1.Khi Hữu Thắng kêu gọi giới truyền thông đừng thổi cầu thủ của mình lên mây xanh, rõ ràng đấy là sự tỉnh táo cần thiết. Dù sao đi nữa, cuộc so giày với CHDCND Triều Tiên mới chỉ là bước chạy đà, một trận giao hữu thuần tuý. Chưa có gì quá bay bổng để tiếp tục lâng lâng trên mây, trong khi tuyển Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Hữu Thắng đã làm những gì cần làm của một ông thầy có kinh nghiệm. Học trò chơi thăng hoa, bàn thắng dồn dập. Cảm giác thăng hoa như vậy, không phải ai cũng giữ được sự bình tĩnh cần thiết. Còn Hữu Thắng thì biết cách tiết chế, kéo mình về thực tại rằng còn một chặng đường dài để bước đi, trải nghiệm.
Tất cả những gì Hữu Thắng làm được ở Thống Nhất cho ra kết quả: tuyển Việt Nam chạy đà đúng hướng, từ cách gạn lọc con người hay sử dụng trong từng thời điểm. Tại sao Công Phượng không có suất đá chính, ngược lại là bộ đôi Xuân Trường- Tuấn Anh được trao trọng trách? Cỗ máy của tuyển Việt Nam, với rất nhiều lời đồn thổi là đội bóng “Nghệ Tĩnh mở rộng” đã chơi thứ bóng đá cống hiến và quan trọng là thoả mãn khán giả?
2. Câu trả lời của Hữu Thắng từ trận thắng CHDCND Triều Tiên không chỉ đến từ màn trình diễn xuất sắc của Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Thanh. Ngược lại, nó được khẳng định từ việc kiên quyết cất Công Phượng ngồi dự bị. Con người được nhìn nhận đúng năng lực, sử dụng và phát huy đúng chỗ, đấy mới là yếu tố then chốt cho cỗ máy tuyển Việt Nam chạy thật trơn tru.
Rõ ràng giữa Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường đều có điểm giống nhau khi trở về khoác áo đội tuyển: bộ ba này bị đày trên ghế dự bị tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng Hữu Thắng chỉ sử dụng bộ đôi tiền vệ đá chính, thay vì chọn cái tên hot nhất là Công Phượng. Chẳng phải vị trí của Phượng còn có Công Vinh xếp chỗ, cũng chẳng phải vì tuyển Việt Nam đang thiếu người ở khu trung tuyến. Còn rất nhiều chọn lựa khác để Hữu Thắng có đường binh hợp lý, thậm chí sáng nước hơn rất nhiều.
Chuỗi áp lực, tò mò hay soi mói đổ vào cái tên Công Phượng dường như thôi thúc cho Hữu Thắng quyết đi theo lựa chọn của mình. Công Phượng không đá chính, nhưng 2 người đồng đội xuất thân từ lò HAGL được trọng dụng và toả sáng. Con người được phát huy đúng nơi, đúng chỗ. Và việc Tuấn Anh, Xuân Trường, thậm chí cả “lão tướng” Công Vinh cùng lúc nổ súng đã chứng minh, Hữu Thắng xứng đáng được ngả mũ vì sự tinh tế khi chọn người để sử dụng ở thời điểm thích hợp.
3. Người ta sẽ đặt dấu hỏi cho Công Phượng trong chiến dịch AFF Cup lần này: chân sút của Mito Hollyhock chỉ giữ vai trò “chim mồi”, lôi cuốn sự chú ý để Hữu Thắng và những cái tên khác thảnh thơi làm việc? Cách Hữu Thắng sử dụng Công Phượng phần nào giống với HLV Miura trong thời điểm chuẩn bị cho SEA Games 2015. Phượng bị đẩy lên và làm quen với ghế dự bị, trước khi trở thành một trong những cái tên không thể thiếu trong đội hình U23 Việt Nam trên đất Singapore.
Hẳn nhiên là với cái tên nóng nhất của bóng đá Việt Nam lúc này, không dễ để sử dụng và phát huy một cách hoàn hảo nhất. Hữu Thắng cân đối giữa từng thời điểm, và chí ít những gì bày biện trên sân Thống Nhất, đặc biệt là cách sử dụng Công Phượng và bộ đôi Xuân Trường, Tuấn Anh, đã cho đáp số thật hoàn hảo.
Công Phượng bị gạt ra khỏi vị trí trung tâm khi tuyển Việt Nam thăng hoa trước CHDCND Triều Tiên. Dẫu vậy, với sự tinh tế trong cách dụng nhân của Hữu Thắng, hãy cứ tin Phượng vẫn là một át chủ trong chiến dịch đường dài ở AFF Cup 2016.