![]() |
Murray đang đứng trước một cơ hội lịch sử |
Ngoại trừ trận đấu căng thẳng với Stanislas Wawrinka ở vòng 4, tất cả các tay vợt ở những trận đấu còn lại đều không thể là chướng ngại vật khó khăn cho tay vợt số 1 thế giới. Chưa khi nào người ta thấy một Nole mạnh mẽ, quyết liệt đến thế trong chiến thắng dễ hơn một cuộc diễn tập trước hạt giống số 4 của giải David Ferrer ở vòng bán kết. Chiến thắng cách biệt ở cả 3 set đấu 6-2, 6-2, 6-1 trước một trong những chuyên gia đất nện đã đem lại cho tay vợt người Serbia thêm rất nhiều tự tin. Hơn thế nữa, việc sớm đánh bại đối thủ khiến cho Djokovic có thêm thời gian để hồi phục hoàn toàn thể lực.
Nole bước đến giải đấu năm nay trong tâm thế của nhà Đương kim vô địch 2 lần liền đứng trước ngưỡng cửa lịch sử trở thành tay vợt đầu tiên của kỷ nguyên mở rộng giành cú hat-trick đăng quang tại Australian Open. Để biến tham vọng thành chiến lợi phẩm, Nole cần phải vượt qua cái đích cuối cùng: Andy Murray.
Tay vợt người Scotland đang ở thế bất lợi ở một vài điểm. Thứ nhất, anh không có được thể lực sung mãn, dồi dào như Djokovic. Trong khi đương kim số 1 thế giới có tới 2 ngày nghỉ ngơi sau một trận bán kết nhàn hạ thì Murray chỉ vừa mới kịp bình phục sau 4 giờ đồng hồ mất sức trước sự cạnh tranh quyết liệt của Roger Federer tại bán kết. Đó cũng là một trong những trận đấu “xấu xí” nhất giải đấu. Hai tay vợt hàng đầu thế giới, với 1 người là biểu tượng của sự lịch lãm trên sân đấu và 1 người là niềm tự hào lớn nhất của xứ sở sương mù suốt hơn 7 thập kỷ lại không thể giấu nổi những cơn tức giận, lặt vặt rất nghiệp dư. Trong một pha ăn điểm của Murray, Federer đã nói gì đó được cho là xúc phạm đối thủ. Thay vì im lặng, tay vợt 25 tuổi lại phản ứng lại bằng tràng bĩu môi, cười mỉa mai rất lâu, được quay đi quay lại trên truyền hình. Điểm bất lợi thứ 2 của Murray là anh thường “chết” bởi sự kỳ vọng. Điều này mới chỉ được chính anh phá dớp ở US Open năm trước, cũng là danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, Djokovic cũng không thể chủ quan. Murray luôn giữ được tâm lý cực kỳ hưng phấn nếu như anh đánh bại Federer. Tay vợt người Scotland đã nẫng tay trên chiếc cúp Olympic mà suốt sự nghiệp Federer mơ ước ở trận chung kết. Chiếc cúp Grand Slam gần nhất cũng thuộc về anh, Murray có đủ lý do để không phải nghi ngờ gì về điều mình có thể làm: vô địch danh hiệu Grand Slam thứ 2.
Murray vẫn từng bị truyền thông chỉ trích khi đứng trong tốp 4 mà chưa đoạt danh hiệu Grand Slam nào. Anh bị chê bai bởi tinh thần thi đấu kém, bản lĩnh không tốt và phong cách thi đấu không đẹp. Nhưng trên tất cả, anh vẫn đang dần chứng minh cho thế giới thấy, bằng nội lực và sự kiên định, Murray hoàn toàn có thể theo đuổi những gì anh mơ ước từ thuở nhỏ. “Tôi đã nghe người ta phàn nàn rất nhiều lần. Rằng bao giờ thì ở tôi mới hội đủ cả tài năng, thể lực, bản lĩnh vân vân và vân vân. Tôi cảm thấy những điều ấy thật vô nghĩa. Thời gian sẽ trả lời, cụ thể là ở Chủ Nhật này khi tôi sẽ chinh phục danh hiệu Grand Slam thứ 2 của mình”. Murray thẳng thắn chia sẻ.
Nếu đánh bại Djokovic, Murray sẽ nối gót Lew Hoad kể từ năm 1956, trở thành tay vợt thứ 2 trong lịch sử giành 2 danh hiệu Grand Slam đầu tiên liên tiếp. Hơn thế nữa, anh sẽ vượt qua Fred Perry với 106 trận thắng ở hệ thống 4 giải đấu lớn nhất. Anh cũng cho biết, những gì vừa diễn ra, trận chung kết sắp tới đã gợi nhắc anh về huyền thoại Perry với hy vọng đạt cột mốc 200 trận thắng tại Grand Slam mặc dù đó là con số sẽ rất khó đạt được khi mà Roger Federer với 17 chức vô địch cũng chỉ mới có trận thắng thứ 250 tại tứ kết vừa rồi. Đây là thời điểm của Murray và anh hoàn toàn ý thức được cơ hội này. Chỉ cần bước qua ngưỡng cửa “số 2”, danh hiệu thứ 3, thứ 4 sẽ đến đơn giản hơn rất nhiều.