Tối 2-9, ASIAD 2018 đã chính thức khép lại với buổi lễ bế mạc diễn ra trọng thể tại SVĐ Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Sau 2 tuần tranh tài quyết liệt, Á vận hội đã kết thúc với nhiều cột mốc đáng nhớ, đặc biệt có những thành tích đã vươn đến tầm thế giới.
Theo thông báo chính thức từ BTC ASIAD 18 (INASGOC), toàn đại hội ghi nhận 5 kỷ lục thế giới và một thành tích khác sánh ngang kỷ lục thế giới. Các xạ thủ Hàn Quốc xô đổ 2 kỷ lục thế giới ở các nội dung bắn cung 3 dây 50 m (So Chaewon/ Choi Yonghee) và 70 m nam nữ (Oh Jin Hyek/ Kang Chae Young). Trong khi đó, bắn súng Đài Loan (Trung Quốc) làm được điều tương tự ở nội dung bắn đĩa bay hỗn hợp nam nữ (Yang Kun-pi/Lin Yi-chun). Cũng xạ thủ Yang Kun-pi đạt thành tích ngang bằng kỷ lục thế giới ở chung kết nội dung bắn đĩa bay nam.
Môn bơi lội với tổng cộng 41 nội dung thi đấu của nam và nữ có khá nhiều kỷ lục bị xô đổ. Trong số này, đáng chú ý nhất chính là thành tích của Liu Xiang (Trung Quốc) ở nội dung 50 m ngửa nữ với 26 giây 98, giúp kình ngư 21 tuổi này trở thành người phụ nữ châu Á thứ nhì trong vòng 60 năm qua lập kỷ lục thế giới môn bơi tại ASIAD, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục 50 m nước dưới 27 giây. Thành tích cũ 27 giây 06 ở nội dung này do đồng hương của Liu Xiang là Zhao Jing thiết lập tại Giải Vô địch thế giới năm 2009 diễn ra ở Rome, Ý.
Ở môn cử tạ, lực sĩ Sohrab Moradi (Iran) xô đổ kỷ lục thế giới ở hạng 94 kg nam, nội dung cử giật với thành tích 189 kg, vượt qua thông số cũ 188 kg do Akakios Kakiasvilis của Hy Lạp thiết lập từ năm 1999. Cùng với việc thực hiện thành công mức tạ 221 kg ở nội dung cử đẩy để đạt thành tích tổng cử 410 kg, Moradi cũng phá rất sâu kỷ lục ASIAD 400 kg do lực sĩ Bakhyt Akhmetov (Kazakhstan) thiết lập từ cách đây 12 năm tại Busan, Hàn Quốc.
Cũng theo thông tin từ INASGOC, các VĐV đã phá tổng cộng 10 kỷ lục ASIAD và 4 trong số này thuộc về môn bơi lội gồm 50 m tự do nữ (Rikako Ikee, Nhật Bản), 400 m tự do nữ (Wang Jian-jiahe, Trung Quốc), 200 m hỗn hợp nữ (Kim Seo-yeong, Hàn Quốc) và 4x100 m hỗn hợp nam (Xu Jiayu, Yan Zibei, Li Zhuhao, Yu Hexin - Trung Quốc).
Các kỷ lục còn lại được thiết lập ở môn điền kinh, gồm 100 m nữ (Naser Salwa, Bahrain), 100 m nam (Bingtian Su, Trung Quốc), 400 m rào nam (Abderrahman Samba, Bahrain), 400 m rào nữ (Adekoya Oluwakami, Bahrain), 3.000 m vượt chướng ngại nam (Hossein Keyhani, Iran), nhảy sào nữ (Ling Li, Trung Quốc) và môn xe đạp (Park Sang-hoon, Hàn Quốc).
Chưa đạt đến tầm châu lục, thế nhưng các VĐV Việt Nam vẫn vượt qua chính mình với các kỷ lục quốc gia, thậm chí kỷ lục SEA Games. Ở cự ly tiếp sức 4x400 m nữ, dù chỉ giành HCĐ nhưng tuyển Việt Nam vẫn đạt thành tích 3 phút 33 giây 23, vượt thành tích giành HCV của chính mình tại SEA Games 2017 (3 phút 33 giây 40). Trên đường chạy 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ, Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục quốc gia của chính mình với thông số mới 9 phút 43 giây 83. Quách Thị Lan ở chung kết 400 m vượt rào nữ đã giành HCB với thời gian 55 giây 30. Thành tích này giúp cô lần thứ nhì trong vòng 2 ngày xô đổ kỷ lục quốc gia của đồng đội Nguyễn Thị Huyền và của chính mình.
Đáng chú ý hơn cả là ở đường đua xanh, đợt thi chung kết 1.500 m tự do nam, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành HCB với thành tích 15 phút 01 giây 63, chỉ kém nhà vô địch thế giới và Olympic Sun Yang. Thành tích này giúp Hoàng phá sâu kỷ lục quốc gia 15 phút 20 giây 10 do chính anh thiết lập tại SEA Games 29 đồng thời trở thành VĐV nam đầu tiên của bơi lội Việt Nam lấy được một chuẩn A Olympic.
Trao quyền đăng cai ASIAD 19 cho Trung Quốc
Lễ bế mạc Asian Games 2018 diễn ra hết sức hoành tráng, đầy màu sắc tại sân vận động quốc gia Gelora Bung Karno, Jakarta. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cùng nhiều nguyên thủ các quốc gia châu Á đã chứng kiến những màn trình diễn đặc sắc, thể hiện tình cảm quyến luyến của nước chủ nhà sau 2 tuần lễ tranh tài. Đại diện thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đã tiếp nhận ngọn đuốc và lá cờ Ủy ban Olympic châu Á, chính thức trở thành chủ nhà của kỳ Á vận hội lần thứ 19 sẽ diễn ra vào năm 2022.