Nỗi ám ảnh quá khứ
Hơn 3 năm về trước, trong một trận đấu tại giải hạng Nhì QG trên sân Vĩnh Long vào chiều 2/5/2008, khi trận đấu mới trôi đến phút 13, bất thình lình, một tiếng sét chói tai giáng xuống cách vòng tròn trung tâm SVĐ Vĩnh Long khoảng chừng 100m. 24 cầu thủ và trọng tài nằm rạp xuống đất trong khi trên khán đài khán giả nhớn nhác bỏ chạy. Sau giây phút kinh hoàng, mọi người nhổm dậy với gương mặt thất thần, cắt không còn giọt máu. Thế nhưng, ở thời điểm đó, vẫn còn có 2 cầu thủ nằm trên sân là Phạm Dư Thiên Chương (Vĩnh Long) và Trần Thanh Trường (Nguyễn Hoàng Kiên Giang). Khi nhân viên y tế chạy tới thì thấy Thanh Trường ở trong tình trạng bất tỉnh nhân sự, máu ở mũi, lỗ tai trào ra liên tục.
![]() |
Bà Lưu Thị Anh luôn hy vọng một ngày nào đó cậu con trai Trần Thanh Trường sẽ tỉnh táo trở lại |
Mặc dù ngay lập tức được đưa đến bệnh viện nhưng phải nhờ đến nỗ lực hết mình của các bác sỹ, cộng thêm may mắn ở giây phút sinh tử, giành giật giữa sự sống và cái chết, Thanh Trường mới giữ được mạng sống của mình. Tuy nhiên, anh phải đối mặt với viễn cảnh đen tối vô cùng đó là phải sống cuộc sống thực vật trong suốt quãng đời còn lại.
Đến vất vả hiện tại
Sau tai nạn đáng tiếc năm 2008, Thanh Trường đã được Sở VH-TT&DL Kiên Giang và nhà tài trợ đội bóng hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để điều trị. Cộng thêm số tiền 69 triệu đồng bồi thường tai nạn lao động, Thanh Trường đã được giúp đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, anh không còn nhớ bất cứ chuyện gì và cũng không biết đọc, viết. Ngoài việc tập vật lý trị liệu, hiện Thanh Trường đang học chữ trở lại như học sinh lớp 1. |
Thanh Trường sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Tốt nghiệp cấp III, Thanh Trường cũng không có ý định theo nghiệp sân cỏ bởi anh chỉ coi bóng đá là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe và thú vui đơn thuần. Mặc dù vậy, khi chưa có định hướng cụ thể gì cho nghề nghiệp tương lai, Thanh Trường chấp nhận dấn theo nghiệp quần đùi áo số, để rồi không thể ngờ rằng đến một ngày mình phải sống dở, chết dở vì nó.
Sau tai nạn kinh hoàng năm 2008, Thanh Trường cùng gia đình đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ, trong mưu sinh cũng như tìm lại chính mình, nhất là với cá nhân cầu thủ này.
Suốt 3 năm trời, gia đình liên tục đưa Thanh Trường từ Trà Vinh lên TP.HCM, đi về để chữa trị, kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Và rồi gần đây, khi điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, cha mẹ đã phải đưa Thanh Trường về chữa trị ở bệnh viện dân tộc tỉnh để bớt chi phí đi lại và cũng tiện đường kiếm kế sinh nhai.
Do Thanh Trường giờ không thể tự sinh hoạt như một người bình thường, thậm chí phải tập ăn, đi đứng, nói năng, tập làm vệ sinh cá nhân như trẻ lên 3 mà cha luôn phải ở bên anh, kinh tế gia đình gần như phụ thuộc vào tài xoay sở của mẹ Trường là bà Lê Thị Anh. Vừa kiếm sống, vừa phải chăm con, tìm lớp học cho con, khổ cực dường như cứ đeo bám gia đình Trần Thanh Trường mãi.
30 tuổi đời, đáng ra với một thanh niên, cầu thủ bình thường thì đã giúp đỡ được gia đình rất nhiều, nhất là về khía cạnh kinh tế. Nhưng giờ đây, cuộc sống của Thanh Trường hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình với cha mẹ đang ngày càng già yếu lại là chỗ dựa duy nhất.
Biết ra sao ngày sau
Từ chỗ được đánh giá là cầu thủ trẻ có nhiều triển vọng, đủ khả năng chơi ở giải hạng Nhất cũng như V-League nhưng giờ đây, khi đội bóng cũ của mình đang phiêu lưu ở sân chơi Super League thì Trần Thanh Trường vẫn đang phải vật lộn trong cuộc sống khốn khó của mình.
Tính cho đến thời điểm này, VFF đã có nhiều lần hỗ trợ tiền chữa trị cho Trần Thanh Trường, trong đó có một lần vào ngày 2/2/2010 (10 triệu đồng) và lần khác ngày 8/8/2011 với số tiền là 15 triệu đồng. Trước đó, ngay sau khi xảy ra tai nạn bất ngờ ngày 2/5/2008, VFF cũng đã hỗ trợ 2 triệu đồng đối với Trần Thanh Trường và 1 triệu đồng đối với Phạm Dư Thiên Chương.
Mặc dù vậy, với gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn như của Trần Thanh Trường và bệnh tình nặng, phải điều trị liên tục, kéo dài thì rõ ràng, những khoản kinh phí hỗ trợ kể trên chỉ mang ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần là chính.
Hơn lúc nào hết và hơn ai hết, Thanh Trường và gia đình rất cần nhận được những sự động viên, chia sẻ, nguồn hỗ trợ tích cực về tài chính, đặc biệt là các Mạnh Thường Quân, những tổ chức xã hội, Quỹ hỗ trợ điều trị VĐV chấn thương để anh đủ sức chống chọi với bệnh tật trong một cuộc chiến trường kỳ.