Cây cầu nối thế hệ
Trận thắng đẹp CHDCND Triều Tiên, người hâm mộ sôi lên và ngả mũ thán phục trước màn trình diễn của bộ đôi Xuân Trường, Tuấn Anh. Đám trẻ nhà bầu Đức kiến tạo, ghi bàn, thuyết phục bằng lối chơi thích mắt, hiệu quả. Dĩ nhiên, giữa đám đông cuồng nhiệt như vậy, chẳng có ai giá trị hơn những gì Tuấn Anh, Xuân Trường đã bày biện trên sân Thống Nhất.
CĐV sướng và hả hê với đám trẻ nhà bầu Đức. Trong giây phút phấn khích ấy, không ít người thiếu đi sự tỉnh táo để tự hỏi: Tại sao Xuân Trường, Tuấn Anh có thể toả sáng rực rỡ đến vậy? Có thể việc Xuân Trường, Tuấn Anh, thậm chí là Công Phượng, không đá tại V-League 2016 đã tạo ra sự “thèm khát” nhất định. Món ăn ngon, tiệc tùng thường xuyên có lẽ không quý bằng cảm giác thiếu thiếu khi phải chờ đợi. Vì vậy, khi Tuấn Anh và Xuân Trường bừng sáng, cảm giác thiếu thốn ấy dễ tạo thành cơn sốt.
Hình ảnh của đám trẻ bầu Đức khác với hình ảnh của Công Vinh. Thủ quân tuyển Việt Nam là đại diện của cái “cũ”. Thậm chí CV9 là sự nhàm chán giữa khao khát phải tìm ra điểm mới mẻ. Giữa những lời ca tụng, tươi mới của Xuân Trường, Tuấn Anh, rõ ràng đưa ra lời lý giải vì sao đám trẻ bầu Đức toả sáng không dễ. Có điều cần sòng phẳng, khi Tuấn Anh, Xuân Trường còn chơi tại V-League, họ không rực sáng ở HAGL và càng không có giá trị đích thực trong màu áo đội tuyển.
Đành rằng việc đi Nhật, Hàn du học đã cho những cầu thủ lò HAGL cả sàng khôn. Nhưng hãy nhớ, giữa HAGL năm ngoái và tuyển Việt Nam là bệ phóng hoàn toàn khác. Ở HAGL là một “mẻ” sàn sàn nhau, còn đội tuyển là những cá nhân xuất sắc nhất được triệu tập. CV9 hay những “lão tướng” như Thành Lương, Văn Quyết đích thực là cây cầu nối thế hệ, nâng tầm giá trị của đám trẻ nhà bầu Đức. Xuân Trường, Tuấn Anh an tâm hơn khi được chơi với những đồng đội xuất sắc, có thừa kinh nghiệm trận mạc để dìu dắt.
Đừng phũ với Công Vinh
Công Vinh chơi tệ trong trận thắng đẹp trước CHDCND Triều Tiên? Một bàn thắng, một pha kiến tạo. Trên tất cả là giá trị của người giữ chiếc băng đội trưởng trên tay, kéo theo cả đoàn tàu phía sau. Chừng ấy thôi là đủ khẳng định giá trị của cầu thủ đã xác định chia tay màu áo đội tuyển sau AFF Cup 2016.
Dĩ nhiên Công Vinh lúc này không thể như cậu bé 19 tuổi mới lần đầu khoác áo đội tuyển tại Tiger Cup 2004 khi ra mắt ở chính sân Thống Nhất. CV9 có đủ khôn ngoan, kinh nghiệm và đương nhiên, gánh nặng tuổi tác cũng đã lộ ra trên đôi chân. Nhưng một cầu thủ mà đời HLV đội tuyển nào, dù yêu hay ghét vẫn đặt vào vai trò số 1, làm đầu tàu thì không đáng bị chỉ trích, thậm chí dè bỉu sau 1 trận cầu mà anh vô tình làm nền cho đàn em toả sáng.
HLV Hữu Thắng bảo vệ Công Vinh, khẳng định giá trị mà bất cứ tuyển thủ nào ở tuyển Việt Nam cũng phải học hỏi CV9. Hữu Thắng hiểu quá rõ giá trị của Vinh, cần có sự phục vụ của Vinh trong vai trò đầu tàu, dù rằng nếu đặt lên bàn cân thì phong độ của tiền đạo đồng hương đã bước sang bên kia sườn dốc.
CV9 đã chọn AFF Cup 2016 làm giải đấu cuối cùng anh phục vụ màu áo tuyển Việt Nam. Có thể Công Vinh không còn là số 1 về chuyên môn ở đội tuyển, nhưng tầm ảnh hưởng và khao khát của tiền đạo này xứng đáng để trân trọng. Và đơn giản, với cầu thủ đá vị trí tiền đạo như CV9, một khi đôi chân ấy vẫn tạo ra những bàn thắng thì hãy khoan chê bai và tung ra những lời nhận xét phũ phàng.