1. Tennis đã vắng mặt tại các kỳ Thế vận hội mùa hè trong vòng 64 năm kể từ Olympic 1924 tại Paris tới Olympic 1988 tại Seoul. Tất cả đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa Liên đoàn quần vợt thế giới ITF và Ủy ban Olympic quốc tế IOC về việc IOC cho quá nhiều tay vợt nghiệp dư tham dự.
2. Tất cả các trận đấu trong môn tennis tại Olympic sẽ thi đấu theo thể thức 3 set thắng 2. Nhưng đặc biệt trận chung kết đơn nam sẽ thi đấu theo thể thức 3 set thắng 2 giống như tại Grand Slam. Trong nội dung đôi nam nữ, nếu phải thi đấu tới set thứ 3 thì sẽ sử dụng loạt “super-tiebreak”, sẽ đánh tới điểm thứ 10 và phải cách biệt 2 điểm.
Steffi Graf là tay vợt giành HCV Olympic Seoul 1988 |
3. Steffi Graf là tay vợt duy nhất trong lịch sử giành “Slam vàng” (Golden Slam) khi đoạt cả 4 danh hiệu Grand Slam trong năm và cả HCV đơn nữ tại Olympic Seoul 1988, năm mà tennis trở lại là môn thi đấu chính thức. Nhưng có một điều đặc biệt, ở Olympic 1984 tại Los Angeles khi tennis là môn biểu diễn dành cho tay vợt dưới 21 tuổi, huyền thoại người Đức cùng giành HCV ở tuổi 15. Tay vợt nam giành HCV năm 1984 là huyền thoại người Thụy Điển Stefan Edberg.
4. Nội dung đôi nam nữ lần đầu tiên trở thành sự kiện chính thức tại môn tennis ở Olympic London 2012. Như vậy Olympic 2012 sẽ lập kỷ lục số tay vợt tham dự là 172 người cạnh tranh 5 bộ huy chương: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.
5. Tennis là một trong 9 môn thể thao được tổ chức trong kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử tại Athens năm 1896. Còn 8 môn thể thao khác bao gồm: Thể dục nghệ thuật, điền kinh, đua xe đạp, đấu kiếm, bắn súng, bơi, cử tạ, vật cổ điển.
Chị em nhà Williams giành 2 HCV đôi nữ năm 2000 và 2008 |
6. Kỷ lục trận chung kết môn tennis có số game ít nhất diễn ra trong trận chung kết đôi nữ là 14 game diễn ra tại Olympic Sydney 2000 khi Serena và Venus Williams đánh bại cặp đôi người Hà Lan Kristie Boogert và Miriam Oremans 6-1, 6-1. Chị em nhà Williams còn lặp lại thành tích này tại Olympic Bắc Kinh 2008 khi thắng cặp đôi người Tây Ban Nha Anabel Medina Garrigues và Virginia Ruano Pascual 6-2, 6-0.
7. Danh sách 56 tay vợt nam và nữ đứng đầu trên BXH ATP và WTA công bố ngày 11/6/2012 đủ điều kiện dự nội dung đánh đơn tại Olympic. Nhưng mỗi quốc gia chỉ có tối đa 4 tay vợt tham dự, do đó nếu tay vợt nào đủ điều kiện về thứ hạng nhưng lại đứng sau 4 người đồng hương trên BXH thì sẽ phải nhường suất tới Olympic cho đối thủ khác.
8. Nước Mỹ giành tới 10 HCV trong tổng số 24 bộ huy chương trong môn tennis kể từ năm 1988, trong khi đó các nước khác chưa giành được quá 2 HCV. Người Mỹ cũng giành tổng số huy chương nhiều nhất trong môn tennis với 17 chiếc, thứ hai là Tây Ban Nha với 11 chiếc, Đức và Nga xếp thứ ba với 7 chiếc.
Gigi Fernandez & Mary Joe Fernandez giành HCV đôi nữ Olympic 1992 & 1996 |
9. Kể từ khi môn tennis trở lại tại Olympic năm 1988, nước Mỹ giành tới 5 trong tổng số 6 HCV đôi nữ và chỉ mất HCV đôi nữ ở Olympic Athens 2004.
10. Cũng tính từ cột mốc năm 1988, có 3 tay vợt nam từng giành HCV Olympic nhưng lại chưa bao giờ giành Grand Slam đơn nam. Năm 1988 là tay vợt người Tiệp Khắc Miroslav Mecir dù ông lọt vào chung kết Australian Open 1989 (thua Ivan Lendl cả 3 set với tỷ số 2-6) và US Open 1986 (cũng thua Lendl 4-6 2-6 0-6), giải đấu lớn cuối cùng mà các tay vợt còn dùng vợt gỗ. Năm 1992 là tay vợt người Thụy Sỹ Marc Rosset, người mới chỉ có thành tích tốt nhất là tới bán kết Roland Garros 1996. Năm 2004 là tay vợt người Chi Lê Nicolas Massu, người có biệt danh “ma cà rồng”, mới có thành tích ấn tượng nhất là tới vòng 4 US Open 2004, thậm chí Massu còn là tay vợt duy nhất trong lịch sử giành cả HCV đơn và đôi nam trong cùng một kỳ Olympic.
Tay vợt nữ duy nhất giành HCV Olympic mà không giành Grand Slam là Elena Dementieva. Tay vợt người Nga giành HCV Olympic 2008 sau khi đánh bại người đồng hương Dinara Safina 3-6, 7-5, 6-3 trong trận chung kết. Dementieva từng lọt vào chung kết Roland Garros 2004 (thua Anastasia Myskina 1-6, 2-6) và US Open 2004 (thua Svetlana Kuznetsova 3-6, 5-7). Rất trùng hợp khi cả hai tay vợt đánh bại Dementieva cũng đều là người Nga!