Suýt chết đuối khi học bơi
* Chào Quang Nhật. Nhiều người đang rất muốn biết em đã đến với bơi lội thế nào?
- Bơi lội đến với em không theo một sự sắp đặt nào cả. Hồi 3 tuổi và mới đi học mầm non, có thầy ở trung tâm Kỳ Đồng, Quận 3 qua dạy và thấy em “dạn” nước nhất trong lớp nên đã đề nghị bố mẹ cho em tập thử. Em bắt đầu học bơi từ đó.
* Kỷ niệm nào khi đến với môn bơi mà em nhớ nhất?
- Đó là một lần suýt chết đuối. Em nhớ không lầm là năm 4 tuổi, người thầy đầu tiên đi nghĩa vụ quân sự và giao em cho một thầy khác. Đó là thời điểm em chỉ mới tập đứng nước nhưng thầy mới cứ ngỡ là em đã được dạy bơi nên cho xuống hồ lớn. Hậu quả là em chìm nghỉm nhưng rất may được “vớt” lên kịp thời. (cười lớn).
![]() |
Quang Nhật và tấm HCV SEA Games ở tuổi 16. |
* Vậy còn cuộc thi đầu tiên mà em tham dự?
- Cuộc thi “lớn” đầu tiên trong cuộc đời em là giải đấu dành cho những tay bơi nhí ở các trường mầm non. Khi đó em 5 tuổi và may mắn về nhất.
* Bắt đầu từ thời điểm nào thì em được chon vào đội tuyển năng khiếu thành phố?
- Khi có được một chút thành tích ở các giải trẻ thì em được các thầy cô mời vào tham gia tập luyện cùng đội tuyển từ năm 12 tuổi.
Tuy nhiên đó là thời điểm mà em chưa định hình gì về việc sẽ theo bơi lội cả. Mục đích chính của em vẫn là học văn hóa và hoàn thành tốt chương trình trung học. Khoảng chừng 2 năm sau đó, khi cảm thấy thành tích được cải thiện qua các giải thì em mới nhận ra bơi chính là đam mê lớn nhất của mình.
* Một ngày của kình ngư Quang Nhật bắt đầu và kết thúc thế nào?
- Lịch trình trong một tuần của em là sáng tập từ 6 giờ 30 đến 10 giờ 30. Chiều tập từ 2 giờ 30 đến 5h00. Sau đó là thời gian học văn hóa kéo dài đến khoảng 8 giờ tối.
* Được biết gia đình không có truyền thống thể thao. Vậy bố mẹ phản ứng thế nào khi em quyết định theo nghiệp VĐV?
- May mắn là cho tới thời điểm này gia đình vẫn luôn sát cánh và ủng hộ em.
Thử thách lớn nhất là chính mình
* Tại sao Quang Nhật lại chọn nội dung sở trường là 1.500 thay vì những cự ly “danh giá” như 50m, 100m hay 200m chẳng hạn?
- Trong bơi lội việc thi đấu ở cự ly nào đôi khi mình không thể tự quyết định được. Em không có lợi thế về thể hình nên ngay từ những ngày đầu các thầy đã hướng em bơi 1.500m thay vì những nội dung đòi hỏi chiều cao tốt và sải tay dài như 50m, 100m hay 200m…
![]() |
Quang Nhật hiện là hy vọng lớn nhất của bơi lội VN ở nội dung 1.500m. Ảnh: Internet |
* Theo Nhật đâu là khó khăn lớn nhất mà một kình ngư bơi “đường trường” phải đối diện so với các cự ly ngắn và trung bình?
Em nghĩ đó phải là một người có sức bền đáng nể.
* Giữa sức bền và kỹ thuật, đâu là yếu tố quyết định sự thành công ở các cự ly dài?
- Hai yếu tố này đều quan trọng nhưng có lẽ kỹ thuật quan trọng hơn một chút. Vì có sức bền mà không có kỹ thuật thì không thể trở thành một VĐV giỏi được.
* Quang Nhật có trải qua chấn thương nào lớn chưa?
- Hình như là chưa. Tuy nhiên có một thời gian dài em bị đau lưng vì tập luyện không đúng cách. Ngoài lề chút là sau SEA Games năm ngoái, em không may bị tai nạn gãy tay và phải nghỉ tập hơn 1 tháng. Tuy nhiên trong cái rủi có cái may, sau đó dưới sự hướng dẫn của các thầy cô em đã có thể trở lại với giáo án bình thường.
* Quang Nhật có thể tiết lộ đâu là hạn chế, ưu điểm lớn nhất hiện nay của bạn?
