Từ năm 1896 đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất: Sự hồi sinh của Olympic
Olympic là một Đại hội thể thao xuất phát từ nền văn minh Hy Lạp thời cổ đại, nhưng nó đã bị người La Mã chấm dứt vào năm 426. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, một người Pháp là Nam tước Pierre Frèdy de Coubertin đã tính đến việc khôi phục lại Olympic như một hành động nhằm tôn vinh tinh thần ưa chuộng hòa bình và hữu nghị trên toàn thế giới. Nói là làm, nhà quý tộc người Pháp đã tiến hành vận động ngay từ năm 1890, và nhận được sự ủng hộ rất lớn của công chúng. Đến năm 1896, như mong đợi của Coubertin, kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên cũng đã được tổ chức thành công và nơi diễn ra lại chính là thành phố Athens của Hy Lạp, đất nước khởi nguồn của Olympic.
Sân vận động Panathinaiko, nơi tổ chức Olympic 1896, Athens, Hy Lạp. Ảnh: Internet. |
Chỉ gồm vài môn thi đấu ( đua xe đạp, đấu kiếm, thể dục, bắn bia, bơi lội, quần vợt, điền kinh, cử tạ và đấu vật) và số lượng quốc gia tham gia chưa nhiều, nhưng kỳ Thế vận hội đầu tiên là một nguồn động viên lớn lao với Coubertin và các nhà tổ chức. Vì thế cứ đều đặn 4 năm, những kỳ Olympic lại được tổ chức 1 lần, và ngay lần thứ 2 (1900), Coubertin đã đưa được Thế vận hội trở về nước Pháp, quê hương của ông. Tuy nhiên kỳ Olympic này và kỳ tiếp theo lại không được như Coubertin mong đợi, vì các hoạt động hội chợ sôi nổi đi kèm đã lấy đi sự chú ý mà đáng lẽ người ta phải dành cho các cuộc thi đấu thể thao.
Ở những kỳ Olympic hiện đại đầu tiên (từ 1896 đến 1912), người Mỹ đã tỏ ra là những vận động viên vô cùng xuất sắc. Họ 3 lần giành ngôi nhất toàn đoàn (1896, 1904, 1912), và chỉ có người Pháp và người Anh mới có thể vượt qua được họ trong những lần được thi đấu trên sân nhà (Olympic 1900 tại Paris và 1908 tại Luân Đôn).
Những tưởng kỳ Olympic tiếp theo sẽ được tổ chức tại Berlin vào năm 1916, nhưng bóng đen của Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914 - 1918) lúc đó đã bao trùm thế giới và người ta đã không thể nào chứng kiến được Thế vận hội 1916 diễn ra.
Từ Olympic 1920 đến Olympic 1936: Giữa 2 cuộc chiến tranh
Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, kỳ Olympic 1920 là một sự kiện đáng nhớ. IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) đã thể hiện sự cảm thông với đất nước Bỉ bị chiến tranh tàn phá nặng nề bằng cách trao quyền tổ chức Olympic cho thành phố Antwerp tại đất nước này. Tại Antwerp, vận động viên người Phần Lan Paavo Nurmi đã trở nên nổi tiếng với biệt danh người 'Phần Lan bay' khi giành 3 trên tổng số 9 huy chương vàng của bộ môn điền kinh.
Olympic 1920, Thế vận hội đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất được tổ chức tại Antwerp, Bỉ. Ảnh: Internet. |
Nurmi tiếp tục thi đấu nổi bật ở Olympic 1924 ở Paris khi tiếp tục giành 2 huy chương vàng ở các nội dung chạy 1.500 mét và 5.000 mét. Dù Nurmi được xem là người nổi bật nhất, nhưng người Mỹ vẫn là những vận động viên hàng đầu khi họ liên tiếp giành ngôi nhất toàn đoàn trong cả 2 kỳ Olympic đầu tiên sau chiến tranh. Không chỉ vậy, người Mỹ tiếp tục thống trị sân chơi này tại Olympic 1928 (Amsterdam, Hà Lan) và 1932 (Los Angeles, Mỹ). Chỉ duy nhất 1 lần trong giai đoạn này người Mỹ để mất ngôi đầu, đó là khi Olympic được tổ chức tại Berlin, Đức vào năm 1936 - đất nước lúc đó đang nằm dưới sự cai trị của nhà độc tài Hitler cùng Đảng Quốc xã. Người Đức lần đầu tiên giành ngôi nhất toàn đoàn trong lịch sử cũng trong kỳ Olympic 1936 trên sân nhà.
