HLV đội tuyển quốc gia - Ngoại hay nội? Bài 2: Những phép thử tai hại

13:33 Chủ nhật 30/03/2014

Trong vòng 2 năm (2012 - 2013), VFF đã sử dụng 3 HLV nội (bao gồm cả ông Nguyễn Văn Sỹ làm HLV tạm quyền tại vòng loại Asian Cup). Kết quả vẫn là con số 0 nếu không nói là thành tích còn tệ hại hơn. Chúng ta có một vòng loại Asian Cup kém nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên kể từ SEA Games 2001, đội U.23 bị loại từ vòng bảng. Lần đầu tiên từ 2004, đội tuyển dừng chân tại vòng bảng.

Quyết định vội vàng

Có 2 lý do để VFF kiên quyết chọn HLV nội. Đầu tiên là thất bại tại SEA Games 26 khi đội U.23 được dẫn dắt bởi HLV ngoại có đẳng cấp cao nhất từ trước đến nay (HLV F.Goetz từng là nhà cầm quân tại Bundesliga).

Theo ý kiến của nhiều người, tầm ông F.Goetz là “kịch trần” nên không thành công coi như là “hết cửa”. Thứ hai, VFF cho rằng các HLV nội cũng đã có thành tích tốt trong quãng thời gian sử dụng HLV ngoại nên đã đến lúc, người Việt dùng hàng Việt.

Hai nguyên nhân trên đều không đúng. Nhiệm vụ chính của ông F.Goetz là đội tuyển quốc gia và việc ông đưa U.23 vào bán kết SEA Games 26 cũng không thể xem là thất bại nếu xét trên chất lượng cầu thủ trẻ Việt Nam hiện nay.

Hợp đồng 3 năm mà mới 6 tháng đã sa thải thì không phù hợp với vị trí của HLV đội tuyển quốc gia nếu chúng ta xét theo thông lệ quốc tế.

HLV Hoàng Văn Phúc - một trong những “phép thử” tai hại của VFF. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Kế đến, việc HLV nội có thành công là một cách nhìn phiến diện. Trong thời gian gần 20 năm dùng HLV ngoại, mới chỉ có ông Mai Đức Chung giúp đội U.23 chơi tốt tại vòng loại World Cup 2010.

Tuy nhiên, khi đó Calisto mới là HLV trưởng còn ông Chung chỉ là người thế vai. Cũng dưới thời Calisto, các trợ lý khác của ông như Lê Huỳnh Đức hay Phan Thanh Hùng đều để lại ấn tượng ở Cúp TPHCM cũng như Asiad 2010.

Tuy nhiên, thành công đó luôn nằm trong cái bóng của Calisto. Nói cách khác, các HLV nội kể trên có thành công cũng vì mọi trách nhiệm đã có Calisto chịu hết. Những kiểu thành công ít chịu áp lực đó không nên được đánh giá quá cao bởi bản chất của HLV đội tuyển là chịu áp lực thành tích ghê gớm.

Chuyên trách hay kiêm nhiệm?

Năm 1997, sau khi sa thải HLV Weigang, VFF từng trao quyền cho ông Trần Duy Long cầm quân tại vòng loại World Cup 1998 và cũng chỉ 2 tháng sau, buộc phải sa thải do thành tích kém cỏi ở vòng loại. Kể từ đó, chưa bao giờ HLV nội được xem là chọn lựa tối ưu. Vì vậy, khi dùng HLV nội, VFF luôn đặt trong trạng thái đó là một phép thử chứ không phải là lựa chọn của họ.

HLV Phan Thanh Hùng là ví dụ. VFF chấp nhận để ông kiêm nhiệm công việc tại Hà Nội T&T, đổi lại bằng bản hợp đồng ngắn hạn 1 năm. Vì lẽ đó, chỉ vì thất bại tại AFF Cup 2012, VFF nhanh chóng quay lưng với ông Hùng dù cũng chính họ đánh giá HLV người Đà Nẵng này đã có những dấu ấn nhất định, vực dậy đội tuyển vốn rệu rã sau thời F.Goetz.

HLV Hoàng Văn Phúc cũng là một “phép thử” khác. Họ để ông thử việc tại các trận đầu tiên của vòng loại Asian Cup, đến nửa năm sau mới chịu ký hợp đồng chính thức nhưng lại ở dạng nhân viên của họ, tức là làm việc theo nghĩa vụ và sự phân công. Đây là lý do mà ông Phúc chủ yếu làm ở đội U.23, công việc tại đội tuyển lại giao cho trợ lý Nguyễn Văn Sỹ.

Chỉ riêng chuyện “chuyên trách hay kiêm nhiệm” mà trong 2 năm qua, VFF liên tục thay đổi quan điểm khiến vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia ngày càng trở nên quá rủi ro đối với các HLV nội. Không có gì bảo đảm trừ khi HLV đó đang thất nghiệp. Mà tại Việt Nam, ngay những ông già ngấp nghé 70 tuổi như Trần Bình Sự, Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng… vẫn đang có việc làm ổn định, đủ thấy những người thất nghiệp ở trình độ nào.
Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục