![]() |
Vũ Thị Hương vô địch 100m nữ SEA Games 27 |
1. Thể thao Việt Nam hội nhập lại với khu vực Đông Nam Á vào năm 1989 ở kỳ SEA Games 15 tại Kuala Lumpur. Lần trở lại đó, đoàn Việt Nam chỉ có 42 VĐV tham dự 8 môn và thành tích đạt được là 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ, xếp 7/9 đoàn tham dự.
Những kỳ SEA Games sau con số HCV cứ vậy tăng lên và thứ hạng đoàn Việt Nam cũng nâng dần lên. SEA Games 16 (1991) là 7 HCV, hạng 7/9. SEA Games 17 (1993) là 9 HCV, hạng 6/9. SEA Games 18 (1995) là 10 HCV, hạng 6/9. Ở kỳ Đại hội năm 1995 có một môn chỉ đoạt HCB nhưng khiến cả nước vỡ òa sung sướng là môn bóng đá nam.
Cứ như vậy, đến năm 2001 khi SEA Games 21 quay trở lại Kuala Lumpur thì vị trí đoàn Việt Nam đã lên hạng 4/10 với 33 HCV. Năm 2003, khi SEA Games 22 được Việt Nam đăng cai thì chúng ta đứng… số 1 với tận 158 HCV. Về sau này dù không đăng cai nhưng ở các kỳ SEA Games 23, 24, 25, 26, 27 vẫn luôn có mặt trong top 3.
Dài dòng với những con số thống kê để thấy rằng nếu lấy cái sân chơi khu vực ĐNÁ là cột mốc chuẩn thì TT VN lớn mạnh. Nhưng điều buồn cười (vừa buồn mà vừa đáng cười) cả 10 năm qua, TT VN vẫn cứ lấy cái cột mốc SEA Games làm chuẩn để rồi cứ luẩn quẩn ở đó mãi, trong khi các nước trong khu vực đã vượt mặt chúng ta ở đấu trường Olympic, Asiad từ đời nào.
2. Lấy cột mốc Asiad 12 (Asian Games 1994) tại Hiroshima đoạt chiếc HCV đầu tiên của VĐV Taekwondo Trần Quang Hạ để giúp đoàn VN đứng hạng 19/29 thì tròn 20 năm sau tại Asiad 17 tại Incheon năm 2014 thành tích của chúng ta vẫn y như cũ, tức là vẫn 1 HCV và đứng hạng 21/36.
Tại đấu trường lớn hơn là Olympic, sau chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân (taekwondo) tại Athens 2004 và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) tại Bắc Kinh 2008 thì đến Olympic London 2012, thể thao VN quay lại vị trí xuất phát giống như năm 1980 tại Moscow là… trắng tay.
![]() |
Cái sự kỳ cục ở đây nằm ở chỗ tại sân chơi SEA Games các VĐV Việt Nam tha hồ làm mưa làm gió nhưng đến đấu trường lớn hơn lại “gãy” cả lượt. Ở Asiad 17 (2014), đoàn thể thao vừa đứng thứ 3 ở SEA Games 27 (2013) lại chịu đứng tận thứ 6 Thái Lan – 12 HCV, Malaysia – 5 HCV, Singapore – 5 HCV, Indonesia – 4 HCV, Myanmar - 2 HCV.
Ở đấu trường Olympic London 2012, sự thể chẳng khá gì hơn khi Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đều có huy chương, không bạc cũng là đồng trong khi Việt Nam chẳng có gì mang về.
![]() |
Tuyển U.23 Việt Nam thua U.23 Singapore tại SEA Games 27 |
Có nghĩa đã có một sự lệch chuẩn rất lớn trong cách làm mà có thể lấy Singapore làm ví dụ. Đảo quốc với dân số 5 triệu dân này luôn thua Việt Nam ở SEA Games nhưng khi ra sân chơi lớn họ lại chấp chúng ta cả một cái đầu.
3. Điểm yếu cố hữu của thể thao VN nằm ở 2 vấn đề là bệnh thành tích và nạn cào bằng. Cả 2 vấn nạn này quyện vào nhau chặt cứng như mối quan hệ hữu cơ. Vì cần thành tích để báo cáo, để lấy công tính thưởng nên TT VN luôn đầu tư cho những môn mà thế giới ít chơi như pencak silat, wushu, cầu chinh, cầu mây, billards, lặn…cũng giống như các môn tiêu chuẩn Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng, xe đạp, chèo thuyền, boxing, judo và các môn bóng.
![]() |
Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành tại SEA Games 27 |
Chính vì vậy ở đấu trường SEA Games, đoàn VN rất mạnh vì môn nào chúng ta cũng có mặt và lấy thành tích. Chúng ta luôn có những “ông hoàng”, “nữ hoàng” bất bại ở ĐNÁ là những VĐV mà cứ bước ra sàn đấu là chắc chắn có HCV như Cao Ngọc Phương Trinh (judo), Nguyễn Văn Hùng (taekwondo), Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện (điền kinh), Đới Đăng Hỷ (vật), Trịnh Thị Ngà (pencak silat), Nguyễn Hữu Việt (bơi), Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo)…
Thế nhưng ở sân chơi châu lục hay thế giới, cái tính cào bằng này lại kéo TT VN đi xuống “cả chùm” vì chúng ta không có VĐV đủ giỏi, đủ bản lĩnh để có thể bứt phá ở thời điểm quyết định. Có nghĩa thi đấu kiểu bước ra sàn nếu may mắn thì thắng, còn không sẽ thua. Cái sự thắng - thua phụ thuộc vào sự hên xui, thất thường của tâm lý VĐV khiến chúng ta không biết bao nhiêu lần chỉ ngậm ngùi nhận HCB và kèm theo chữ “Giá mà”.
4. Phải nói rằng, thật xấu hổ cho nền thể thao VN khi nhân tài đã ít lại bị cào bằng, dàn trải theo kiểu thượng vàng hạ cám đều giống nhau.
![]() |
CĐV Việt Nam tại SEA Games 27 |
Trần Hiếu Ngân (taekwondo), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Lý Hoàng Nam (tennis), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Lê Quang Liêm (cờ vua), Vũ Thị Hương (điền kinh) là những VĐV hiếm hoi đạt được đẳng cấp quốc tế lại giống như những hạt lúa trời. Đầu tư trọng điểm không có, công tác xã hội hóa và kêu gọi tài trợ cũng yếu khiến VĐV dù có đạt được thành tích vẻ vang song không ổn định, được hay chăng chớ. VĐV Tiến Minh tâm sự: “Nhiều lúc đi nước ngoài thi đấu thấy người ta có ê-kíp đi cùng, trong khi mình cứ thui thủi một mình, tủi thân vô cùng”.
![]() |
Đặng Hào Judo thua Yan Nang Soc Myanmar |
Đã vậy các VĐV lại còn bị chồng chéo bởi cơ chế quản lý quan liêu, áp đặt như trường hợp Lý Hoàng Nam bị Liên đoàn Quần vợt hăm treo giò vì “tội” từ chối khoác áo ĐTQG đấu giải Davis Cup hồi năm ngoái. Cũng may năm nay, Lý Hoàng Nam liên tiếp gặt hái thành tích ở các giải tennis trẻ, thứ hạng trên bảng ITF tăng vùn vụt chứ không tài năng trẻ này và HLV Trần Đức Quỳnh “bầm dập” phải biết.
SEA Games 28 chỉ còn 1 tháng nữa khởi tranh, đoàn thể thao VN lại lên đường sang Singapore. Cả đoàn 700 con người mà riêng tiền sinh hoạt đã ngốn tầm 20 tỷ, chỉ tiền thưởng cho 1 HCV ước chừng được đầu tư đến 700 triệu đồng. Sau mỗi giải thu cả “đống vàng” 65-70 chiếc để rồi cái kết cục vẫn là luẩn quẩn chẳng khác gì con gà què quanh chiếc cối xay.