* Phóng viên: Một số võ sĩ đến với quyền anh vì đam mê. Số còn lại xem võ đài khốc liệt này như một cái nghiệp để mưu sinh. Bằng thuộc trường hợp nào?
- Võ sỹ Lê Thị Bằng: Tôi nghĩ là cả hai. Tôi theo quyền anh trước tiên vì đam mê, muốn khám phá cái hay của môn võ còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Cũng chính quyền anh giúp tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên trong đời để phụ giúp bố mẹ, đỡ đần cho việc học của các em.
* Từng theo wushu trước khi gắn bó với quyền anh, Bằng có thể chia sẻ chút ít về cơ duyên đó?
- Trước đây tôi từng tập wushu, chuyên về taolu (biểu diễn). Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn tôi nhận ra wushu vẫn còn quá “nhẹ” với mình. Tôi còn chơi thêm cả bóng chuyền nhưng hình như cũng không có duyên.
Ban đầu tôi tập quyền anh vì sự hiếu kỳ. Nhưng dần dà một năm rồi hai năm, tôi nhận ra mình sinh ra là để giành cho môn thể thao này. Nếu bỏ quyền anh tôi cũng không biết mình phải làm gì nữa.
![]() |
Lê Thị Bằng hiện là nhà đương kim vô địch SEA Games hạng cân 54kg. Ảnh: Internet. |
* Với Bằng, việc tập luyện thường xuyên cùng các võ sĩ nam có ý nghĩa thế nào?
- Phải nói việc tập với đồng nghiệp nam rất khắc nghiệt. Họ nhanh nhẹn khiến tôi dính đòn nhiều như cơm bữa. Đó là chưa kể những vấn đề tế nhị khác như ăn ở, dinh dưỡng, …
Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Như anh biết thì các đối thủ từ Thái Lan và đặc biệt là Philippines rất mạnh. Tập lâu ngày với các võ sĩ nam, đổ máu, sưng mặt, mũi nhiều song cũng vì thế mà phản xạ và sức chịu đựng của tôi được cải thiện đáng kể. Đặc biệt khi vào trận tôi thấy mình tự tin hẳn lên.
* Theo môn đối kháng mạnh mẽ như quyền anh, Bằng hẳn trải qua nhiều chấn thương?
- Phải nói là cực kỳ thường xuyên mới đúng. Nhiều nhất vẫn là chảy máu mũi, bong gân nhưng những lúc như thế phải nén đau đấu tiếp vì dừng lại có nghĩa là mình đã thua cuộc.
* Trước khi lên đường dự SEA Games Bằng có bao giờ tự nhủ mình phải giành HCV để đỡ đần gia đình, lo cho bố mẹ và các anh chị em không?
- Tuyệt nhiên không. Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình nên giành HCV để làm rạng danh quyền anh Việt Nam, đáp lại công tình dạy dỗ của các thầy trong hai năm qua. Đồng thời cũng như một món quà cho gia đình, bạn bè và những người luôn sát cánh ủng hộ mình.
* Vậy có bao giờ những cơn đau khiến bạn tự nhủ mình phải rời xa võ đài?
- Trước ASIAD 2014 tôi trải qua một chấn thương khá nặng ở vai. Lúc đó đứng ngoài nhìn mọi người háo hức tập bản thân tôi khó chịu lắm lắm.
Đó cũng là thời điểm mà trong đầu tôi tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi. Chẳng hạn liệu bao giờ mình khỏi chấn thương, rồi sau khi lành liệu mình có thể tiếp tục thi đấu nữa hay không. Tôi nghĩ nếu bỏ cuộc mọi cố gắng chỉ còn là con số 0 tròn trĩnh. Cứ thế có điều gì đó thôi thúc tôi phải cố gắng, phải nhìn về tương lai.
![]() |
Người đẹp 22 tuổi xuất hiện trên một ấn phẩm chuyên về thể thao hồi tháng trước. Ảnh: Chí Tuyên. |
* Quyền anh đã lấy đi không ít mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của Bằng. Vậy quyền anh cho bạn những gì?
- Quyền anh với tôi không phải là sự đánh đổi. Nó là một cuộc chiến. Ở đó khi bạn chiến đấu đến giây phút cuối cùng để giành chiến thắng thì phần thưởng sẽ là sự vinh quang. Tôi quan niệm đây cũng là cái nghề của mình. Dù khổ đau, sung sướng hay thất bại tôi vẫn gắn bó và chấp nhận hết.
* Với Bằng, giữa việc chịu đau, chịu khổ vì dính đòn nhiều so với lời dị nghị kiểu như “con gái mà theo quyền anh”, cái nào khiến bạn thấy sợ hơn?