- Các thầy đánh giá em vẫn còn thiếu kinh nghiệm khi thi đấu quốc tế, nhưng điều đó có thể cải thiện được theo thời gian. Còn ưu điểm lớn nhất, có lẽ em là một kình ngư với ý chí cao.
* Tiếc nuối lớn nhất của Quang Nhật cho tới lúc này khi tham dự các giải quốc tế?
- Mỗi khi bước vào một cuộc chơi thì em luôn cố gắng để thể hiện hết khả năng của bản thân. Trong suy nghĩ của em thì thử thách lớn nhất là chính mình. Thế nên cải thiện được kỷ lục cá nhân cũng đã là một thành công. Còn những lần không có huy chương, tất nhiên là hơi buồn nhưng đó là những bài học quý giá cho tương lai sau này.
Mong được như Quý Phước, Ánh Viên
* Việc phải đối diện với rất nhiều đối thủ hàng đầu châu lục tại ASIAD 17 vừa qua liệu có khiến Quang Nhật bị choáng ngợp?
Mục tiêu ngay từ ban đầu khi đến ASIAD của em đã là học hỏi. Một VĐV trẻ như em thì cần nhiều hơn những sân chơi như vậy để thử lửa. Em nghĩ qua những giải như ASIAD mình sẽ trưởng thành nhiều hơn thay vì cảm thấy bị choáng ngợp hay “nhụt chí”.
* Vậy thành tích về đích thứ 7/8 VĐV ở lượt bơi chung kết 1.500m tự do tại ASIAD có khiến bản thân em cảm thấy thất vọng?
Thật ra dù chỉ đứng thứ 7 nhưng em đã vượt qua được chính mình. Ở ASIAD vừa rồi em đạt thành tích 15 phút 33 giây 21, tức đã rút ngắn gần 6 giây so với chiếc HCV SEA Games năm ngoái rồi. Em hoàn toàn hài lòng về màn trình diễn của mình.
* Quay lại quá khứ một chút. Tấm HCV cự ly 1.500m mà Nhật giành được tại SEA Games năm ngoái (15 phút 39 giây 44) với các nhà chuyên môn là một bất ngờ. Còn với bản thân em thì sao?
- Với em thì đó là một thành quả nằm ngoài cả sự mong đợi. Xét về thành tích cá nhân trước giải thì em chỉ xếp thứ 5 so với các đối thủ Malaysia, Singapore và Thái Lan. Mục tiêu của em vì thế cũng chỉ là cố gắng tranh chấp vị trí thứ 3, nhưng xuống đường bơi rồi thì mọi lo lắng biến mất, em bơi mà không phải đối diện với bất kỳ áp lực nào.
* Nổi tiếng hơn đồng nghĩa với việc áp lực sẽ cao hơn. Với Quang Nhật thì đâu là áp lực lớn nhất mà em phải đối mặt sau chiếc HCV lịch sử ở SEA Games 2013?
- Thật ra em chưa phải là người nổi tiếng đâu (cười). Nhưng thông thường thì cái gì cũng có 2 mặt của nó. Thành tích tại SEA Games năm ngoái giúp em được đầu tư bài bản hơn nhưng cũng vì thế mà áp lực cao hơn rất nhiều.
Trước đây, chẳng ai biết Lâm Quang Nhật là ai và có lẽ cũng vì vậy mà em không bị “soi” hay để ý quá kỹ. Còn sau chiếc HCV, truyền thông lẫn người hâm mộ đặt kỳ vọng cao hơn ở những sân chơi mình tham dự nên đôi khi áp lực thành tích đè nặng. Có lẽ đó cũng là điều mà những VĐV trẻ như em đang gặp phải.
* Thần tượng lớn nhất trên đường đua xanh của Quang Nhật là ai?
- Em rất ngưỡng mộ Quý Phước và Ánh Viên vì những gì họ đã làm cho bơi lội Việt Nam tại khu vực. Đó là hai tấm gương sáng mà em thấy mình phải luôn luôn cần học hỏi.
* Giành HCV SEA Games khi mới 16 tuổi và được dự ASIAD lần đầu năm 17 tuổi. Liệu tấm vé đến Olympic Rio 2016 có phải là mục tiêu lớn nhất mà Quang Nhật đang phấn đấu?
- Olympic luôn là mục tiêu hàng đầu trong sự nghiệp của em. Tuy nhiên đó là chuyện đường dài, còn hiện tại em sẽ cố hết sức trong tập luyện để cải thiện thành tích cá nhân ở mức tốt nhất có thể.