Nhật Bản là ai?
Cách đây đúng ba năm trên đất Kazakhstan, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Phạm Văn Long gây bất ngờ khi lần lượt vượt qua Nhật Bản và đánh bại cả Hàn Quốc để lần đầu tiên lọt top 4 Cúp bóng chuyền nữ Vô địch châu Á. Đó có thể nói là thành tích lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam bởi Nhật Bản hay Hàn Quốc luôn ở một đẳng cấp rất cao trong nền bóng chuyền châu lục.
Bẵng đi một thời gian khi chiến công lẫy lừng khi xưa đã tạm lắng xuống, Việt Nam lại gây sốt ở giải bóng chuyền nữ Vô địch châu Á 2015 với hai lần đánh bại Nhật Bản trong những trận đấu hết sức quan trọng. Ở vòng bảng Việt Nam ngược dòng thắng Nhật Bản 3-2 trong tình thế bị dẫn trước 2-0 để nắm ngôi đầu bảng C, qua đó có một kết quả thuận lợi ở tứ kết.
![]() |
Tuyển nữ Việt Nam hai lần đánh bại Nhật Bản ở một giải đấu. Ảnh: Internet. |
Lần gặp thứ hai ở trận tranh hạng 5, Việt Nam tiếp tục hạ đại diện xứ sở hoa anh đào 3-1 nhưng là trong một trận đấu mà chúng ta nắm thế chủ động ở phần lớn thời gian so tài.
Thực tế đội hình Nhật Bản mang đến giải lần này đa phần là những gương mặt trẻ sinh từ năm 1994 đến năm 1997, song từ lâu bóng chuyền Nhật Bản đã đạt đẳng cấp thế giới, thế nên việc Việt Nam vượt qua Nhật Bản ở sân chơi danh giá nhất châu lục vẫn là điều rất đáng khen.
Hạng 5, tiến hay lùi?
Ít nhiều gây thất vọng với trận thua 0-3 trước Đài Loan ở tứ kết nhưng thầy trò HLV Thái Thanh Tùng đã phần nào gỡ gạc lại thể diện khi ngược dòng đánh bại Iran 3-1, sau đó hạ luôn Nhật Bản ở trận tranh hạng 5 bản lề. Thế nhưng đó vẫn chưa phải là thước đo đánh giá khách quan nhất bước tiến của bóng chuyền Việt Nam.
Theo nhiều nhà chuyên môn, nếu Nhật Bản cử đội hình mạnh nhất dự giải Việt Nam gần như không có "cửa" thắng. Thậm chí nếu gặp đại diện cao to từ Trung Á Kazakhstan Việt Nam cũng chưa chắc tạo nên bất ngờ bởi chúng ta "hầu như toàn thua" họ ở cấp độ ĐTQG.
Ở một khía cạnh nào đó, Đài Loan có thể là "quy chuẩn" để Việt Nam đánh giá sự tiến bộ của chính mình. Đài Loan với 10/12 cầu thủ thuộc thế hệ 9x từng nhiều lần gục ngã trước Việt Nam, nhưng cũng với đội hình ấy họ mang đến một lối chơi hoàn toàn mới tại giải lần này.
![]() |
Đài Loan với đội hình đa phần 9x đánh bại Việt Nam với tỉ số 3-0. Ảnh: Internet. |
Ngoài những pha tấn công tay trái "sắc lẹm" của tay đánh chủ lực Chen Wan Ting, Đài Loan có ít nhất hai tay đập khác là Chang Chen Yin và Lee Tzu Ying có khả năng "chia lửa" với đồng đội. Đó là chưa kể lối chơi của đội bóng này đang phát triển theo một chiến thuật hết sức bài bản: lấy tốc độ và sự cơ động để bù lại hạn chế về chiều cao. Công bằng mà nói trận tứ kết Việt Nam chơi không đúng phong độ, nhưng ai nấy chứng kiến thất bại cay đắng của chúng ta đều phải công nhận Đài Loan thua Việt Nam về thể hình nhưng thắng toàn diện từ tâm lý cho đến lối chơi.
Bóng chuyền Việt Nam tiến hay lùi? Những người làm bóng chuyền Việt Nam có lẽ rõ câu trả lời hơn ai hết.
Vẫn phụ thuộc lính "Thông Tin"
Chiến thắng 3-2 trước Nhật Bản ở trận mở màn của giải ghi đậm dấu ấn của hai tay đập Long An Ngọc Hoa và Thanh Thúy khi cùng có 17 điểm. Kế đến là cây chuyền hai sinh năm 1994 Nguyễn Thị Hồng Đào bởi cô đã làm tròn vai khi chuyền chính Nguyễn Linh Chi chơi không đúng phong độ.
Thế nhưng càng về sau sự phân hóa lực lượng trong đội tuyển càng được thể hiện rõ, đặc biệt là trận bán kết phân hạng với Iran và trận tranh hạng 5 với Nhật Bản. Có lúc 5/7 VĐV trên sân gồm Đỗ Minh, Âu Nhung, Bùi Ngà, Phạm Liên, Linh Chi là người của CLB Thông Tin LiênViệtposbank.
![]() |
Khép lại sân chơi châu lục với vị trí thứ năm, bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải làm. Ảnh: Internet. |
Dưới góc độ chiến thuật có thể thấy việc đưa các học trò của HLV Phạm Văn Long vào sân là điều không quá khó hiểu. Các tay đập gồm Hồng Nhung, Phạm Liên, Linh Chi hay Đỗ Minh khắc phục đáng kể "lỗ hổng" hàng sau của tuyển Việt Nam, đồng thời tạo nên nhiều tình huống phòng thủ phản công đẹp mắt. Song từ đây cũng chỉ ra một thực tế rằng dưới thời HLV Thái Thanh Tùng bóng chuyền Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào bộ khung của Thông Tin LiênViệtposbank, nghĩa là vẫn chưa có sự đổi khác nào so với khi HLV Phạm Văn Long còn đương nhiệm. Hoặc với một đội hình chắp vá và không có nhiều thời gian lắp ráp lối chơi, thì đội hình toàn lính Thông Tin vẫn là lựa chọn an toàn nhất.
Trước khi đến với giải VĐCA Việt Nam có gần hai tuần tập huấn ở Triều Tiên, đó là khoảng thời gian khá ngắn ngủi để HLV Thái Thanh Tùng sắp xếp đội hình và lên phương án cho sân chơi châu lục. Giới mộ điệu hy vọng HLV họ Thái sẽ còn nhiều "bài" nữa cho SEA Games và các sân chơi còn lại trong năm nay. Đặc biệt là các bài đánh chồng có khả năng gây đột biến mà HLV Phạm Văn Long từng xây dựng.