Sau một kỳ AFF Cup không tận dụng được những lần hiếm hoi được sử dụng, Công Phượng quay về giải đấu “quen thuộc” U21 Quốc tế với nhiều kỳ vọng của người hâm mộ về một sự bùng nổ. Nhưng không, anh tiếp tục phong cách chơi bóng có phần quá cá nhân của mình, trong khi khả năng đột phá cá nhân bị cùn mòn đi đáng kể, cộng với trình độ của các đối thủ lên cao, đã dẫn đến một sự bế tắc đáng quan ngại cho cầu thủ này.
Việc Công Phượng mất cảm giác bóng do ít được thi đấu bên Nhật cũng là một nguyên nhân cho tình trạng trên, nhưng nếu trong thời gian tới, ở V-League, anh được vào sân thường xuyên hơn và cảm giác bóng quay trở lại thì liệu vấn đề có được giải quyết? E rằng là không. Cái cần thiết phải thay đổi ở đây trước hết là tư duy chơi bóng của Công Phượng.
Trở ngược lại một chút về quá khứ, ở kỳ SEA Games năm 2015, có thể thấy khi Công Phượng chơi bóng, tuy vẫn còn những pha xử lý cá nhân, nhưng nhìn chung nó hiệu quả hơn hiện tại khá nhiều. Tại sao lại có sự hiệu quả đó, bởi vì lúc đó đội U23 và đội tuyển quốc gia đang nằm dưới quyền chỉ đạo của ông Toshiya Miura. Một người Nhật từng du học Đức đã đưa tính kỷ luật rất cao vào các đội tuyển, ở nơi ông nắm quyền, các công thần, cầu thủ dày dạn kinh nghiệm cỡ như Công Vinh hay Tấn Tài, nếu cần thiết cũng phải ngồi ngoài. Không có ngôi sao ở các đội tuyển vào thời điểm đó.
Tuy ông Miura thất bại ở Việt Nam và bị chỉ trích khá nhiều, nhưng ông đã thành công khi tạo nên một đội tuyển tuân thủ kỷ luật chiến thuật rất tốt. Sự nghiêm khắc của Miura không những giúp cho Công Phượng chơi hiệu quả hơn, mà một cầu thủ khác vốn cũng nổi tiếng chơi “màu mè” trên sân là Phi Sơn cũng đã “vào khuôn khổ”. Tiếc là sau khi ông thầy người Nhật từ giã Việt Nam, vài cầu thủ cũng mất đi tính kỷ luật của mình.
Hãy nhìn Công Phượng ở giải U21 Quốc tế, gần như cứ hễ có bóng là anh đột phá, hay ít nhất cũng phải xử lý qua rất nhiều chạm mới chuyền bóng dù đồng đội có vị trí thuận lợi. Sự cá nhân của anh gần như không được chấn chỉnh qua bốn trận đấu tại giải đấu này. Muốn “cứu” Công Phượng, dứt khoát phải đưa anh vào khuôn khổ kỷ luật, tính đồng đội phải được đưa lên hàng đầu và Phượng bắt buộc phải hiểu rằng anh không thể chơi bóng như cũ.
Nhưng liệu ban huấn luyện HAGL có thể làm được điều đó hay không? Trong mùa giải 2017 này, HAGL có hai ngoại binh ở vị trí tiền vệ trung tâm và trung vệ, không có ngoại binh hay cầu thủ nhập tịch ở hàng tiền đạo. Điều đó đồng nghĩa với việc Công Phượng, với tư cách là cầu thủ dày dạn kinh nghiệm nhất, tài năng nhất, sẽ trở thành một dạng cầu thủ không thể thay thế nơi hàng công của đội bóng phố Núi.
Ban huấn luyện của HAGL, dưới áp lực thành tích, áp lực của người hâm mộ, có “dám” để ngôi sao của mình ngồi ngoài vài trận nếu anh ta chơi quá cá nhân, không tuân thủ đấu pháp hay không? Và còn người lãnh đạo cao nhất ở HAGL nữa, liệu ông có muốn “thương cho roi cho vọt” với cầu thủ con cưng của mình?
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam