![]() |
Tiếp nhiên liệu là một phần quan trọng tại các chặng đua F1. Ảnh: Internet. |
Khởi điểm của vấn đề nhiên liệu trong F1 cũng gần giống như hiện tại, pit-stop chỉ phục vụ thay lốp chứ không tiếp nhiên liệu. Các quy định hồi đó cũng không cấm hay cho phép việc này và có lẽ cũng chẳng đội ngũ kỹ thuật nào tính đến phương án này.
Năm 1957, lần đầu tiên đội đua Maserati cố ý sử dụng chiến thuật này trong chặng đua German GP tại đường đua Nürburgring. Trong chặng đua này, Juan Manuel Fangio (tay đua huyền thoại người Argentina từng sở hữu 5 chức VĐTG, đã qua đời năm 1995 lúc ông 84 tuổi) đã quyết định xuất phát với 1/2 lượng xăng tối đa và thực hiện lần pit-stop giữa cuộc đua để tiếp xăng đồng thời với thay lốp.
![]() |
Bernie Ecclestone và Jean Todt – hai nhân vật chủ chốt của “Nhóm chiến lược”. Ảnh: Internet. |
Nhưng hành động này không được quá chú ý bởi ông đã xuất phát từ vị trí pole, thực tế diễn biến chặng đua cho thấy ông chỉ vượt lên ở những vòng cuối nhờ chiến thuật này do sau khi xuất phát rơi xuống vị trí thứ 3. Tại thời điểm đó, ai cũng nghĩ ông Fangio sẽ dễ dàng có được chiến thắng nên không ai quan tâm đến sự khác biệt của việc tiếp nhiên liệu trong chặng đua và lãng quên nó trong quãng thời gian 25 năm sau đó.
![]() |
Tiếp nhiên liệu “tự phát” của đội đua Brabham F1 năm 1982. Ảnh: Internet. |
Mãi đến năm 1982, tại chặng đua Austrian GP, đội đua Brabham đã tính toán đến phương thức tiếp nhiên liệu trong cuộc đua một cách thực sự nghiêm túc. Tại thời điểm đó chiếc Brabham BT50 đang có hiệu suất kém, thiết kế trưởng Gordon Murray đã tính toán rằng nếu chạy với chiếc xe có một nửa nhiên liệu, dung tích thùng chứa xăng bé hơn, lốp xe sẽ chịu tải trọng nhỏ hơn sẽ giúp chiếc xe nhanh hơn trên đường chạy để cải thiện thành tích.
Lần đầu tiên một chiếc xe F1 được thiết kế có chủ ý với bình chứa có dung tích nhỏ hơn cho chiến thuật tiếp nhiên liệu giữa chặng đua, và ngay sau đó năm 1983 đã có một số đội đua áp dụng phương án mới này trên chiếc xe của họ.
Xuất phát từ hành động tự phát của các đội đua, đến năm 1984 tất cả các hình thức tiếp nhiên liệu đã bị FIA cấm, đồng thời điều chỉnh nhiên liệu tối đa cho 1 cuộc đua giảm từ 250 lít xuống còn 220 lít và tiếp tục giảm xuống 195 lít vào năm 1985. Các quy định hạn chế này được đưa ra bởi đây là giai đoạn mà hiệu suất động cơ phát triển với tốc độ cao nên giảm tổng lượng nhiện liệu tiêu thụ sẽ làm kiềm chế gia tăng sức mạnh động cơ.
Những năm đầu thập kỷ 90 là giai đoạn Williams thống trị F1 với 2 chức vô địch liên tiếp và vượt trội mọi đối thủ. FIA thấy cần thay đổi quy định của mình để cho các cuộc đua tăng thêm tính hấp dẫn. Sự thay đổi lớn nhất năm 1994 chính là việc tiếp nhiên liệu trong chặng đua. Mặc dù cuối mùa Williams vẫn là đội vô địch đồng đội, nhưng chức vô địch cá nhân không thuộc về họ mà nguyên nhân chính một phần ảnh hưởng bởi quy định mới này. Kể từ đây chiến thuật pit-stop không đơn thuần chỉ là thay lốp mà nó bước lên một tầm cao mới.
![]() |
Kể từ 1994, việc tiếp xăng giữa chặng đua là một phần của F1. Ảnh: Internet. |
Ngay cuộc đua đầu tiên của mùa giải, Michael Schumacher của Benetton mặc dù không thể vượt được Ayrton Senna – Williams trên đường đua những nhờ chiến thuật xăng-lốp linh hoạt đã vượt mặt đối thủ sau những lần pit-stop. Tải trọng xe nhẹ hơn ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tổng thể, khi áp dụng quy định mới này nó đã đặt ra cho các đội đua một phạm vi áp dụng chiến thuật hoàn toàn mới. Kể từ thời điểm này, chiến thuật pit-stop có tính chiến lược và quan trọng ngang hiệu suất và tốc độ chiếc xe đua Thể thức 1.
Từ quy định mới, các nhân viên kỹ thuật của đội đua phải được trang bị đồng phục chống cháy, mũ của nhân viên trực tiếp bơm nhiên liệu phải có hỗ trợ cung cấp dưỡng khí độc lập và riêng biệt, các đội đua phải trang bị hệ thống chữa cháy đủ năng lực bên cạnh chiếc xe trong suốt quá trình tiếp nhiên liệu. Hệ thống tiếp xăng được cung cấp bởi một công ty của Pháp đã được FIA chấp thuận.
Nhiên liệu trong hệ thống tiếp xăng được làm lạnh với nhiệt độ tối thiểu là 10˚C, được nén để cho phép dòng chảy có tốc độ nhanh hơn nhưng không được vượt quá lưu lượng 12,1 lít/giây (vượt quá tốc độ này bị coi là phạm luật). FIA có thể lấy mẫu bất kỳ 1 lít nhiên liệu tại bất cứ thời điểm nào để kiểm tra xem tính hợp pháp và giống nguyên mẫu đã được cung cấp bởi nhà cung cấp được chỉ định hay không.
Chiến thuật pit-stop kết hợp xăng-lốp được các đội đua áp dụng đẩy lên một tầm cao mới đầu những năm 2000, khi lựa chọn những phương án khác nhau về nhiên liệu trong đợt chạy phân hạng. Điển hình là các đội đua Red Bull, Renault và Toyota luôn chạy phân hạng với bình xăng nhẹ nhất có thể để phá thế độc tôn trong phân hạng của Ferrari và McLaren. Mặc dù các đội đua này không bao giờ đạt được kết quả cao nhất trong cuộc đua chính thức bởi họ sẽ phải thực hiện lần pit-stop từ rất sớm ngay khi cuộc đua bắt đầu, nhưng ít nhất họ cũng đã giúp cho vòng đua phân hạng trở nên kịch tính và khó đoán định hơn bao giờ hết!
* Mời các bạn đón xem "Phần 2: Bài toán chiến thuật pit-stop"