Chuỗi thất bại kéo dài từ giải Wimbledon, Thế vận hội Rio cho đến giải Mỹ mở rộng đang níu chân ngôi sao người Serbia ở quãng thời gian được coi là khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh. Trong khi những cựu số 1 thế giới một thời như Roger Federer hay Rafael Nadal dù sa sút nhiều vì gánh nặng tuổi tác và chấn thương nhưng vẫn luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ dư luận thì với Djokovic, có vẻ như chẳng ai đoái hoài đến việc anh vắng mặt dài hạn trên sân đấu.
Tuyên bố “vẫn đi tìm hạnh phúc”, không đặt nặng mục tiêu xô đổ kỷ lục vô địch Grand Slam của Pete Sampras, chẳng cố níu giữ vị trí số 1 thế giới và mới nhất là khả năng chia tay ông thầy Boris Becker, tất cả những điều liên quan đến Djokovic hầu như không tác động nhiều đến dư luận người hâm mộ.
Ngay cả tại Thượng Hải Masters, nơi anh từng 3 lần đăng quang và dự đủ 7 trận bán kết ở 7 lần tham dự giải, khán giả cũng tỏ ra bất mãn với tay vợt người Serbia. Ở trận đấu với Roberto Bautista Agut chiều 15-10, Djokovic đã vài lần đập vợt xuống mặt sân, tranh cãi dữ dội với trọng tài và thậm chí còn xé luôn chiếc áo đấu đang mặc.
Vậy là chút hình ảnh đẹp đẽ còn đọng lại cũng bị chính Djokovic xóa bỏ trong lòng người hâm mộ. Trong quá khứ, ngôi sao người Serbia nhiều lần được dùng làm nhân vật “phản diện” để so sánh với hai “ông vua” đã lên ngôi, ngự trị trong lòng người mộ điệu nhiều năm qua.
Nếu như Federer và Nadal sở hữu những chuẩn mực hào hoa, đầy cảm xúc của quần vợt đương đại, cứ ra sân là khán giả chắc chắn được hưởng thụ các trận đấu cống hiến và mãn nhãn thì Djokovic bị xem là người đại diện của thứ tennis đầy toan tính, chính xác, lạnh lùng như một cỗ máy được sinh ra để trừng phạt những sai lầm của đối phương.
Người ta có thể thưởng ngoạn những trận đấu của Federer hoặc Nadal bằng tâm trạng rất nhẹ nhàng để rồi òa lên thích thú với những chiến thắng, có thể áp đảo nhưng đầy kịch tính. Trong khi đó, Djokovic cứ lạnh lùng ra trận, hành hạ đối thủ bằng mưu mẹo, tấn công trực diện vào điểm yếu rồi khiến đối phương thất bại vì mỏi mệt và bế tắc.
Từng được gọi là “Djoker” với những màn pha trò ngay trên sân bóng, ngẫu hứng nhảy điệu “Gangnam Style” với các ngôi sao và buộc người xem cả bốn dãy khán đài phải đứng lên vỗ tay theo nhịp sau khi đánh bại Milos Raonic ở trận chung kết Indian Wells 2016, thế nhưng điều cay đắng với Djokovic là anh chỉ nhận được sự ủng hộ từ khán giả ở mỗi lần… thất bại! Chứng kiến những giọt nước mắt của Nole sau khi bị loại dưới tay Del Potro ở vòng 1 Olympic Rio hay ở trận chung kết Mỹ mở rộng 2016 mà anh để thua Stan Wawrinka, người ta sẽ cảm nhận rõ hơn sự cô đơn của một nhà vô địch không được sự ủng hộ của công chúng.