Trước trận đấu giao hữu giữa ĐT Việt Nam và ĐT CHDCND Triều Tiên, vé không “sốt” nhưng vé giả vẫn xuất hiện một cách kín đáo. Nhân viên soát vé phải chia ra thành 2 lớp để nhanh chóng phát hiện vé giả. Nhiều khán giả mua vé “chợ đen” đã không may mắn được vào sân. Ảnh: Quang Thịnh. Vé giả được phát hiện như sau, khán đài in trên vé sẽ phải trùng với ký hiệu in ở cuống vé (phần kiểm soát). Ví dụ vé khán đài B (như hình là 1 cặp vé giả) thì phần ký hiệu phải là “B/”, chứ không phải là “CD/16P”. Hơn nữa phần cuống vé được in trơn, không phải in giấy thông thường. Ảnh: Quang Thịnh. Chú Hương (73 tuổi) và con trai tên Vinh là một trong số những trường hợp không may mắn khi mua trúng vé giả. Chú đã nhờ lực lượng an ninh, phóng viên và nhân viên sân nhưng không ai giúp được vì chú đã mua vé chợ đen. Ảnh: Quang Thịnh. Sau hành trình dài đi tìm “công lý” cho cặp vé giả bất thành, chú Hương và con trai phải quay lại chỗ giữ xe để tìm “cò vé” đã lừa mình. Tuy nhiên, cả 2 bất lực trong việc tìm kiếm người đàn bà này giữa biển người gần sân Thống Nhất. Ảnh: Quang Thịnh. Quá bế tắc khi tìm hướng giải quyết gần cả tiếng đồng hồ, 2 bố con quê Nam Định đành quyết định mua lại cặp vé khác ở cổng sân do ban tổ chức phân phối trước 30 phút bóng lăn. Lần này, cả 2 đã không còn lo bị lừa nữa. Ảnh: Quang Thịnh. Vét những đồng cuối cùng để bù tiền mua cặp vé mới với giá 150.000/vé, chú Hương nói: “Rút kinh nghiệm không mua vé chợ đen nữa, với lại cũng không đủ tiền mua vé của “cò”. Con chú mua ở cổng cho chắc, nếu không đủ tiền chắc phải mượn phóng viên 50.000 đồng rồi xin địa chỉ gửi lại sau”. Ảnh: Quang Thịnh. Anh Vinh (29 tuổi) đang là giảng viên của một trường đào tạo hàng hải tại TPHCM (trái) cùng bố Hương khoe cặp vé thật cho phóng viên và vui mừng vào sân. Hi vọng bài học này sẽ là kinh nghiệm cho những CĐV khác khi mua vé “chợ đen”. Ảnh: Quang Thịnh.
Quang Thịnh - Thể thao Việt Nam |
18:07 06/10/2016