Năm 1940, chiến tranh một lần nữa ngăn cản Olympic được tổ chức (Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ vào năm 1939), và không chỉ 1 lần. Ngay cả kỳ Olympic 1944 dự kiến lần đầu tiên tổ chức tại một quốc gia Châu Á là Nhật Bản cũng phải chịu chung số phận. Chỉ sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, thế giới mới lại được chứng kiến ngọn lửa Olympic bùng cháy trở lại.
Cuộc chạy đua giữa Mỹ và Liên Xô từ Helsinki 1952 đến Barcelona 1992
Là nước được trao quyền đăng cai Olympic 1944 nhưng bất thành, nên IOC đã quyết định 'đền bù' cho Anh bằng cách để họ tổ chức kỳ Olympic mùa hè lần thứ 14 (nếu không tính những lần bị hoãn thì là 11). Do khó khăn kinh tế và hậu quả nặng nề mà chiến tranh còn để lại, nên cơ sở vật chất dùng cho Đại hội còn rất thiếu thốn. Nhưng vượt lên tất cả, các vận động viên vẫn cống hiến một kỳ Đại hội tuyệt vời cho cả thế giới lúc đó đang đầy đau khổ vì chiến tranh. Mỹ tiếp tục giành ngôi nhất toàn đoàn và khẳng định vị thế số 1 về thể thao trên thế giới của mình.
Tuy nhiên, Mỹ đã phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm 4 năm sau đó, khi Liên Xô lần đầu tiên cử đoàn vận động viên tham dự Olympic 1952 được tổ chức tại Helsinki, Phần Lan. Dù chỉ mới lần đầu tham dự, nhưng Liên Xô đã giành tổng cộng 71 huy chương, chỉ kém 5 so với Mỹ (dù Mỹ vẫn vượt trội về số huy chương vàng - 40 so với 22). Đó chính là bước đệm hoàn hảo để Liên Xô có thể soán ngôi nhất toàn đoàn của Mỹ ở kỳ Olympic 1956 tại Melbourne, Úc. Với 37 huy chương vàng, Liên Xô chính thức vượt qua Mỹ để lần đầu tiên đứng đầu bảng tổng sắp huy chương trong một kỳ Thế vận hội, dù mới chỉ 2 lần tham dự.
Gấu Misa, linh vật của Olympic 1980. Có tới 62 quốc gia tẩy chay không tham gia kỳ Thế vận hội tổ chức tại Moskva, trong đó có cả Mỹ. Ảnh: Internet. |
Đó chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc ganh đua tưởng chừng như không có điểm dừng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới vào thời điểm đó. Liên Xô có lần thứ hai liên tiếp thống trị Olympic khi đứng đầu tại Olympic 1960 tại Rome, Italia; nhưng Mỹ đã kịp giành lại vị thế của mình trong hai lần tổ chức tiếp theo: Olympic 1964 (Tokyo, Nhật Bản) và Olympic 1968 (Mexico City, Mexico). Nhưng Liên Xô cũng đã đưa ra câu trả lời xứng đáng ở hai kỳ Olympic sau đó (1972 và 1976).
Ở thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh (đầu những năm 1980), hai kỳ Olympic 1980 (Moskva, Nga) và 1984 (Los Angeles và California, Mỹ) đều bị các bên tẩy chay mạnh mẽ. Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia tư bản khác từ chối cử đoàn tham dự Moskva 1980, thì Liên Xô cùng các quốc gia đồng minh của mình kiên quyết từ bỏ Olympic 1984.
Dù đất nước Liên Xô bắt đầu suy yếu và tan rã vào những năm cuối thập niên 80 và đầu 90, nhưng thể thao của họ vẫn đạt được những thành công vang dội tại các kỳ Olympic 1988 và 1992. Thậm chí, ngay cả khi thi đấu dưới cái tên Đoàn thống nhất (Unified Team) tại Barcelona, khi Liên Xô đã sụp đổ, thì những vận động viên của họ đến từ các quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây vẫn thi đấu xuất sắc và giành ngôi nhất toàn đoàn. Mãi đến khi Thế vận hội quay trở lại Mỹ vào năm 1996, tại Atlanta, thì người Mỹ mới một lần nữa được tận hưởng hương vị ngọt ngào của chiến thắng. 100 năm sau lần đầu tiên tổ chức Olympic, Mỹ lại là những người đứng đầu kỳ Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Từ Olympic Sydney 2000: Sự trỗi dậy của người Trung Quốc
'Thế kỷ XXI là thế kỷ của người Trung Quốc', người ta đã nhận định như thế, và người Trung Quốc đã chứng minh cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình trong lĩnh vực thể thao khi lần đầu tiên giành vị trí thứ 3 tại kỳ Olympic đầu tiên trong thiên niên kỷ mới. Tại Sydney, nơi đăng cai Olympic 2000, với 28 huy chương vàng, Trung Quốc chỉ chấp nhận đứng sau 2 cường quốc Mỹ và Nga. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic Trung Quốc giành vị trí thứ 3 toàn đoàn.
Được cổ vũ bởi thành tích này, Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để phát triển nền thể thao của mình và kết quả là 4 năm sau đó, khi Olympic quay trở lại với quê hương Hy Lạp vào năm 2004, thì Trung Quốc đã soán luôn vị trí nhì bảng của Nga. Giờ đây trước mặt của Trung Quốc chỉ còn Mỹ, cường quốc số 1 thế giới về thể thao, và họ đã sẵn sàng chiếm lấy ngôi vị đó khi giành quyền tổ chức Olympic lần thứ 29 trên sân nhà.
Trung Quốc trở thành cường quốc thể thao số 1 thế giới tại Olympic Bắc Kinh 2008. Ảnh: Internet. |
Ngay khi được trao quyền đăng cai Thế vận hội, cả đất nước Trung Quốc lao vào một công cuộc chuẩn bị đồ sộ cho Olympic Bắc Kinh 2008. Bắc Kinh biến thành một công trường khổng lồ, với 31 khu thể thao liên hợp được xây dựng mới cùng hàng nghìn công trình phụ khác.
Không phụ lòng và công sức của hơn 1 tỉ người dân Trung Quốc, các vận động viên của đất nước đông dân nhất thế giới đã có một giải đấu cực kỳ ấn tượng. Trên bảng tổng sắp huy chương, Trung Quốc lần đầu tiên giành ngôi nhất toàn đoàn với 56 huy chương vàng, bỏ xa Mỹ đến 15 huy chương. Người Trung Quốc đã có một cuộc soán ngôi hoàn hảo khiến cho cả thế giới phải bất ngờ vì sức mạnh thể thao của họ.
Olympic 2012: Trong nỗi lo khủng bố
Sau cuộc soán ngôi ngoạn mục của Trung Quốc tại Bắc Kinh 2008, người ta bắt đầu hướng đến Luân Đôn, điểm dừng tiếp theo của Olympic với một sự háo hức chờ đợi. Tuy nhiên bên cạnh sự háo hức chờ đợi đó là nỗi lo không nhỏ về nguy cơ bạo động và khủng bố. Vụ tấn công khủng bố vào tháng 7/2005, ngay sau khi Luân Đôn được chính thức công bố là thành phố đăng cai Olympic 2012 đã khiến cho nhiều người lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra đúng vào thời điểm tổ chức Thế vận hội lần thứ 30.
Vì thế, Luân Đôn cùng chính phủ Anh đã không ngừng tăng cường các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh. Cảnh sát được tăng cường, quân đội được huy động. Thậm chí tên lửa cũng đã được lắp trên các tòa nhà cao tại thủ đô nước Anh để có thể triệt tiêu các mục tiêu khả nghi nếu cần. Tất cả nhằm phục vụ cho một kỳ Olympic an toàn.
Bỏ lại đằng sau những nỗi lo, Olympic vẫn là Olympic. Chúng ta chờ đợi một cuộc đấu thể thao hấp dẫn, quyết liệt và công bằng. Liệu người Mỹ có thể đòi lại ngôi đầu thế giới, hay Trung Quốc sẽ khẳng định ngôi vị số 1 của mình? Chúng ta hãy cùng chờ đợi câu trả lời sau cùng khi Olympic 2012 kết thúc!