Ryan Giggs: Hãy nhìn gương bầu Đức!

21:28 Thứ ba 21/11/2017

TinTheThao.com.vnVừa đặt chân đến Việt Nam, trong buổi họp báo đầu tiên, Ryan Giggs đã nhanh nhảu: “Với các cầu thủ, điều quan trọng là nhận thấy tài năng của họ và giúp họ phát triển. Tôi và các thành viên PVF có nhiệm vụ giúp họ tiến bộ. Tôi mong các cầu thủ trẻ ở đây dự World Cup 2030. Tôi biết đó là giấc mơ. Nhưng tôi từng mơ khoác áo M.U và giấc mơ đã trở thành sự thực. Tôi hy vọng sẽ giúp các cầu thủ trẻ ở đây cũng biến giấc mơ thành sự thật.”

Đúng là chẳng ai đánh thuế ước mơ. Đã mất công mơ thì cứ mơ cho lớn. Nhưng Ryan Giggs có lẽ chưa hiểu nhiều về bóng đá Việt Nam, một đất nước có tình yêu bóng đá cuồng nhiệt và mù quáng, suốt 60 năm chưa một lần vô địch Seagames – đáng buồn thay, là khu vực có trình độ bóng đá thấp nhất thế giới.

 - Bóng Đá

 Ryan Giggs mong bóng đá Việt Nam dự World Cup 2030 . Ảnh: Giang Nguyễn.

Nên ước mở World Cup của Giggs, dù đánh trúng niềm khao khát của một số bạn trẻ, nếu so chiếu kĩ, lại trở nên viển vông, thậm chí là có phần lố bịch. Người ta chỉ mơ khi có cơ sở để biến giấc mơ đó thành sự thật. Chứ mua một tấm vé số điện toán với tỉ lệ trúng giải còn thấp hơn tỉ lệ bị sét đánh thì hi vọng đổi đời lại thật quá mong manh.

Không thể phủ nhận Ryan Giggs có một sự nghiệp cầu thủ huy hoàng, một tượng đài của bóng đá thế giới nói chung và của CLB Manchester United nói riêng. Khi còn trẻ, anh ta mơ ước được tới “Nhà hát của những giấc mơ” để viết nên câu chuyện của mình. Giggs có cơ sở để làm việc đó vì ít nhất là thời còn ở Wales, anh có cha là một VĐV bóng bầu dục, người hướng con theo nghiệp cầu thủ từ nhỏ, và sau đó ở Manchester, nơi anh ta chuyển đến sinh sống và luyện tập từ khi lên 6.

Giggs “ăn học” với đội trẻ của Manchester City từ rất sớm và ra mắt Manchester United lần đầu từ năm 14 tuổi.  Có thể nói, Ryan Giggs được hưởng toàn bộ các điều kiện tốt nhất từ gia đình, nền tảng cơ sở, môi trường tập luyện, thi đấu để trở nên một huyền thoại.

Còn ở Việt Nam thì sao? Bóng đá Việt Nam chẳng có nền tảng gì cả. Đó là một thực tế mà bất kì ai yêu bóng đá đến thắt ruột đều có thể nhận ra. Đầu tiên, đó là việc VFF tổ chức một giải đấu mà người hâm mộ không màng đến sân, để rồi ông bầu các đội bóng làm cuộc lật đổ ngoạn mục với việc thành lập một công ty tổ chức giải đấu (VPF) mà ở đó đội bóng của họ lại chính là các thành viên.

Chưa hết, họ lại đưa một vài ông bầu khác (như bầu Đức, bầu Thắng) vào Liên đoàn, cũng để quản lý giải đấu mà đội bóng của các ông bầu đó đang thi đấu. Và vì là lãnh đạo liên đoàn, nên các ông bầu đếu có tiếng nói với ĐTQG. Thế mới có chuyện, bầu Đức của HAGL lúc nào cũng lên báo yêu cầu lấy cầu thủ trong CLB của mình làm nòng cốt cho ĐTQG, thậm chí còn can thiệp vào công tác chuyên môn, đòi chọn HLV này (Hữu Thắng), đuổi HLV khác (Miura). Cứ như một gánh xiếc.

 - Bóng Đá

 Bầu Đức từng tuyên bố 'ăn chắc' HCV SEA Games 29.

Chưa hết lố bịch, bầu Đức còn mạnh mồm tuyên bố nếu ĐTQG không vô địch Seagames, thì cứ gọi ông là Đức “nổ”. ĐTQG thì đã thất bại mười mươi nhưng giờ thì chẳng còn ai buồn chấp vặt tuyên bố hài hước của bầu Đức làm gì. Vì đến đây người ta bắt đầu hiểu ra, bầu Đức chỉ nhân danh tình yêu bóng đá mà không thực sự coi trong kết quả cuối cùng. Đấy là bài học nhãn tiền cho những chuyên gia “bom mìn”.

Có thể nói, bóng đá Việt Nam giờ là một mớ “hổ lốn”. Nhiều năm qua, Liên đoàn đã thất bại trong việc tạo ra một đội tuyển mạnh, đủ sức để cạnh tranh huy chương tầm khu vực. Đưa vai trò đó cho các ông bầu, mà cụ thể là bầu Đức của HAGL, thì thực tế cũng chẳng khá hơn. Khi Thái Lan yếu đi, Singapore mạnh mẽ vươn lên, khi Singapore thoái trào, Malaysia nhanh chóng thay thế, rồi thì Philippines với chính sách cởi mở là nhập cầu thủ ngoại, cũng vô cùng thành công. Chỉ có Việt Nam là mãi mãi đì đẹt, không tự vượt qua bản thân mình, sao có thể vượt qua người?

Ryan Giggs kí hợp đồng với PVF có 2 năm, mà tuyên bố đưa ĐTVN vào World Cup… 2030 là một tuyên bố, kể cả là mang tính xã giao, đều rất thiếu chuyên nghiệp và khiêm tốn. Tầm một huyền thoại như Giggs mà chịu về làm giám đốc kĩ thuật của một tổ hợp bóng đá trẻ mới thành lập tại Việt Nam, thực tế mà nói, là bước khởi đầu không lấy gì làm vẻ vang.

 - Bóng Đá

 Bóng đá Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề. Ảnh: Duy Anh.

Ấy vậy mà rủi ro của Giggs lại rất cao nếu không thực sự hiểu “truyền thống lịch sử” và cách thức vận hành của nền bóng đá “không chịu phát triển” như Việt Nam, nơi các mối quan hệ Liên đoàn đan xen, nơi nhưng ông bầu nổ như pháo rang mỗi kì thi đấu, rồi sau đó thì “im thin thít và lặn mất tăm”. Giggs rõ là không thể so với Pep Guardiola, Luis Enrique hay Zinedine Zidane ở sự nghiệp quản lý và huấn luyện sau khi treo giày.

Chọn một đất nước xa xôi, với nền bóng đá mang đầy tính “đặc thù” lại chưa chắc đã an toàn. Vì chỉ cần lò PVF thất bại thôi, là tên tuổi của Giggs ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, lại có thể thành trò cười cho cầu thủ hay chọc ngoáy người khác như Baloteli. Hãy nhìn bầu Đức của HAGL! Giờ thì chẳng còn ai thấy ở bầu Đức hình ảnh một con người hết lòng vì bóng đá, bỏ cả núi tiền để xây nên một cơ nghiệp, rồi cống hiến nó cho ĐTQG.  Họ chỉ thấy ở đó một bầu Đức và một ĐTQG chưa bao giờ vô địch SEA Games, nói gì đến viễn cảnh một World Cup xa xôi. Giggs có thể rồi sẽ học được một bài học ở một nơi anh lần đầu bước chân vào nghề sau sự nghiệp quần đùi áo số huy hoàng. Chỉ hi vọng không quá xót xa, như bầu Đức của HAGL!

(Bạn đọc: Denny Trần)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

TinTheThao.com.vn - TTVN | 20:15 21/11/2017
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục