Bí mật sau cuộc chiến của bầu Kiên

09:11 Thứ tư 04/01/2012

Cuộc chiến truyền hình Super League đang đi đến hồi căng thẳng nhất. Bầu Kiên được VPF giao toàn quyền “đấu” lại với AVG (thực chất là VFF) và ông luôn mạnh miệng tuyên bố lẽ phải thuộc về mình…

Theo những gì bầu Kiên nói, ông đứng ra nhận trách nhiệm là vì VPF, vì bóng đá Việt Nam và vì người hâm mộ. Thế nên, phần đông dư luận bị che mắt bởi mục đích quá cao cả ấy mà quên mất rằng, bầu Kiên không cần phải đợi tới khi VPF được thành lập vẫn có thể đứng ra phản đối hợp đồng giữa VFF và AVG từ trước đó một năm, với tư cách là ông chủ của Hà Nội ACB – thành viên tham dự V-League.

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao bầu Kiên khi “chỉ” là chủ tịch của Hà Nội ACB, về nguyên tắc có quyền phản đối việc VFF và AVG kí hợp đồng, lại lựa chọn cách im lặng (khi nhìn thấy kẽ hở của hợp đồng) rồi đợi tới khi “nắm quyền” ở VPF mới đưa cuộc chiến truyền hình lên mức cao trào? Phải chăng, người ta chỉ lên tiếng khi cảm thấy việc đó là có lợi cho mình và phe nhóm của mình?

Bầu Kiên chiến đấu vì điều gì?

Cần phải nhắc lại rằng, bầu Kiên chắc không phải là người biết sợ nên chẳng có lý do gì để nói rằng, cách đây một vài năm ông vì “sợ điều gì đó” mà không lên tiếng đả kích những bất cập hay khởi xướng một cuộc cách mạng trong bóng đá nước nhà như thời gian vừa qua. Cuộc cánh mạng chỉ được khơi mào, sau vụ ông Kiên “cay mũi” thay cho hai người bạn là bầu Long và bầu Tuấn (Hòa Phát Hà Nội) – những người đã cay đắng rời bỏ bóng đá. Rồi nó được đẩy lên cao trào khi ông Kiên vì phát biểu quá hay mà thu hút được sự chú ý của dư luận lẫn sự ủng hộ của những ông bầu vốn đang thất thế trong bóng đá là ông Đức (HAGL) và ông Thắng (ĐTLA).

Rõ ràng, nếu tinh ý có thể thấy “động cơ chiến đấu” của ông Kiên và các cộng sự đã có đôi chút vấn đề chứ không trong sáng, thánh thiện như họ vẫn tuyên bố.

Rồi việc ông Kiên và VPF đòi xóa bỏ hợp đồng giữa AVG và VFF cũng thật…khác người. Là những người làm ăn, kinh doanh và cụ thể là chủ của những tập đoàn lớn chẳng lẽ ông Kiên (và ông Đức, ông Thắng) chưa bao giờ chứng kiến hay tham gia vào vụ mua bán, sáp nhập công ty nào? Họ chưa tham gia hay cố tình quên mất quy luật đơn giản đến nỗi, khi mua một công ty nào thì cũng đồng nghĩa với việc thụ hưởng toàn bộ số lợi nhuận (hoặc các khoản nợ), quyền lợi (hoặc nghĩa vụ) của công ty đó.

Trong trường hợp này, VPF tiếp nhận quyền tổ chức các giải đấu thì cũng phải tôn trọng những cam kết mà giải đấu đó đang có với các đối tác chứ không thể tuyên bố bỏ là bỏ.

Nhìn chung, cuộc chiến truyền hình càng đẩy lên mức quyết liệt bao nhiêu thì dư luận càng có thể nhìn ra được nhiều… sự thật.
Mai Hương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục