Ben Johnson |
1. 3 giây oan nghiệt: Chung kết bóng rổ nam Munich 1972
ĐT bóng rổ nam của Mỹ chưa thua trận nào trong lịch sử Olympic cho đến trước trận chung kết Munich 1972 với Liên Xô. Mỹ chỉ còn cách tấm HCV tiếp theo đúng 3 giây nữa. ĐT Mỹ dẫn 50-49, Liên Xô lên bóng và... BHL Liên Xô nhảy vào sân phàn nàn việc xin hội ý trước đó.
Sau một hồi tranh cãi, trọng tài cho trận đấu thêm 3 giây. ĐT Liên Xô không thay đổi được cục diện và các cầu thủ Mỹ ôm chầm lấy nhau ăn mừng. Bất ngờ BTC thông báo trận chung kết phải thi đấu lại 3 giây vừa rồi vì đồng hồ chưa được reset chính xác. Lần này thì Alexander Belov ghi 2 điểm quyết định giúp ĐT Liên Xô thắng ngược 51-50.
ĐT Mỹ ra sức khiếu nại chuyện bù giờ nhưng bất thành. Quá bức xúc, họ đã từ chối nhận HCB.
2. Đòn gió có vàng: Chung kết quyền anh hạng bán trung Seoul 1988
Suốt cả trận, võ sỹ người Mỹ Roy Jones Jr hoàn toàn áp đảo tay đấm chủ nhà Park Si-hun. Ai nấy đều chắc mẩm tấm HCV sẽ thuộc về Jones. Vậy mà cuối cùng phần thắng 3-2 lại thuộc về Park – võ sỹ chỉ tung ra được 32 cú đấm so với 86 cú của Jones.
Một trọng tài sau đó thổ lộ trên tờ Sports Illustrated: “Jones đã thắng quá dễ dàng. Cứ đinh ninh rằng 4 vị trọng tài còn lại chấm cho Jones nên tôi chấm cho Park với hy vọng tỷ số thua 1-4 sẽ giúp võ sỹ chủ nhà gỡ gạc chút danh dự”. Nào ngờ hai trọng tài khác cũng chấm cho Park.
Park tự nhận anh thua trận này nhưng đừng hòng mong anh trả lại tấm HCV.
3. Tượng đại sụp đổ: Ben Johnson dính doping Seoul 1988
“Tôi muốn nói rằng tên tôi là Benjamin Sinclair Johnson Jr và kỷ lục thế giới này sẽ tồn tại 50 hoặc 100 năm nữa”, Ben Johnson tuyên bố sau khi lập kỷ lục thế giới với thành tích 9,79 giây trên đường chạy 100m ở Seoul. 3 ngày sau, ngôi sao người Canada bị tước HCV vì bị phát hiện dương tính với chất cấm steroids.
Johnson ra sức phân bua rằng có ai đó đã bỏ chất steroids vào đồ uống của mình. Nhưng trò “vụng chèo khéo chống” này vô hiệu. Đến nay đây vẫn là scandal doping ầm ĩ nhất lịch sử Olympic.
4. Mất HCV điền kinh vì... chơi bóng chày: Nội dung 5 và 10 môn phối hợp Stockholm 1912
Jim Thorpe chưa bao giờ tham gia cuộc thi 5 môn phối hợp và 10 môn phối hợp nào cho đến khi ông dự Olympic 1912. VĐV người Mỹ này xuất sắc giành HCV cả hai nội dung này. Thorpe lập tức được báo giới ca tụng là VĐV điền kinh vĩ đại nhất thế giới khi đó.
Nhưng vài tháng sau, Thorpe bị phát hiện có ăn lương để chơi 2 mùa cho một đội bóng chày ở Mỹ và vì thế vi phạm yêu cầu “VĐV nghiệp dư” của Olympic. Thorpe bị tước HCV. Song VĐV giành HCB nội dung 10 môn phối hợp Hugo Wieslander từ chối lấy HCV vì cho rằng Thorpe vẫn xứng đáng với chức vô địch.
Năm 1983, 30 năm sau khi Thorpe qua đời, IOC đã trả lại hai HCV cho các con ông.
5. Máu nhuộm bể bơi: Bán kết bóng nước Melbourne 1956
ĐT bóng nước Hungary chạm trán đối thủ Liên xô ở trận bán kết vào thời điểm hai nước căng thẳng cực điểm vì xung đột chính trị. Mối thù chính trị được VĐV đôi bên đem cả vào bể bơi.
Ban đầu là việc thủ quân hai đội không bắt tay nhau. Sau đó là những màn ẩu đả liên tiếp. Hàng loạt cầu thủ đổ máu và trọng tài buộc phải cho dừng trận đấu để ngăn bể bơi thành bể máu. Màn đấu đá tai tiếng ấy được coi như trận đấu đẫm máu nhất trong lịch sử Olympic.