Dấu ấn phụ nữ tại Olympic London

14:42 Thứ ba 14/08/2012

Ba trong số năm đoàn thể thao quốc gia lớn nhất – Mỹ, Trung Quốc và Nga – đưa đến London số VĐV nữ đông hơn nam. Các gương mặt nữ đã không làm cho đội nhà phải thất vọng.

  Wojdan Shaherkani đang tranh tài ở môn judo - Ảnh: AFP

Các vận động viên nữ đã để lại dấu ấn sâu đậm của mình tại Olympic 2012 ở London, lần đầu tiên phụ nữ có mặt trong tất cả 204 đội tuyển quốc gia và tranh tài tại toàn bộ 26 môn thể thao.

Sự tham gia Olympic của các vận động viên nữ đầu tiên từ các nước Hồi giáo bảo thủ như Saudi Arabia, Brunei và Qatar, được nhiều người xem như cuộc đột phá trong phong trào Thế vận hội.

Nữ võ sĩ judo Wojdan Shaherkani, người thượng đài sau vụ scandal về việc cô có thể thi đấu với khăn đội đầu hay không, thừa nhận cô cảm thấy choáng ngợp khi mọi sự chú ý tập trung vào mình với tư cách là đại diện nữ đầu tiên của Saudi thi đấu tại Olympic. Mặc dù Shaherkani đã thua chỉ sau 82 giây giao đấu, nhưng cô nói rằng tất cả trải nghiệm đã giúp cô tự tin nhìn về Thế vận hội Rio năm 2016.

  Vận động viên điền kinh Sarah Attar - Ảnh: AFP

Đồng hương của Shaherkani, nữ VĐV điền kinh Sarah Attar, cũng chưa bao giờ là một đối thủ nặng ký, nhưng sau khi “lê bước” về chót trong cuộc chạy 800m, nữ tuyển thủ này cho rằng, “được thi đấu đại diện cho phụ nữ Saudi Arabia là vinh dự lớn nhất”.

Một sự kiện đáng chú ý tại Olympic kỳ này là cam kết thực thi bình đẳng giới của Ủy ban Olympic quốc tế - một bước tiến dứt khoát về phía trước, khi lần đầu tiên trong các sự kiện thi đấu nữ có môn quyền Anh.

Ba trong số năm đoàn thể thao quốc gia lớn nhất – Mỹ, Trung Quốc và Nga – đã đưa đến London số VĐV nữ đông hơn VĐV nam, và các đại diện nữ đã không làm cho đội nhà phải thất vọng. Phụ nữ Mỹ giành 29 huy chương vàng trong 46 huy chương vàng dẫn đầu bảng tổng sắp, trong khi các nữ VĐV Trung Quốc cũng gặt hái được 20 trong số 38 huy chương vàng của đội tuyển.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Hoa Kỳ, ông Scott Blackmun, tuyên bố những thành tích của các nữ VĐV Mỹ được hậu thuẫn trực tiếp từ sửa đổi bộ luật từ những năm 1970 (ngăn ngừa việc tài trợ công khai cho các trường phổ thông và đại học vì phân biệt đối xử về giới), tạo điều kiện cho các bé gái và phụ nữ tiếp cận thể thao thuận lợi hơn.

Đối với các nữ VĐV tham gia Olympic London, cũng giống như các VĐV nam, các cuộc tranh tài cũng là thách thức và thành tựu, và họ có ít thời gian hơn khi các cô gái bao giờ cũng tập trung vào ngoại hình nhiều hơn kỹ năng.

“Tôi nghĩ rằng, xã hội đặt nhiều kỳ vọng lên phụ nữ, ví dụ họ trông thế nào và hay mặc đồ gì. Nhưng người ta cũng quan tâm đến tấm huy chương vàng họ đeo trên cổ” - nữ võ sĩ judo Mỹ Kayla Harrison nói.

Harrison đã đánh bại nữ võ sĩ Anh Gemma Gibbons giành huy chương vàng bộ môn judo, cả hai cô gái vào chung kết đều tìm thấy “lối thoát” của mình trong thể thao sau khi gặp những chuyện buồn cá nhân. Gibbons, 25 tuổi, đã mất mẹ vì căn bệnh bạch cầu năm 2004, còn Harrison từng là nạn nhân bị tấn công tình dục khi còn nhỏ tuổi.

“Để có thể nói được tôi là một phụ nữ tự tin và mạnh mẽ, là một vô địch Olympic, điều này có ý nghĩa hết sức lớn lao. Tôi hi vọng một triệu bé gái khác sẽ tìm được nguồn động viên từ cuộc đời của tôi”, Harrison nói.

Hoàng Diệu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục