Xích lại gần nhau

08:49 Thứ năm 12/03/2015

Ngày 10-3, Ủy ban Olympic cùng Tổng cục TDTT là cơ quan chủ trì cuộc làm việc giữa cơ quan quản lý nhà nước cùng với các hiệp hội, liên đoàn thể thao. Đó được xem là một bước tiến triển mới trong hoạt động quản lý giữa các đơn vị liên quan ở các môn thể thao…

Liệu đã hiểu nhau?

Cuộc làm việc không ngoài mục đích để các bên hiểu nhau hơn trong cách làm việc. Nghĩa là hướng tới mục tiêu quan trọng trong năm là SEA Games 28-2015, giữa các nhà quản lý của liên đoàn, hiệp hội thể thao cùng quản lý bộ môn phải có cái thống nhất chung. Dù trên thực tế, không ít trưởng bộ môn đã và đang nắm vai trò ở nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao nhưng cũng có môn giữa đôi bên luôn có khoảng cách khiến cách làm việc không thể thống nhất.

Ở buổi làm việc này, đơn vị quản lý lớn nhất của các hiệp hội, liên đoàn thể thao chính là Ủy ban Olympic, phía còn lại là các vụ, đơn vị chức năng của tổng cục. Trên thực tế, khi bước ra các đại hội thể thao thế giới cũng như góp mặt tại các cuộc họp chuyên môn thì đại diện cho Việt Nam phải là Ủy ban Olympic. Đây chính là cơ quan để các tổ chức như Ủy ban Olympic thế giới (IOC), Hiệp hội Thể thao châu Á (OCA)… làm việc trực tiếp và lấy ý kiến tham vấn chứ hoàn toàn Tổng cục TDTT không được xưng danh ở đây (dù bản chất, con người của Tổng cục TDTT vẫn trực tiếp tham dự các cuộc họp đó).

Tổng cục TDTT và UB Olympic quốc gia xích lại gần nhau sẽ giúp thể thao Việt Nam tập trung được nguồn sức mạnh lớn khi bước ra đấu trường quốc tế. Ảnh: Dũng Phương

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Hoàng Vĩnh Giang cũng tin rằng buổi làm việc giữa đôi bên (Ủy ban Olympic và Tổng cục TDTT) dù là lần đầu tiên nhưng sẽ chờ đợi đạt nhiều hiệu quả ở tương lai. Từ trước tới nay, tất cả đều biết rằng, trong các kỳ tham dự Olympic, Asian Games hay Olympic thì việc đi họp để lãnh hội thông tin quốc tế đều là Ủy ban Olympic, còn sự chuẩn bị chuyên môn là Tổng cục TDTT và giữa 2 bên gần như… chỉ làm việc riêng của mình.

Vẫn còn khúc mắc

Trên thực tế, nhiều môn thể thao, vai trò của liên đoàn, hiệp hội vượt trội hơn hẳn bộ môn nên sức nặng quản lý của liên đoàn, hiệp hội là hơn hẳn. Có thể kể tới như bóng đá, bóng chuyền, bơi… Cũng có những môn, giữa đôi bên liên đoàn và bộ môn gặp không ít khúc mắc mà thực tế ai cũng thấy rõ như điền kinh… Vì vậy, hướng đi và thực hiện của Ủy ban Olympic cùng Tổng cục TDTT làm là tín hiệu đáng kể xóa đi khoảng cách giữa liên đoàn, hiệp hội thể thao với bộ môn.

Trong sự chuẩn bị cho SEA Games 28-2015, sự chuẩn bị của các môn thể thao đã bước vào giai đoạn cao trào. Có sự chung tay giữa bộ môn và liên đoàn của từng môn thể thao thì thật sự có áp lực tốt trong đạt thành tích huy chương. Tuy nhiên, mới chỉ nói chuyện một buổi thì tất cả chưa thể giải quyết. Đơn cử một ví dụ là trong sự chuẩn bị năm nay, bóng rổ là môn được đi dự SEA Games 28-2015 sau nhiều năm vắng mặt trong đoàn thể thao. Môn này đi theo hình thức xã hội hóa.

Dù là hình thức xã hội hóa nhưng liên đoàn bóng rổ hay bộ môn bóng rổ sẽ chọn đội hình nào để đi dự SEA Games. Bởi rằng, nếu được xã hội hóa có nghĩa là bóng rổ được đầu tư tập luyện thi đấu nhưng khi bước ra thi đấu quốc tế, hình ảnh của môn thể thao đó vẫn là ĐTQG, đại diện cho Việt Nam. Thế nên, đã có một địa phương ngỏ ý đưa luôn đội hình của họ vào thành phần bóng rổ đi SEA Games 28-2015 nhưng ý này không được số đông ủng hộ. Vì thế, quyết định lựa chọn phải chờ sự thống nhất từ liên đoàn và bộ môn.

Các môn thể thao cần phải tiến tới thành lập liên đoàn, hiệp hội thể thao trong năm 2015 – đó là một trong những ý kiến được lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam chia sẻ tại buổi họp. Ủy ban Olympic Việt Nam cũng như các liên đoàn thành viên đã có sự chuẩn bị chu đáo trước thềm SEA Games 28-2015. Tất cả những thủ tục làm thẻ, kết nối với ban tổ chức và thậm chí chúng tôi cũng đã có những mục tiêu huy chương rõ ràng và xác định, khu trú những nội dung mạnh nhất của Việt Nam tại SEA Games 28-2015.
Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục