
Chiến lược chuyển nhượng của Aston Villa trong những mùa gần đây đang thu hút sự chú ý đặc biệt – không phải vì những bản hợp đồng bom tấn, mà bởi một mô hình đầu tư cực kỳ có kiểm soát, xoay quanh những thương vụ trị giá từ 5 đến 9 triệu euro.
Đằng sau đó là dấu ấn rõ nét của Giám đốc thể thao Monchi, người đến Villa từ mùa hè 2023 và đã định hình lại cách CLB tiếp cận thị trường chuyển nhượng.
Villa hiện chia hoạt động chiêu mộ cầu thủ thành hai hướng chính. Thứ nhất là những cầu thủ đã sẵn sàng ra sân, những cái tên có thể bổ sung trực tiếp cho đội hình của HLV Unai Emery – dù không phải trụ cột, họ vẫn đủ chất lượng để tạo ra ảnh hưởng tức thì.
Hướng thứ hai là tuyển mộ các “potential players” – những cầu thủ trẻ, chưa quá nổi bật nhưng có tiềm năng phát triển trong tương lai. Đó là các bản hợp đồng mang tính đầu tư dài hạn, với mục tiêu chính không chỉ để phục vụ đội một, mà còn tạo ra lợi nhuận thông qua đào tạo hoặc bán lại.
Các cầu thủ thuộc nhóm tiềm năng thường được Villa mua với mức phí quanh 5–9 triệu euro, sau đó cho mượn đến đội bóng khác, hoặc thậm chí giữ lại CLB cũ thêm một thời gian. Đây không phải những thương vụ dễ thấy trên truyền thông, nhưng lại mang tính chiến lược rất cao trong bối cảnh các quy định về lợi nhuận và bền vững (PSR) ngày càng khắt khe.
Một điểm đáng chú ý là Monchi đã tổ chức lại hệ thống tuyển trạch. Các chuyên gia dữ liệu tại trung tâm huấn luyện Bodymoor Heath được bố trí làm việc sát cạnh ông, giúp việc phân tích, theo dõi và ra quyết định diễn ra thuận tiện hơn. Mỗi chuyên viên sẽ theo dõi khu vực cụ thể, nhắm trúng các tài năng trẻ từ những giải đấu ít tiếng tăm – nơi chưa bị các ông lớn khai thác triệt để.
Ví dụ tiêu biểu là Kosta Nedeljkovic, hậu vệ phải người Serbia được Villa mua từ Crvena Zvezda với giá 9 triệu euro. Dù chưa đá trận nào tại Ngoại hạng Anh, anh đã được đem cho RB Leipzig mượn hai lần. Villa không xem Nedeljkovic là tương lai lâu dài, nhưng nếu Leipzig hoặc một CLB khác chi đậm, họ sẽ có lãi.
Tương tự là Yasin Ozcan, trung vệ 19 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ có gần 100 trận ở giải VĐQG trước khi được Villa chiêu mộ với giá 7 triệu euro. Anh đang được thử nghiệm ở nhiều vai trò khác nhau trong giai đoạn tiền mùa giải, và nếu không ở lại đội một, Ozcan hoàn toàn có thể được cho mượn hoặc bán với giá cao hơn.
Villa cũng không ngại đầu tư vào những cầu thủ đến từ giải đấu rất thấp. Yeimar Mosquera – trung vệ từ đội hạng hai Colombia – được ký hợp đồng, rồi đem cho đội liên kết Real Union (Tây Ban Nha hạng ba) mượn để tích lũy kinh nghiệm. Dù mới 20 tuổi, Mosquera hiện đã được gọi lên đội một tập luyện, cho thấy tiềm năng có thật.

Một cái tên khác là Modou Keba Cisse, trung vệ 19 tuổi người Senegal – được Villa chiêu mộ từ LASK (Áo) với mức phí khoảng 5 triệu euro. Anh mới nổi lên từ học viện Be Sport và được chuyển từ vị trí tiền vệ sang trung vệ, điều khiến nhiều người tin rằng anh có tiềm năng hình thể giống Paul Pogba. Cisse sẽ ở lại LASK thêm một mùa dưới dạng cho mượn.
Điểm mấu chốt trong chiến lược này là, không phải tất cả cầu thủ trẻ được mua về đều sẽ đá cho đội một Aston Villa. Nhưng điều đó không có nghĩa là thương vụ thất bại. Nếu cầu thủ phát triển tốt và được bán với giá gấp đôi hoặc gấp ba, CLB vẫn lãi lớn. Với cấu trúc tài chính của bóng đá hiện tại, đó là chiến thắng.
Điển hình là thương vụ Andres Garcia từ Levante (La Liga 2), được ký với giá 7 triệu euro. Dù chưa phải ngôi sao, Garcia đã có 7 trận cho đội một và nếu tiếp tục được tin dùng, giá trị sẽ gia tăng đáng kể.
Chiến lược chuyển nhượng này không khiến truyền thông dậy sóng như các bản hợp đồng trị giá hàng chục triệu bảng. Nhưng nó thể hiện cách Villa đang xây dựng một “hệ sinh thái bóng đá” – nơi cầu thủ là tài sản, nơi dữ liệu lên tiếng trước danh tiếng, và nơi thành công không chỉ đến từ sân cỏ, mà còn đến từ sổ sách tài chính.
Khi Aston Villa không thể chạy đua tiền bạc với nhóm Big Six, họ chọn cách chơi khác. Đó là đầu tư thông minh, hạn chế rủi ro, và tối đa hóa lợi nhuận từ cầu thủ. Aston Villa lựa chọn khôn ngoan, đáng để nhiều CLB khác học hỏi, đặc biệt trong thời kỳ bóng đá ngày càng bị siết bởi các giới hạn chi tiêu.
Nếu trong một mùa giải, chỉ một hoặc hai trong số các “potential players” kể trên tỏa sáng và đem về hàng chục triệu euro lợi nhuận, mô hình này không chỉ đúng, mà còn là tương lai. Và Monchi – người từng xây dựng Sevilla trên nền tảng này – có thể đang viết nên một phiên bản cải tiến tại Ngoại hạng Anh.