Ferrari mất phương hướng

13:05 Thứ năm 06/12/2012

Sự rối loạn của Ferrari trong thời gian gần đây có liên quan rất mật thiết đến một tay đua, Fernando Alonso, người mà họ đã kéo về bằng mọi giá từ năm 2010. Để dọn đường cho việc đó, Ferrari đã sẵn sàng sa thải một nhà VĐTG khác là Kimi Raikkonen trước thời hạn. Tuy nhiên, không như Raikkonen chỉ luôn quan tâm đến chuyên môn, Alonso không hề là một tay đua đơn giản bên ngoài đường đua.

Fernando Alonso (trái) luôn muốn được xem là số 1

Ca ngợi bản thân

Phát biểu trong một sự kiện mới đây của Ferrari, Fernando Alonso tin rằng anh đã đạt được một “tầm cao hoàn toàn mới của sự tôn trọng” trong F1 mùa này, sau khi đã bỏ lỡ chức vô địch cá nhân.

“Kể từ khi tới Ferrari, tôi nghĩ mình đã trưởng thành rất nhiều”, Alonso nói. “Trước đây, người ta cũng có lúc khen hoặc chê tôi, nhưng bây giờ tôi thấy mình đang nhận được một mức độ tôn trọng hoàn toàn khác. Xét cho cùng, để được coi là một trong những tay đua vĩ đại nhất F1, chỉ giành danh hiệu VĐTG là không đủ, mà bạn phải thực hiện mùa giải với cái cách như (tôi đã làm) trong mùa giải vừa qua. Thành thật mà nói, tôi không quan tâm đến việc người ta nghĩ gì về tôi ở Đức hay ở bất cứ đâu. Những gì tôi biết là những người nhìn thấy tôi trên đường phố đều tới ôm tôi và gọi tôi là đấu sĩ hoặc samurai”.

Nghe chúng có vẻ như giống những phát biểu của các ngôi sao giải trí hạng B hơn là của một trong những tay đua xuất sắc nhất F1 đương đại. Bất cứ một ai còn có đủ lòng tự trọng hẳn có lẽ sẽ không bao giờ nói ra những điều như thế. Sự tôn trọng của người khác, tốt hơn hết là nên để người ta tự nói ra. Còn chuyện xem xét một tay đua có phải là “vĩ đại” hay không, thường là thuộc về quyền phán xét của lịch sử. Tại sao Alonso lại cần phải tự ca ngợi bản thân mình quá nhiều như thế?

Có vẻ như thất bại trước Vettel đã khiến Alonso mất đi sự tỉnh táo thường ngày và khiến anh đi quá xa. Và nếu biết rằng Alonso là một tay đua cực kỳ giàu tham vọng, có thể hiểu được vì sao anh lại khó chịu đến thế. Trên thực tế, Vettel đã phá vỡ tất cả mọi kỷ lục mà Alonso từng nắm giữ, trong đó bao gồm kỷ lục nhà VĐTG trẻ nhất, tay đua trẻ nhất từng 2 lần liên tiếp VĐTG, và quan trọng hơn, Vettel vừa lập được một kỷ lục mà Alonso sẽ không bao giờ có thể lặp lại: tay đua trẻ nhất từng 3 lần liên tiếp VĐTG.

Dù sao, có vẻ như tất cả những gì mà Ferrari và Alonso đang làm trong thời gian vừa rồi chỉ có một mục đích: tự động viên bản thân mình sau những thất bại cay đắng.

Chưa biết cách khiêm nhường

Thật ra, Alonso đã trải qua một mùa giải với sự ngưỡng mộ của đa số người hâm mộ, khi anh là một trong số các tay đua xuất sắc có khả năng đưa chiếc xe vượt ra khỏi giới hạn của nó.

Trong thời gian thi đấu cho Ferrari, rõ ràng Alonso đã trưởng thành khá nhiều với tư cách là một tay đua chuyên nghiệp. Nhìn chung, bây giờ anh lạnh lùng và điềm tĩnh hơn nhiều đối với một tay đua từng ầm ĩ trách móc đội đua Renault là không muốn cho anh giành danh hiệu năm 2006, vì họ biết anh sẽ chuyển sang McLaren trong năm 2007.

Khi tới McLaren, Alonso muốn mình trở thành số 1 và Hamilton phải là số 2. Tuy nhiên, khi McLaren cho biết Hamilton là tay đua mà họ đã “nuôi nấng” từ nhỏ, và họ luôn đối xử bình đẳng với các tay đua của mình, Alonso đã tỏ ra rất thất vọng. Anh từng phản đối bằng cách đậu xe chặn đường của Hamilton khiến đồng đội của mình không thể hoàn hành một vòng chạy cuối cùng trong cuộc đua phân hạng ở Hungary năm 2007.

Alonso thậm chí còn đi xa hơn trong việc “trả đũa” McLaren. Cũng ở chặng đua Hungary năm đó, trước khi bước vào cuộc đua, anh đã đe dọa sẽ tố cáo về các hành vi gián điệp của McLaren nếu đội đua này không ưu tiên cho anh với tư cách là tay đua số 1. Tuy nhiên, ông chủ McLaren là Ron Dennis đã cao tay hơn, đích thân gọi điện cho chủ tịch FIA khi đó là ông Max Mosley về vụ việc. Thấy mọi chuyện không ổn, Alonso đã cố tình vắng mặt trong phiên điều trần của FIA tổ chức sau đó.

Không chỉ sẵn sàng đạp lên đội đua của chính mình khi cần, mà Alonso cũng sẵn lòng “tiêu diệt” đồng đội để đạt mục tiêu. Vụ bê bối liên quan đến tai nạn của Nelson Piquet (con) ở Singapore hay nhiều vụ việc có liên quan đến Felipe Massa là các ví dụ rất điển hình.

Trong suốt sự nghiệp của mình, có vẻ như Alonso luôn bị ám ảnh với vai trò ngôi sao số 1 cũng như với các danh hiệu. Khi mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ, anh thường cho thấy một khía cạnh không lành mạnh trong nhân cách của mình, những khía cạnh không thật sự “trưởng thành”, và cũng không có gì tốt đẹp đối với hình ảnh một ngôi sao.

Lần này, F1 đã có một mùa giải 2012 đầy kịch tính, với một cuộc đua chung kết tuyệt vời và một thành công lịch sử cho Vettel. Thế nhưng, Alonso cùng với ông Stefano Domenicali đã giành lấy quyền tự ca ngợi mình một cách quá lố. Trong lịch sử, đội đua này từng được coi là một trong những kẻ thua cuộc hào hiệp. Thế nhưng, điều đó nay không còn đúng nữa. Họ chỉ đơn giản là những kẻ thua cuộc.

Anh Hào | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục