1. Trong giai đoạn cách đây 1 năm, khi thể thao chuẩn bị cho SEA Games 27-2013, ngành thể thao đã thống nhất sự phân chia các môn thể thao Việt Nam vào 6 nhóm môn với mong muốn đạt thành tích cao nhất. Từng nhóm môn có mục tiêu khác nhau đồng thời ngành thực hiện giải pháp hết sức cụ thể, khả thi nhằm đẩy mạnh từng nhóm môn một. Ví dụ, nhóm S-A-O (SEA Games, Asian Games, Olympic) tức là những môn đạt huy chương Olympic.
Khi đó, lãnh đạo ngành đánh giá 4 môn khả năng gồm bắn súng, cử tạ, TDDC, taekwondo. Tùy theo từng nhiệm vụ trong nhóm môn này được tập trung đầu tư hết sức đặc biệt. Nhóm trên được mặc định đương nhiên phải có huy chương SEA Games. Bốn môn này được hướng trọng tâm đầu tư cho Asian Games, Olympic. Nhóm S-A-Q (như điền kinh, bơi lội, boxing, rowing, judo…) là chuẩn bị cho SEA Games, Asian Games và đạt chuẩn Olympic.
Nhóm S-A làm nhiệm vụ SEA Games và Asian Games (như karatedo, wushu, cầu mây…) thì những môn này phải lấy được HCV Asian Games. Nhóm S-E-A (như cờ vua, pencak silat, vovinam, muay…), tổng cộng khoảng 14 môn, rất quan trọng do đảm nhiệm nhiệm vụ giành nhiều HCV cho thể thao nước nhà ở SEA Games, khoảng 13-14 môn. Rồi thêm nhóm S-P-O, là nhóm môn có tiềm năng Olympic (đấu kiếm, nhảy cầu, thuyền buồm, bắn cung…) hay nhóm cuối S-P-E-X là nhóm môn nỗ lực và cần đầu tư mạnh mẽ. Gồm bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bóng rổ. Hầu hết những môn này Liên đoàn hoạt động mạnh nên họ phải làm công việc đào tạo trẻ. Nỗ lực hết sức, huy động đầu tư.
![]() |
Điền kinh là 1 trong những môn trọng điểm sẽ được đầu tư quyết liệt tới đây. Ảnh: Quang Thắng |
Sau Asian Games 17-2014, theo tìm hiểu thì hướng tới đây, ngành thể thao lại quay về việc như trước đây từng làm, tức là đầu tư cho chương trình mục tiêu bằng việc dồn sức đào tạo VĐV trọng điểm. Ngành dự kiến xây dựng chương trình mục tiêu gồm các dự án đào tạo VĐV đỉnh cao của 5 môn thể thao cơ bản gồm điền kinh, bơi, TDDC, bắn súng, cử tạ và thêm một số VĐV xuất sắc ở một vài môn khác; danh sách VĐV trọng điểm nhắm đạt thành tích cao ở Asian Games và Olympic khoảng 20 người. Đào tạo VĐV trẻ, ngành sẽ đầu tư đặc biệt cho VĐV của 17-18 môn nhằm tạo lực lượng kế cận. Đào tạo HLV, chuyên gia, bác sĩ cấp cao…
2. Tuy vậy phải thấy rằng, giai đoạn chuẩn bị SEA Games 2013 thì trước đó chúng ta đã rút kinh nghiệm từ kết quả của Olympic 2012. Trước Olympic 2012 thì thể thao cũng đã rút tỉa từ thất bại ở Asian Games 2010. Bây giờ, kết quả Asian Games 17-2014 là để tìm ra sự chuẩn bị và cách làm sao cho tốt nhất đối với Olympic 2016. Sau Olympic 2016 (chúng ta chưa rõ thành tích của thể thao Việt Nam sẽ ra sao) là tiếp tục có Asian Games 2019.
Giai đoạn của các sự kiện lớn cách nhau quãng ngắn 2 năm một lần. Do vậy, chúng ta sẽ rất khó đi được một sự ổn định nếu kế hoạch và cách thực hiện không thể dài lâu và luôn thay đổi. Trong đặc thù thể thao, theo từng giai đoạn sẽ có sự điều chỉnh. Nhưng ai cũng nắm được rằng, chúng ta trước tiên phải phát triển thể thao rộng khắp trong cộng đồng đã rồi song hành làm thể thao đỉnh cao thì mới hiệu quả. Bởi lẽ, khi tất cả cùng có ý thức tập thể thao thì nhân lực tìm kiếm đưa vào đầu tư đỉnh cao mới dồi dào chứ không như bây giờ, tìm được 1 VĐV đã khó còn tìm được người kế cận VĐV trên còn khó hơn.