
Biển người vàng xanh và lời nguyện cầu
Chiều 8/7/2014, Mineirao như một lễ hội vĩ đại. Biển người vàng xanh đổ về phủ kín sân vận động trong tiếng kèn trống, cờ bay, mặt người rạng rỡ niềm tin. Một cậu bé ôm chặt chiếc áo số 10, miệng lẩm nhẩm câu nói "Força Neymar" như một lời khấn vái cho thần tượng vừa gặp chấn thương trong trận tứ kết. Mọi ánh mắt, mọi trái tim Brazil hôm ấy đều hướng về Neymar, người không thể góp mặt, nhưng hiện diện ở khắp nơi: trên áo, trên cờ, trên tấm băng đô buộc trán của hàng vạn cổ động viên.

Trong khi hát quốc ca, David Luiz và Julio Cesar cầm chặt chiếc áo Neymar trong tay, giơ cao. Cả đội tuyển Brazil hòa mình vào bản hợp xướng như đang hát cho một niềm tin cuối cùng. Không có Thiago Silva nơi hàng thủ, không có Neymar ở tuyến trên, nhưng còn niềm kiêu hãnh Brazil, thứ mà họ từng tin là bất khả xâm phạm.
Khi giấc mơ rạn nứt

Đội chủ nhà nhập cuộc bằng tinh thần mà họ mang theo từ những lễ hội bên ngoài sân vận động vào trong trận đấu. Marcelo sút xa từ cự ly 25m, bóng đi chệch cột dọc, đủ để khiến 58.000 cổ động viên bật dậy vỗ tay reo hò.
Nhưng phút thứ 11, từ một pha đá phạt góc, Kẻ đánh cắp không gian - Thomas Müller hoàn toàn không bị ai kèm và dứt điểm dễ dàng tung lưới Julio Cesar. Cả khán đài chết lặng. Đó là khoảnh khắc khởi đầu cho một cơn ác mộng.

Chỉ 12 phút sau, Miroslav Klose, người bước vào sân với áp lực vượt qua huyền thoại Ronaldo ghi bàn thứ hai. Anh trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử World Cup. Nhưng không một ai ở Brazil quan tâm tới cột mốc đó. Ngay sau đó là màn tra tấn không thương tiếc: phút 24 và 26, Toni Kroos ghi liền hai bàn; phút 29, Sami Khedira ấn định tỷ số 5-0 khi trận đấu còn chưa đi được một phần ba.

Trên sân, các cầu thủ áo vàng không chạy nữa, họ chỉ còn biết thả trôi. Như thể cơn bão vừa cuốn sạch mọi thứ: chiến thuật, tinh thần, cảm xúc. Trên khán đài, nước mắt đã rơi. Một người cha quay đi khi thấy con mình khóc nấc. Một người phụ nữ già vùi mặt vào tay áo. Mineirao không còn là sân vận động, nó đã trở thành một nhà hát kịch.
Khi tiếng khóc lấn át tiếng hò reo
Sang hiệp hai, huấn luyện viên Luiz Felipe Scolari tung Paulinho và Ramires vào sân – không phải để thắng, mà để vớt vát thứ gì đó khỏi đống đổ nát. Thế nhưng người Đức vẫn chưa buông tha. Phút 69, André Schürrle dứt điểm cận thành, 6-0. Phút 79, anh tiếp tục demi volley tung nóc lưới, nâng tỷ số lên 7-0.

Lúc này, điều kỳ lạ xảy ra. Các khán đài vốn là pháo đài của lòng tự hào Brazil bỗng vang lên… những tràng pháo tay. Cổ động viên Brazil vỗ tay cho các pha phối hợp của Đức, hô vang “olé” mỗi lần đối thủ chạm bóng. Họ không cổ vũ cho đội khách, mà đang trút hết sự giận dữ và tuyệt vọng lên đội nhà. Chưa bao giờ tiếng “olé” lại buồn đến thế.

Phút 90, Oscar ghi bàn danh dự. Nhưng chẳng ai mừng. Chính anh cũng lặng lẽ cúi đầu. Khi trọng tài thổi còi mãn cuộc, nhiều cầu thủ Brazil đổ gục xuống sân như thể họ vừa sống sót qua một cơn địa chấn tâm lý.
Khi nỗi đau trở thành bóng ma lịch sử
Ngày hôm sau, khắp Brazil im lặng. Không có tiếng còi xe ăn mừng, không có pháo hoa, không ai nói cười. Các tờ báo lớn đồng loạt in trang nhất đen trắng. O Globo đánh giá tất cả cầu thủ Brazil 0 điểm. Hình ảnh David Luiz khóc nấc, cúi đầu xin lỗi người hâm mộ lan truyền khắp thế giới.

Mineirazo,"bi kịch Mineirao" trở thành một từ mới, song hành cùng Maracanazo năm 1950. Nhưng lần này, nỗi nhục nhã còn lớn hơn. Năm 1950, Brazil thua 1-2 trước Uruguay vì mất tập trung. Năm 2014, họ thua 1-7 vì tan rã toàn diện, từ tinh thần đến chiến thuật.
Julio Cesar, người gác đền hứng chịu 7 bàn thua từng thú nhận: “Tôi sẽ mang theo thất bại này cho tới tận khi xuống mồ. Hôm ấy, tôi không còn là thủ môn, tôi là nhân vật bi kịch bị đẩy ra sân khấu và không biết làm gì khác ngoài đứng đó.”
Một thập kỷ sau, người ta vẫn gọi ngày 8/7 là ngày mà Brazil ngừng thở. Không ai quên được ánh mắt vô hồn của Fred, đôi chân chới với của Dante, cú đánh đầu hụt của David Luiz, và những cái ôm bất lực khi tiếng còi kết thúc vang lên.

Về phần đội Đức, họ tiến thẳng đến ngôi vô địch và được ngưỡng mộ vì tính kỷ luật tuyệt đối. Nhưng chính Toni Kroos thừa nhận: “Chúng tôi bàn nhau trong giờ nghỉ: liệu có nên nhẹ chân để không làm họ thảm hơn không? Nhưng rồi ai đó nói: điều tệ nhất không phải là thua đậm, mà là bị đối thủ thương hại.”
Khi ánh đèn tắt
Trận bán kết giữa Brazil và Đức năm 2014 không đơn thuần là một trận đấu. Nó là một khoảnh khắc lịch sử, nơi một giấc mơ tập thể bị nghiền nát trên chính mảnh đất thiêng. Sau đêm đó, Brazil không chỉ thua một trận bóng. Họ mất đi cảm giác bất khả chiến bại, mất đi phần nào lòng tin vào chính họ.

Mineirao trở thành biểu tượng của nỗi đau. Nhưng từ nỗi đau đó, một thế hệ mới đã được tôi luyện. Và có lẽ, chỉ khi chạm đáy, một dân tộc mới hiểu rõ hơn giá trị của việc đứng dậy.
Trong khi Brazil phải đối mặt với bi kịch Mineirao, thì đâu đó trên bản đồ bóng đá, có những CLB và cầu thủ đã viết nên những trang sử huy hoàng với chuỗi thành tích vĩ đại. Để sống lại những khoảnh khắc làm nên huyền thoại của Real Madrid và Cristiano Ronaldo tại Champions League.