- Tôi thấy cả hai thứ đó đều không có gì đáng sợ cả. Những lần đổ máu trên sàn tập giúp tôi trui rèn bản lĩnh. Điều tiếng cũng từng đối diện không ít nhưng sau mỗi lần như thế tôi thấy mình lớn hơn rất nhiều trong cách sống, cách nghĩ.
Quyền anh bản thân nó vốn đã khắc nghiệt với nam giới. Phụ nữ khi theo bộ môn này đôi khi thiệt thòi gấp bội. Thế nên thay vì có cái nhìn khắt khe tôi chỉ mong người hâm mộ cởi mở hơn khi nhìn nhận vấn đề bởi không phải con gái cứ đấm đá là mất hết vẻ nữ tính.
* Nhân chuyện Bằng nói đến sự nữ tính, tôi muốn biết nữ tính trong quan niệm của Bằng là thế nào ?
- Nữ tính đôi khi không phải cứ đi đứng nhẹ nhàng, ăn nói yểu điệu thục nữ. Với tôi nữ tính là cá tính và đó là cái “chất” cần có của một võ sĩ. Tôi chơi quyền anh nhưng vẫn để tóc dài, đó cũng là một cách để thể hiện sự nữ tính.
* Tại SEA Games năm nay Bằng trải qua hai trận thắng quan trọng, một trước nhà ĐKVĐ SEA Games người Thái Lan Laopeam Peamwilai ở trận mở màn, một trước đối thủ Philippines Petecio Nesthy vượt trội về thể hình ở chung kết, đâu là chiến thắng ý nghĩa hơn?
- Tôi nghĩ là trận với đối thủ Thái Lan vì chúng tôi có rất nhiều “duyên nợ”. SEA Games 27 cách đây hai năm tôi từng bị xử thua Peamwilai dù trình độ không thua kém. Trước SEA Games 28 tôi gặp lại VĐV này ở Cúp Tổng thống ở Indonesia và kịch bản đó tiếp tục lặp lại. Hai trận thua đã qua khiến tôi rất quyết tâm, tôi tự nhủ «quá tam ba bận », mình phải thắng và sự quyết tâm đã giúp tôi làm nên kỳ tích.
* Thử làm một phép so sánh về tấm HCĐ ASIAD Incheon năm ngoái và HCV SEA Games năm nay. Đâu là tấm huy chương danh giá hơn với Bằng?
- Nhiều người nghĩ cứ phải HCV danh tiếng hơn nhưng bản thân tôi nghĩ tấm HCĐ năm ngoái nhiều ý nghĩa hơn. Dù chỉ về hạng ba ở ASIAD nhưng đó là đấu trường lớn và những lần lên đài như thế giúp tôi ít nhiều khắc phục được nhược điểm và phát huy tối đa điểm mạnh trong lối đánh của mình.
![]() |
Mục tiêu của Lê Thị Bằng vẫn là giành vé dự Olympic 2016. Ảnh: Internet. |
*Người hâm mộ đã quá quen với hình ảnh một Lê Thị Bằng dũng mãnh, quyết đoán trên võ đài. Còn Lê Thị Bằng của cuộc sống thường ngày có gì giống và khác một Lê Thị Bằng võ sĩ?
- Nhiều người nói tôi “lỳ” nhưng bản thân tôi lại thấy mình hiền (cười). Tất nhiên khi lên võ đài tôi buộc phải "lỳ" để đối thủ biết mình không phải người dễ bắt nạt.
* Bằng giải trí thế nào ngoài những giờ luyện “vàng” trên võ đài?
- Tôi nghe nhạc và rất thích xem phim hoạt hình.
* Nếu có lời mời gia nhập showbiz Bằng có đồng ý?
Không. Tôi thẳng tính, không thích bon chen. Môi trường đó không hợp với tôi.
* Tuổi nghề của quyền anh không dài, đặc biệt là với võ sĩ nữ. Bằng đã có kế hoạch nào cho tương lai chưa ?
- Trước mắt tôi sẽ cải thiện hơn nữa về mặt chuyên môn để đạt thành tích cao hơn tại sân chơi châu lục sau tấm HCĐ ASIAD năm ngoái. Mục tiêu lớn tiếp theo là giành vé tham dự Olympic Rio 2016 tại Brazil.
Về lâu dài, tôi mong muốn làm một công việc gì đó liên quan đến quyền anh sau khi giải nghệ, chắc là huấn luyện. Tôi muốn góp một phần công sức vào việc tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ cho quyền anh Việt Nam.