Lịch sử Olympic - Đại hội thể thao của hòa bình và hữu nghị

14:47 Thứ tư 11/07/2012

Từ lâu, người ta đã biết đến Olympic như Đại hội thể thao lớn nhất và lâu đời nhất hành tinh. Và còn rất nhiều chuyện thú vị khác xoay quanh lịch sử của Olympic, và chúng tôi xin được giới thiệu đến các bạn một cái nhìn tổng quát cũng như những nét đặc biệt của ngày hội thể thao 4 năm mới có 1 lần này.

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, ngọn đuốc khổng lồ tại sân vận động Olympic ở thành phố Luân Đôn, Anh quốc sẽ sáng rực để khởi đầu cho một cuộc tranh tài sôi nổi kéo dài suốt nửa tháng của các vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Olympic Luân Đôn 2012 là kỳ Thế vận hội hiện đại lần thứ 30 được tổ chức tính từ lần đầu tiên vào  năm 1896. Nhưng nếu đã từng đọc qua lịch sử Hy Lạp, bạn cũng có thể biết rằng Olympic còn có một lịch sử lâu đời hơn thế, bắt nguồn từ xứ sở của những câu chuyện thần thoại bên bờ Địa Trung Hải.

Lịch sử gần ba nghìn năm

Dân tộc Hy Lạp thời cổ đại đã nổi tiếng với nền văn minh cực kỳ phát triển. Họ cũng là những con người ưa chuộc các hoạt động văn hóa và thể thao. Các thành bang Hy Lạp luôn có những địa điểm thi đấu thể thao dành cho các lực sĩ, và các thành bang cũng thường xuyên đem các lực sĩ và vận động viên tài giỏi nhất của mình ra thi thố với nhau. Và chính điều đó đã dẫn đến một Đại hội thể thao thống nhất trên toàn đất Hy Lạp được gọi là Olympic.

Cái tên Olympic xuất phát từ địa điểm tổ chức Đại hội thể thao này, đó chính là thành phố Olympia, nơi có đền thờ thần Zeus, vị thần tối cao trong thần thoại Hy Lạp. Thần thoại Hy Lạp cũng cho rằng ý tưởng tổ chức một Đại hội thể thao như Olympic là của Hercules, con trai thần Zeus, người nổi tiếng với sức mạnh phi thường và những chiến công hiển hách. Cũng giống như các kỳ Olympic hiện đại, Olympic cổ đại của Hy Lạp được tổ chức 4 năm một lần, và theo những gì lịch sử còn ghi lại thì kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức vào năm 776 trước Công nguyên, tức là đã cách đây 2788 năm.

Thành Olympia cổ đại, nơi khởi nguồn của các kỳ Olympic. Ảnh: Internet.

Cho đến nay, sách sử cổ đại vẫn còn ghi khá rõ tên của nhiều vận động viên đã từng đạt thành tích cao trong các kỳ Olympic cổ đại. Nhưng có lẽ bạn nên nhớ cái tên của người chiến thắng đầu tiên, Coroebus xứ Elis.

Thuở sơ khai, các môn thi đấu của Olympic còn rất ít ỏi, bao gồm đi bộ, đấu quyền, đua ngựa và điền kinh năm môn phối hợp bao gồm : vật, ném dĩa, phóng lao, nhảy xa và chạy nước rút,...

Đối với người Hy Lạp cổ, Olympic không chỉ là một Đại hội Thể thao mà còn là một Lễ hội đi kèm với các nghi thức liên quan đến thần linh. Có thể nói, Olympic đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Hy Lạp. Tuy nhiên nó đã bị chấm dứt bởi sự tàn bạo của những kẻ xâm lăng La Mã, đó là Hoàng đế Theodosius I, người đã ra lệnh cấm đoán đa thần giáo của người Hy Lạp và tuyên bố hủy bỏ Đại hội Olympic cũng chỉ vì nó tôn thờ sức mạnh thần Zeus, vị thần đứng đầu trong đa thần giáo Hy Lạp. Đó là vào năm 426, và chúng ta không còn được chứng kiến bất cứ một kỳ Thế vận hội nào nữa cho đến tận cuối thế kỷ XIX.

Được hồi sinh bởi người Pháp

Người Hy Lạp là những người khai sinh ra Olympic, nhưng người tái sinh nó lại là một người Pháp. Đó chính là Nam tước Pierre Frèdy de Coubertin. Mục đích của Coubertin rất cao đẹp, bởi ông muốn khôi phục lại Olympic, Đại hội thể thao thế giới, như một cách để tôn vinh nền hòa bình thế giới. Bản thân Coubertin là một nhà sư phạm và tư tưởng nổi tiếng của đất nước hình lục lăng, nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của thể thao đối với sự phát triển của con người và xã hội.

Nam tước Pierre Frèdy de Coubertin, người đã làm 'sống lại' Olympic. Ảnh: Internet.

Với những nỗ lực vận động của Coubertin, kỳ Olympic đầu tiên đã được tổ chức vào năm 1896, ngay chính trên mảnh đất đã khai sinh ra nó, Hy Lạp. Thành phố đầu tiên đăng cai Olympic là Athens, và cứ sau 4 năm Olympic sẽ lại được đăng cai bởi một thành phố khác nhằm đem không khí tranh tài thể thao đi khắp thế giới. Ban đầu chỉ có duy nhất một kỳ Olympic mùa hè, nhưng sau đó đến năm 1924, người ta lại tổ chức thêm kỳ Olympic mùa đông, bởi vì có rất nhiều môn thể thao chỉ có thể chơi trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa đông.

Phát triển không ngừng

Từ kỳ Olympic hiện đại đầu tiên chỉ có vài bộ môn thi đấu như đua xe đạp, đấu kiếm, thể dục, bắn bia, bơi lội, quần vợt, điền kinh, cử tạ và đấu vật và chỉ có 14 đoàn tham dự; thì cho đến Olympic 2012, đã có đến tổng cộng 26 môn thi và số lượng quốc gia góp mặt lên tới 204. Đó là kết quả của một quá trình lịch sử hơn 100 năm kể từ khi Olympic ra đời.

Trong suốt 100 năm đó, đã không ít lần Đại hội thể thao lớn nhất gặp phải những trở ngại hết sức to lớn. Là một hoạt động nhằm đề cao và hướng tới hòa bình, kẻ thù lớn nhất của Olympic chính là chiến tranh và xung đột. Chẳng hạn như năm 1916, Thế chiến thứ Nhất đã khiến cho Thế vận hội năm đó được dự kiến tổ chức tại Berlin, Đức phải hủy bỏ. Đến Thế chiến thứ Hai, không chỉ một mà có đến hai kỳ Olympic bị hoãn lại vì cuộc chiến tranh lớn nhất thế giới: đó là các kỳ Olympic được lên lịch tổ chức vào các năm 1940 và 1944 ở Nhật và Đức. Chỉ từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ Hai vào năm 1945, thì Olympic mới không còn bị gián đoạn thêm 1 lần nào nữa.

Lá cờ của Olympic. Theo giải thích của IOC, thì ý nghĩa của là cờ này là "tượng trưng cho sự đoàn kết giữa năm lục địa, đồng thời tượng trưng cho tinh thần thi đua công bằng thẳng thắn và hữu nghị giữa các vận động viên toàn thể thế giới đến tập trung tại Thế vận hội Olympic". Ảnh: Internet.

Sự xung đột và căng thẳng giữa những quốc gia thuộc hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa cũng khiến cho một số quốc gia giữ cái nhìn kỳ thị đối với Đại hội thể thao này. Một quốc gia lớn như Liên Xô nhưng phải đến tận năm 1952 mới cử đoàn vận động viên đầu tiên tham dự do họ cho rằng Olympic là một âm mưu chính trị của chủ nghĩa tư bản. Nhưng thành công của nền thể thao Xô viết tại kỳ Thế vận hội 1952 (Helsinki, Phần Lan) đã giúp các nhà lãnh đạo Liên Xô thay đổi cái nhìn với Olympic, và đoàn Liên Xô đã trở thành một trong những đoàn thể thao mạnh nhất Olympic cho đến tận lúc đất nước này tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Olympic cũng là Đại hội thể thao đi đầu trong công cuộc xóa bỏ sự bất bình đẳng giới. Mặc dù ban đầu, một số quốc gia như Mỹ không tán thành các môn thể thao cho nữ, nhưng năm 1912, các vận động viên nữ đã được tham gia Thế vận hội ở bộ môn bơi lội; và đến năm 1932, các môn thể thao khác dành cho nữ đã được IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) đưa vào thử nghiệm và các nữ vận động viên đã nhanh chóng đạt được thành công vang dội.

Olympic 2012: Cảm hứng cho hòa bình

Chỉ 24 giờ sau khi Luân Đôn được chính thức chọn làm nơi đăng cai Olympic 2012 vào ngày 6/7/2005, một vụ khủng bố đã xảy ra ngay giữa thủ đô nước Anh khiến cho 52 người bị chết và 700 người bị thương. Vụ tấn công giống như lời thách thức công khai của những kẻ khủng bố gửi đến những nhà tổ chức và toàn thể những người ủng hộ Olympic trên toàn thế giới.

Sân Olympic Luân Đôn, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc Olympic 2012, kỳ Thế vận hội hiện đại thứ 30 trong lịch sử. Ảnh: Internet.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, trong suốt 7 năm qua, Luân Đôn đã nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Khẩu hiệu của Olympic 2012 là 'Inspire a Generation' (Tạm dịch: Truyền cảm hứng cho một thế hệ) nói lên mong muốn được đem lại nguồn cảm hứng về một thế giới hòa bình và ổn định trong bối cảnh có nhiều khó khăn và mối đe dọa như hiện nay.

Một kỳ Olympic nữa lại sắp diễn ra, và hy vọng tất cả chúng ta sẽ được chứng kiến một Đại hội thể thao thành công và để lại nhiều kỷ niệm đẹp.

N.H.P (Tổng hợp) | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục