Vì sao có người không thích HAGL?

08:12 Thứ ba 28/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Nhớ hơn một năm trước, người ta cứ một câu Đông Triều, hai câu Đông Triều, nhắc đến em như một trung vệ thép, mong ngóng em trở lại sau chấn thương, rồi những câu chuyện về nhân thân của Triều được quan tâm như một tài năng trẻ đặc biệt. Nhưng giờ thì sao, em không có tên trong cuộc triệu tập của ông Miura cho SEA Games sắp tới, và chắc chắn nhiều người hiểu rõ lý do. Đơn giản là, chẳng ai còn nói đến Đông Triều như một trung vệ khiến họ phải nhớ tới cả, trong môi trường “bóng đá thật”, em chẳng khác nào một đứa trẻ mới tập chơi bóng, ở chính vị được coi là sở trường của mình.

Nói câu chuyện trên để thấy giữa HAGL trên thao trường và HAGL trên chiến trường khác nhau như thế nào. Có 1001 nguyên nhân để HAGL “được thua”, nhưng những đội thắng họ sao phải lắng nghe điều đó? Trong xã hội bóng đá Việt Nam, HAGL như học sinh cấp hai đi thi học sinh giỏi chung với các anh chị cấp ba, thắng thì dòi “đè ngửa”, mà thua thì “anh chị cũng chẳng vinh quang gì”.

Nó giống như một đứa trẻ con chạy tới đánh người lớn rồi tự kêu bất công vậy. Rõ ràng đó là một hướng suy nghĩ đi vào ngõ cụt. Nếu 13 đội còn lại cũng cứ thua là nói “chẳng qua”, “bởi vì”, tại hàng thủ kém, tại hàng công cùn, thì hóa ra đáng lẽ tất cả 14 đội đều giỏi hết, “chẳng qua” thế này thế nọ thôi ư? HAGL ghi bàn thì không phải vì hậu vệ đối phương hớ hênh, vì đối phương sai sót ư? Ngắn gọn thôi, kém hơn thì thua, rất dễ hiểu.

Các cầu thủ của HAGL vẫn còn rất "non" so với phần còn lại của V-Leauge. Ảnh: Internet

Nhiều người không vừa mắt với HAGL vì dù mang mác “được đào tạo đạo đức” nhưng ngay từ ông Chủ tịch đã gây những điều mất thiện cảm cho các em trong mắt với đồng nghiệp. Ai mà phục được người chưa giỏi bằng ai nhưng đã tự huyễn bản thân và thiếu tôn trọng phần còn lại. Trong khi các cầu thủ Việt Nam khác chật vật theo đuổi nghề bóng vì mưu sinh, sự thắng thua, lên xuống của câu lạc bộ liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ, thì các cầu thủ HAGL JMG có một điều kiện phát triển quá tốt, vô lo vô nghĩ, được nâng niu từ nhỏ, đá mà “xuống hạng cũng được”.

Bầu Đức chê V-League bạo lực không muốn đá, rồi rằng cầu thủ có giá 3, 4 triệu USD. Nhưng với HAGL mùa này, vẫn chưa thấy họ bị “bạo hành” gì ghê gớm, cũng chưa thấy bán được ai giá khủng, chỉ có thực tế là vị trí thứ 12/14 đội mà thôi. Cần nhấn mạnh lại, đó là thực tế.

HAGL là một ngọn lửa mới, là một ánh sáng mới, nhưng họ không phải tất cả những gì bóng đá Việt Nam có. Yêu bóng đá Việt, ủng hộ bóng đá Việt là trân trọng mọi nỗ lực của mọi lớp cầu thủ đến từ mọi nơi, chứ không phải bám vào một hiện tượng và bắt ai cũng phải khen, không được “dìm” “tụi nhỏ”. Muốn chuyên nghiệp hãy nhìn những nền bóng đá chuyên nghiệp, không ai nâng lên cũng không ai nhấn xuống, đá hay thì tồn tại, dở thì bị đào thải, bất kể 19 hay 17 tuổi, công bằng và tự chịu trách nhiệm như một người đàn ông trưởng thành.

Có người thích thì cũng có người thấy khó ưa, có người cổ vũ thì cũng có người mong HAGL bại trận, có người khoái xem HAGL phối hợp đẹp đẽ thế nào thì cũng có người muốn thấy các đội khác dùng sự hiệu dụng, kinh nghiệm – một kiểu đẹp khác để hạ HAGL. Chẳng ai sai hay đúng, bóng đá là một xã hội thu nhỏ và như thế là bình thường.

Bầu Đức cũng là con người, ông là doanh nhân chứ không phải chuyên gia bóng đá, có cái ông nói đúng và cũng có cái sai, có cái làm chuẩn và cái làm chưa chuẩn, đó đâu phải vấn đề? Vấn đề là nếu chưa chuẩn thì phải tự nhận thức để cải thiện nó, còn cứ hứng đâu nói đấy, mâu thuẫn rồi tự “đè” lên lời mình thì người ta chê ông cũng phải.

Đến những nhân vật hàng đầu thế giới còn lắm lúc bị cộng đồng phản đối, bị chỉ ra chỗ chưa ổn thì tại sao bầu Đức lại không thể? Về làm giàu, về cái tâm làm bóng đá ông là tấm gương tuyệt vời, còn về chuyên môn sâu của lĩnh vực này, chẳng cần phải tung hô ông như một vị Thánh làm gì cũng có lý do, có tính toán và chuẩn mực. Wenger – HLV xịn của “Arsenal xịn” còn có khi bị hô hào từ chức, Van Gaal còn phải mắc sai lầm thì bầu Đức là ai? Sự thật là sự thật.

Hãy đá V-League với tinh thần cầu thị

Từ lúc học viện lọc đầu vào, sau đó đào tạo ra những trung vệ thấp nhỏ, thiếu quyết liệt đã là chuyện khá khó hiểu, không ra “lạc hậu” mà cũng chẳng phải hiện đại, chỉ là xa rời thực tế. Công nghệ châu Âu nhưng lại bỏ ngỏ điểm yếu muôn thuở thể hình thể lực của người Việt. Tiền vệ cũng thế, chẳng có một tiền vệ phòng ngự “sắt thép” nào vượt lên khẳng định mình cả, bóng đá đỉnh cao thiếu sao được những nhân tố đó? Công Phượng vẫn đang là cái tên sáng nhất, cái hay của em là biết thích nghi, biết thay đổi, tăng dần độ quái và sự hiệu quả trong lối đá, dựa trên nền tảng kỹ thuật vốn đã tốt sẵn rồi.

HAGL ca mãi bài ca thể hình thể lực, “chấp Tây”, nhưng nhiều đội tuyển Đông Nam Á hay Nhật, Hàn cũng to khoẻ, cũng hơn ta sức vóc, không thể thua rồi “dằn dỗi” họ, nâng tầm kiểu gì nếu cứ “đòi” phải cao bằng tôi, khỏe bằng tôi thì tôi mới thắng được? Chê đối phương, can thiệp cả vào cách họ chọn cầu thủ ra sân, mục đích đá của họ, thì ở Việt Nam, thậm chí trên thế giới, HAGL có lẽ là trường hợp số một.

Thầy trò HLV Guillaume Graechen còn phải học hỏi rất nhiều từ đấu trường V-League. Ảnh: Internet

Nếu tự thấy sẽ “dễ đá” nếu đối thủ toàn cầu thủ nội, cũng tầm 19, 20 tuổi, thì đáng lẽ nên tham dự giải U21 là đủ, thay vì giải VĐQG. Những Januzaj, Sterling, Luke Shaw đá Premier League có được đối thủ nương chân chút nào không? Không hề, quân tốt phải rèn ở chiến trường.

Lại về chuyện ngoại binh, anh có kỹ thuật, tôi có sức mạnh, bóng đá không cái nào hơn cái nào, đội mạnh thì có cả hai. Họ càn lướt được, họ tranh bóng được, họ bứt phá được, đó cũng là trình độ, chứ nào chỉ ở chuyện tâng bóng được bao nhiêu quả, hoặc khi không ai áp sát thì tôi chuyền đẹp như thế nào. Trận đấu gần đây, có thể thấy những nội binh đàn anh của Hà Nội T&T cũng tranh chấp, che bóng, tì đè, đột phá hiệu quả, khôn ngoan hơn so với các cầu thủ trẻ phố núi. Đó là cái cần học, cái khiến các em phải đá V-League với tinh thần cầu thị.

Bản gốc Arsenal cũng cần những cầu thủ cao to, khoẻ mạnh như Welbeck hay Giroud ... vậy mà một bản sao non nớt như HAGL JMG nghĩ chỉ cần kỹ thuật tốt, ban bật đẹp là thành công, là trên tầm V-League. Tại sao hiện nay HAGL đá sân khách đội nào thì khán giả đến sân đông hẳn trong khi HAGL đá sân nhà thì khán giả lại thưa thớt đi? HAGL tự hào về sức hút với địa phương khác cũng được, nhưng chính xác là ở đâu đội nhà có một trận đấu hay và chiến thắng, ở đó cổ động viên sẽ nhiều, mà HAGL thì đang dần trở thành “kho điểm” của các “đội nhà” đó, cộng thêm sự “dễ xem” mà họ tạo ra với lối đá họ chọn.

Cứ đá thôi. Thắng thì vui chứ đừng ảo tưởng, mà thua thì buồn nhưng chớ tuyệt vọng. kinh nghiệm kém hơn, chuyên môn, chiến thuật còn nhiều thiếu sót, thua là phải. Nói chung, HAGL từ đầu đã tự gây chú ý quá nhiều, nên bây giờ bị săm soi, phán xét cũng khó trách được ai.

Nếu không được “một lứa” như kỳ vọng, mong rằng vẫn sẽ có những người như Công phượng, đủ sức cống hiến đỉnh cao cho bóng đá nước nhà. Đó là chuyện vui chung với tất cả người hâm mộ, chứ không riêng gì người hâm mộ HAGL. Dĩ nhiên, với các cầu thủ trẻ từ các câu lạc bộ khác, chúng ta cũng sẽ có một niềm vui tương tự như thế.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục