Môn vật hướng tới SEA Games 27: Khó khăn không ít - Hy vọng cũng nhiều

17:19 Thứ tư 27/11/2013

Tại kỳ SEA Games năm nay, môn vật chỉ đăng ký chỉ tiêu 6 HCV. Để hoàn thành và vượt qua chỉ tiêu đó không hề là điều dễ dàng cho các VĐV bộ môn này bởi yếu tố khách quan. Thành tích cao nhất của vật Việt Nam là giành 18 HCV tại SEA Games 22.

Cấn Tất Dự - niềm hy vọng giành HCV ở hạng 74 kg vật tự do

Sân chơi SEA Games vốn tồn tại không ít những câu chuyện dở khóc, dở cười bởi những điều lệ, quy định được các nước chủ nhà đưa ra mỗi khi tổ chức đại hội. Những khó khăn với vật Việt Nam đã sớm được dự báo khi những điều lệ, quy định của BTC nước chủ nhà đưa ra cùng công tác trọng tài vốn rất phức tạp từng khiến các đô vật Việt Nam không ít lần khóc hận.

Tại SEA Games 27 lần này, BTC đã đưa ra quyết định khống chế nội dung thi đấu. Trong tổng số 21 nội dung thi đấu thì mỗi nước chỉ được đăng ký 12 nội dung thi đấu (4 cổ điển nam, 4 tự do nam, 4 tự do nữ) và nực cười hơn khi còn khuyến cáo vì sự phát triển chung của môn vật tại khu vực thì những nước có truyền thống mạnh như Việt Nam chỉ nên đăng ký tham dự các hạng cân nhỏ và trung bình. Chính từ quyết định này đã khiến cánh cửa giành nhiều huy chương của Việt Nam bị bó hẹp lại rất nhiều. HLV trưởng đội tuyển vật Đới Đăng Hỷ cho dù tự tin với chỉ tiêu đặt ra nhưng cũng không khỏi lo lắng: "Ngoài việc BTC hạn chế số lượng đăng ký, không tổ chức thi nếu không có 3 VĐV đăng ký ở mỗi hạng cân thì việc họ cũng không cho phép đăng ký 1 VĐV dự bị như các kỳ SEA Games trước nên chỉ cần 1 VĐV chẳng may chấn thương trước khi thi đấu thì coi như mất luôn 1 hy vọng giành huy chương. Những quy định này thực sự gây khó khăn vì sân chơi khu vực luôn có những diễn biến khó lường”.

Một mối lo luôn thường trực với lãnh đạo cũng như VĐV môn vật khi thi đấu tại các kỳ SEA Games đó là sự thiếu công tâm và luôn gây bất công kể cả "bẻ” ngược kết quả của các trọng tài. Những tấn bi, hài kịch luôn đến với bộ môn vật tại sân chơi lớn nhất khu vực.

Những câu chuyện "bẻ” quyết định đáng xấu hổ của trọng tài tại "ao làng Đông Nam Á” liên tục xảy ra với các đô vật Việt Nam như Phan Đức Thắng (SEA Games 23 năm 2005), Lê Duy Hợi (SEA Games 24 năm 2007), Nguyễn Thị Lụa (SEA Games 25 năm 2009) và ngay tại SEA Games 26 lần trước là Lương Thị Quyên. Chắc ít người quên hình ảnh VĐV Lê Duy Hợi đã ngồi bệt xuống thảm đấu để phản đối trọng tài khi những nỗ lực của anh liên tục ghi điểm trước VĐV nước chủ nhà Surachet (Thái Lan) và lẽ ra anh phải giành chiến thắng 5-1 nhưng kết quả cuối cùng bị xử thua 1-3. NHM cũng không thể quên hình ảnh khóc tức tưởi của Nguyễn Thị Lụa bởi công sức tập luyện 2 năm trời của chị bị "đổ ra sông, ra biển” khi tất cả các đoàn đăng ký tham dự hạng cân 48kg ở SEA Games 25 năm 2009 tại Lào đều đồng loạt bỏ cuộc vào phút chót khi biết khó có thể giành HCV từ tay chị và khiến cả hạng cân này chỉ còn mỗi mình chị trong danh sách và nội dung này không thể tổ chức.

Tức tưởi không kém chính là Lương Thị Quyên tại SEA Games 26, sức mạnh được Quyên thể hiện rõ nét khi chiến thắng tất cả các đối thủ dễ dàng để đi tới trận chung kết gặp VĐV nước chủ nhà Ridha. Đã xác định tâm lý sẽ bị xử ép nhưng Quyên cũng chỉ biết ngồi bệt khóc như mưa cùng tấm HCB khi cho dù đã đè đối thủ lấm lưng trắng bụng nhưng tổ trọng tài vẫn làm ngơ. Hoàn toàn không thừa khi nhắc lại những câu chuyện cũ bởi SEA Games 27 này chắc chắn vật VN lại phải đối mặt với phi vụ "bẻ còi” nơi các trọng tài.

Tại SEA Games 27 này, vật Việt Nam sẽ tham dự với 15 VĐV và đặt chỉ tiêu 6 HCV. Đây là chỉ tiêu được cho là phù hợp nhằm tránh áp lực cho VĐV cũng như lường trước những "sự cố” nhiều khả năng sẽ lại tái diễn. Những người nòng cốt, giàu kinh nghiệm như Huy Hà, Thế Anh, Tất Dự, Nguyễn Thị Lụa, Phạm Thị Loan cùng VĐV trẻ Vũ Thị Hằng (HCB trẻ thế giới 2012, HCV châu Á 2013)… sẽ là những người được kỳ vọng.

Khánh Vy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục