đó giáo dục đóng vai trò trụ cột.

Bóng đá học đường và sự gắn kết cộng đồng

Một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử bóng đá Nhật Bản chính là sự ra đời của giải vô địch quốc gia J-League vào năm 1993. Đây là kết quả của nhiều năm cải cách nhằm chuyên nghiệp hóa hệ thống bóng đá nội địa. Dẫu vậy, bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của J-League cùng sự hiện diện của các đội bóng chuyên nghiệp tại gần như mọi tỉnh thành, bóng đá học đường vẫn chiếm vị trí rất đặc biệt trong trái tim người hâm mộ Nhật Bản.

Bóng đá học đường trở thành một phần không thể thiếu của thể thao Nhật Bản
Bóng đá học đường trở thành một phần không thể thiếu của thể thao Nhật Bản.

Mỗi dịp cuối năm, giải vô địch bóng đá trung học thu hút đông đảo khán giả trên khắp cả nước, từ người già đến thanh thiếu niên. Ít quốc gia nào trên thế giới có sự gắn bó sâu sắc giữa cộng đồng và bóng đá học đường như Nhật Bản.

Ở cấp phổ thông, các hoạt động thể thao ngoại khóa thường mang tính giải trí nhiều hơn là cạnh tranh đỉnh cao. Không có hệ thống giải đấu quy mô giữa các trường, do đó các học sinh có nhu cầu thi đấu nghiêm túc thường chọn cách đại diện cho các đội trẻ ở cấp địa phương hoặc các đội phong trào có tổ chức bài bản.

Tuy nhiên, một xu hướng ngày càng rõ nét là các trường trung học và phổ thông đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều cầu thủ trẻ, thay vì các học viện chuyên nghiệp. Ngày nay, nhiều ngôi trường đã xây dựng được môi trường thể thao toàn diện, thu hút các huấn luyện viên tài năng và những học sinh có năng khiếu bóng đá. Một số trường có đến hơn 100 học sinh trong đội bóng của mình, cho thấy tính cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Những tấm gương nổi bật từ bóng đá học đường

Huyền thoại Keisuke Honda cũng xuất thân từ bóng đá học đường
Huyền thoại Keisuke Honda cũng xuất thân từ bóng đá học đường.

Một minh chứng điển hình là trường hợp của huyền thoại Keisuke Honda. Cầu thủ này từng không thể chen chân vào đội U18 của Gamba Osaka, nên đã quyết định theo học và thi đấu tại trường trung học Seiryo thuộc tỉnh Ishikawa. Chính tại đây, Honda rèn luyện kỹ năng và phát triển sự nghiệp, từ đó trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của bóng đá Nhật Bản hiện đại.

Bóng đá đại học: nền tảng chuyên nghiệp hóa

Nếu như bóng đá trung học tạo nên bản sắc riêng cho hệ thống phát triển cầu thủ của Nhật Bản thì bóng đá đại học lại nâng tầm hệ thống ấy lên một đẳng cấp khác. Các giải đấu đại học tại Nhật Bản hiện nay đạt trình độ gần như bán chuyên, với cường độ và chất lượng thi đấu ngang bằng nhiều đội ở giải J-League hạng Nhì hoặc hạng Ba.

Nhiều cái tên nổi bật trong đội tuyển quốc gia hiện tại xuất thân từ hệ thống bóng đá đại học. Trong số đó có thể kể đến Kaoru Mitoma, đang khoác áo câu lạc bộ Brighton tại Ngoại Hạng Anh, hay Kyogo Furuhashi, hiện thi đấu cho Rennes.

Mitoma là ví dụ điển hình từ bóng đá học đường đến Ngoại Hạng Anh
Mitoma là ví dụ điển hình từ bóng đá học đường đến Ngoại Hạng Anh.

Đặc biệt, 9 cầu thủ trong đội hình tuyển Nhật Bản dự World Cup 2022 từng thi đấu tại các trường đại học. Tiền vệ Junya Ito là một ví dụ khác, từng chơi cả bóng đá học đường lẫn bóng đá đại học trước khi gia nhập câu lạc bộ Ventforet Kofu thuộc J-League để bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp.

Việc thi đấu tại các giải đại học giúp cầu thủ có cơ hội thi đấu nhiều trận chính thức hơn so với các tân binh vừa được đôn lên đội một tại J-League. Môi trường này cũng từng chứng kiến nhiều cú sốc thú vị, khi các đội đại học đánh bại cả những đội J-League 2 trong khuôn khổ Cúp Hoàng đế Nhật Bản.

Không chỉ vậy, Nhật Bản cũng là quốc gia giàu thành tích nhất tại Universiade, đại hội thể thao sinh viên thế giới do Liên đoàn Thể thao Đại học Quốc tế tổ chức. Trong đó, họ từng vô địch các kỳ giải năm 2017 và 2019, khẳng định chất lượng bóng đá đại học vượt xa cấp độ phong trào thông thường.

Hành trình vòng vèo để vươn tới đỉnh cao

Một trong những đặc trưng nổi bật trong hệ thống đào tạo bóng đá Nhật Bản là sự kết hợp hài hòa giữa học thuật và thể thao. Cả ở bậc trung học lẫn đại học, các cầu thủ đều được khuyến khích phát triển nhân cách song song với kỹ năng chơi bóng. Trong môi trường học thuật, họ có thời gian để tự suy ngẫm, xác định mục tiêu, rèn luyện tư duy và hoàn thiện bản thân một cách toàn diện.

Ví dụ tiêu biểu là Kaoru Mitoma. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã từ chối ký hợp đồng với câu lạc bộ chuyên nghiệp Kawasaki Frontale dù được mời gọi. Thay vào đó, Mitoma chọn theo học tại Đại học Tsukuba, một trong những trường có chương trình thể thao mạnh nhất Nhật Bản.

Mitoma là minh chứng cho việc theo đuổi cả bóng đá lẫn học vấn
Mitoma là minh chứng cho việc theo đuổi cả bóng đá lẫn học vấn.

Quyết định tưởng chừng như chậm nhịp ấy lại mang đến cho anh không gian và thời gian lý tưởng để hoàn thiện kỹ năng rê bóng, thứ vũ khí đã trở thành thương hiệu cá nhân. Tại trường đại học, Mitoma thậm chí đã viết một bài nghiên cứu khoa học về kỹ thuật rê bóng, gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Nhờ con đường học thuật này, anh từng bước vượt qua các đồng nghiệp cùng trang lứa để vươn lên đỉnh cao bóng đá châu Âu.

Trường hợp của Mitoma không phải là cá biệt. Rất nhiều cầu thủ từng vô danh ở tuổi 18 đã vươn mình trở thành ngôi sao nhờ môi trường bóng đá đại học, nơi cho phép họ phát triển theo cách riêng, chậm nhưng chắc.

Nhật Bản đã cho thấy thành công trong chính sách áp dụng bóng đá song song với giáo dục
Nhật Bản đã cho thấy thành công trong chính sách áp dụng bóng đá song song với giáo dục.

Chính mô hình “đi đường vòng” này đã trở thành một lợi thế chiến lược trong bóng đá Nhật Bản. Thậm chí, hiện nay việc chọn con đường đại học không còn bị coi là bước lùi, mà là một lựa chọn đầy thực tế và hiệu quả.

Bóng đá đại học tại Nhật Bản đã vượt ra khỏi khuôn khổ nghiệp dư. Nó đã trở thành một hệ sinh thái nuôi dưỡng tài năng, nơi các cầu thủ trẻ có thể tìm thấy cơ hội phát triển toàn diện để sẵn sàng cho sân chơi chuyên nghiệp. Dù còn nhiều thách thức và cần thêm cải tiến, hệ thống này vẫn là một mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền sản xuất cầu thủ hàng đầu của bóng đá Nhật Bản.

Theo "FIFA"

Piero | 23:41 23/07/2025
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục